Còn gì đau lòng hơn khi đám tang của chính bố ruột lại biến thành một tụ điểm “tập hợp”, một không gian để ăn chơi và tận dụng để kinh doanh “kiếm chác”? Cuộc đời được sống mấy lần? Sau tất cả, thứ ở lại với ta cũng chỉ có gia đình? Sau tất cả, tình thân có đủ lớn để quên đi nỗi đau giằng xé một đời? Hãy đi qua những cung bậc cảm xúc trong Tang Lễ Đầu Xuân và tự mình tìm ra câu trả lời nhé!
Tang Lễ Đầu Xuân kể về câu chuyện xoay quanh người đàn ông trung niên Ho Sung vừa mới ra tù sau 8 năm. Trước kia, ông từng là giới “đàn anh đàn chị” trong nghề, rất có máu mặt trong giới giang hồ. Sau khi trở về và đối mặt với gia đình, tất cả mọi người hầu như đều rất xấu hổ về ông, chỉ có mỗi người mẹ già là vẫn yêu thương, quan tâm và xem ông mãi là cậu con trai cần được bà bảo vệ. Thế nhưng, ông dường như vẫn ngựa quen đường cũ, đám tang của bố bị ông biến thành một nơi tụ tập, ăn chơi của những “con chuyên xã hội”, ông làm mọi cách để có thể kiếm được thật nhiều tiền ngay trong chính ngày đau buồn nhất của gia đình. Để rồi khi bước vào độ tuổi xế bóng chiều tà, ngẫm nghĩ nhìn lại cuộc đời, về quá khứ, về bố mẹ, về những đứa con của mình, sự cô đơn chiếm trọn chỗ trong trái tim của ông. Liệu có phải là quá muộn để quay đầu? Những người thân còn lại trong đời sẽ vẫn bao dung, yêu thương và tha thứ cho ông chứ?
Về diễn xuất, người viết thật sự đánh giá khá cao về khả năng của các diễn viên trong phim. Vai nam chính của Tang Lễ Đầu Xuân do nam diễn viên Park Hyuk Kwon thủ vai, với kinh nghiệm diễn xuất dày dặn trong nghề, không khó để ông có thể hóa thân tròn trịa vào vai diễn Ho Sung. Tuy rất hổ báo, cứng đầu nhưng cũng rất tình cảm, nội tâm. Giây phút ông nhận dường như bản thân mình đã mất đi tất cả, tiếng nấc nghẹn ngào, gào thét gọi bố mẹ trước di ảnh trong vô vọng thật sự khiến người xem nghẹn ngào đến đau lòng.
Những vai diễn khác là sự kết hợp giữa dàn diễn viên gạo cội với lực lượng tài năng trẻ như Park So Jin, Sung Nam, Son Hyun Joo… Cũng đã kết thúc khá tròn vai diễn của mình, mỗi người đều thể hiện được rất rõ tâm lý nhân vật đang mang. Sự chua xót, nhẫn nhịn đến tột cùng, tình cảm gia đình dù trải qua bao nhiêu chuyện, bao nhiêu biến cố, thăng trầm vẫn xem nhau là ruột thịt, tình anh em, tình cảm cha con…
Nếu Tang Lễ Đầu Xuân là một bộ phim thuộc thể loại tâm lý tình cảm thì người viết nghĩ nó đã làm khá ổn vai trò của nó. Nếu các mọt là một người xem có thể cảm được nỗi đau và sự ấm ức, chịu đựng của mỗi nhân vật trong phim đang mang thì nó khá phù hợp với các bạn. Tang Lễ Đầu Xuân không phải là một bộ phim thiên về drama đấu đá, thế nên nó sẽ chẳng thể khiến bạn “Oh woa” lên được, nó chỉ dừng lại với sự ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm và cảm thông.
Điều mà có lẽ Tang Lễ Đầu Xuân chưa thực sự khiến người viết hài lòng có lẽ là nhịp phim và tiết tấu điều tiết không được ổn cho lắm. Có những đoạn quá trầm, những đoạn khá nhanh và những chỗ khiến người xem chưa cảm nhận được điều gì đã vội lướt qua. Nhạc phim của phim không quá nhiều, chủ yếu sử dụng các âm thanh nền, hiệu ứng âm thanh hoặc âm thanh thật của cảnh, do đó không thể đánh giá quá nhiều về phần nhạc phim. Các góc máy được đặt khá tốt, làm rõ lên được những giá trị, thông điệp mà từ hình ảnh có thể gửi đến cho khán giả.
Nhìn chung, Tang Lễ Đầu Xuân không phải là một bộ phim quá xuất sắc, tuy nhiên nếu chỉ gói gọn trong chủ đề mà nó khai thác là thể loại tâm lý tình cảm, bộ phim vẫn đủ để người xem đến coi, đến để nhìn thấy những chuyện rất đời, rất gia đình thực sự luôn hiện hữu, tồn tại trong cuộc sống. Những điều đôi lúc chúng ta chẳng để ý hoặc như câu “Mỗi cây mỗi hoa/ Mỗi nhà mỗi cảnh” nên ta chẳng để tâm mà quên mất đi nhiều giá trị ý nghĩa trong cuộc sống. Nếu đánh giá trên thang điểm 10 cho tổng tác phẩm, người viết sẽ cho phim ở mức 6,5 – 7/10 về nội dung cũng như các ngôn ngữ điện ảnh trong phim.