Được gắn mác là phim LGBT, thế nhưng những gì mà Tao Không Xa Mày thể hiện lại không giống như thế. Trước khi bắt đầu, tôi xin phép sẽ không bàn đến vấn đề sao chép kịch bản được báo chí đề cập trước đó mà sẽ chỉ tập trung vào phần nội dung được thể hiện trong phim. Điều này có nghĩa là dù kịch bản này là của ai, cũng phải thẳng thắn nói rằng đây là một kịch bản không hề hay như mong đợi, lan man và không đi vào trọng tâm vấn đề.
Bộ phim gồm hai câu chuyện được lồng ghép vào nhau: câu chuyện về việc người con trai đọc nhật ký và mối quan hệ cũng như diễn biến tình cảm của Nam và Tùng. Và tôi cảm thấy biên kịch cũng như nhà làm phim hơi tham lam khi đem hai câu chuyện đó lồng vào nhau và rồi khiến cho bộ phim hoàn toàn không có cao trào.
Phim kể về Nam và Tùng (do Châu Trọng Tài và Anh Tú đóng) cùng mối quan hệ mập mờ đến không thể xác định của cả hai và khi được thể hiện trong phim thì thật hỗn độn và không rõ ràng. Tôi không hề xem qua trailer phim để không muốn sau đó phải kết luận rằng những cái hay, đẹp của phim đều đã gói gém hết vào trailer. Ai đó hãy cho tôi biết phải chăng sự thật chính là như thế?
“Tao không xa mày!” - Đây là lời của nhân vật Nam nói với Tùng hay là Tùng dành cho Nam? Rõ ràng xuyên suốt bộ phim thể hiện ra rằng nhân vật Nam có tình cảm đặc biệt với nhân vật Tùng, nhưng tình cảm này nhìn vào chẳng giống yêu hoặc có chăng chỉ là tình cảm thức thời trong giai đoạn trưởng thành.
Bối cảnh bộ phim hệt như những bộ phim LGBT ở Thái. Người viết kịch bản biết chọn khoảng thời gian, biết đặt bối cảnh, biết phát triển câu chuyện nhưng lại không thể phát triển câu chuyện đó đến nơi đến chốn.
Bối cảnh phim đặt ở giai đoạn hai cậu thiếu niên đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Ở cái giai đoạn dễ sa ngã và ngộ nhận đó, tình cảm tuy còn đẹp nhưng lại rất mơ hồ không rõ ràng, thế nên hai cậu ngộ nhận mình thích đối phương. Và khi một trong hai người phải rời xa người còn lại, tự khắc sẽ sinh ra thương nhớ.
Chưa bao giờ tôi đánh giá cao nhạc phim Việt. Về khoảng này, có lẽ các nhà làm phim nên học hỏi nước ngoài. Ở những phân cảnh lấy vô cùng đầy cảm xúc, một đoạn nhạc dạo vang lên, sau đó là lời bài hát, toàn anh anh em em sến súa gì đó, còn không thì cứ trực tiếp cắt đoạn dạo nhạc, vào thẳng câu hát và thế là cảm xúc của người xem đi tong. Cứ mỗi phân cảnh cảm xúc trong phim, lời hát lọt vào tai là tôi cứ cảm thấy cái cảm xúc vừa lên một chút của mình đã bị đè xuống, cảm thấy rất buồn cười. Có nhiều phân cảnh phim, tôi nghĩ nếu sử dụng nhạc không lời hay là beat nhạc sẽ tuyệt vời hơi, dễ dàng động lại cảm xúc trong lòng người xem hơn nữa.
Một bài nhạc và một bộ phim muốn được khán giả nhớ đến thì cũng phải được phát đúng thời điểm, đúng giai đoạn, đúng cảnh phim, như thế mới được xem là lấy đi cảm xúc của người xem hoặc khiến cho cảnh phim ấy thành “bất hủ” hoặc “ám ảnh người xem một thời gian dài”.
Tôi nhận thấy phim Việt hơi hạn chế dùng nhạc không lời, đặc biệt là phim điện ảnh. Trong khi phim nước ngoài gần như sử dụng rất nhiều nhạc không lời hoặc beat nhạc thì phim Việt luôn đi ngược lại xu hướng đó. Có lẽ nhà làm phim nên nhớ: Nhạc phim góp một phần không nhỏ vào thành công của một bộ phim. Không cần phải so sánh đâu, cứ xem Thái Lan hoặc Trung Quốc hay xa hơn chút là Hàn Quốc để nhìn thấy sự đầu tư, chỉn chủ cho một bộ phim của họ.
Dù sao thì với những bộ phim bom tấn đang làm mưa làm gió ở rạp hiện nay, Tao Không Xa Mày tuy không hoàn hảo nhưng cũng sẽ là một trong những lựa chọn cho những bạn thích sự nhẹ nhàng và lãng mạn cho những bạn yêu thích thể loại này. Các diễn viên trong phim diễn rất tốt, bộc lộ được cảm xúc cũng như cái thần của nhân vật qua ánh mắt, cử chỉ. Thật sự tôi rất thích anh bạn Cà lăm dám bất chấp tất cả vì tình yêu trong này. Hy vọng tương lai sẽ thấy họ tỏa sáng hơn nữa ở những bộ phim khác.
Thành viên: Catpis-