Thanh Xuân Ơi, Chào Em kể về chuyến du hành ngược thời gian quay về những ngày học cuối cấp 3 năm 1997 của Uông Chính Tường (Lưu Dĩ Hào). Luôn dằn vặt về cái chết của cô bạn thân (đồng thời cũng là mối tình thâm kín thời trung học) Lý Ân Bội (Tống Vân Hoa) trong tương lai, Uông Chính Tường quyết tâm dùng cơ hội này để ngăn cản không cho cô theo đuổi ước mơ làm ca sĩ (sự nghiệp của cô sớm lụi tàn cũng như sức khỏe suy yếu) khiến không ít chuyện dở khóc dở cười diễn ra. Liệu Uông Chính Tường có thành công với kế hoạch của mình?
Nhắc tới thể loại phim ngôn tình thời học trò, chắc không ai trong chúng ta lạ gì những tượng đài như You Are The Apple Of My Eyes, Gửi Tuổi Thanh Xuân, Năm Tháng Vội Vã,... Tuy nhiên cũng chính vì những tác phẩm quá thành công trên, các phim ngôn tình về tuổi học trò sau này đều khá mờ nhạt vì khó bứt ra khỏi cái bóng ăn theo những mô-típ quen thuộc như: nhóm bạn thân, mối tình đầu, xung đột cãi vã trong nhóm, hay lớn nhất là thông điệp quen thuộc về những hoài bão cũng như lối sống nhiệt huyết của thời thanh xuân mà bất kì ai trong số khán giả đều có thể đồng cảm được vì đâu trong số những nhân vật đó chúng ta đều tìm được hình ảnh quen thuộc của mình.
Tuy vẫn tuân theo những mô-típ quen thuộc mà người viết đã nêu trên nhưng đội ngũ làm phim cũng như đạo diễn Tạ Tuấn Nghị (Chun-Yi Hsieh) phần nào đó vẫn thành công trong việc tạo ra không khí nhẹ nhàng, đưa khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc. Lúc thì bồi hồi vì tìm thấy bản thân mình những ngày trẻ. Lúc thì buồn man mác khi chứng kiến các nhân vật trong phim trải qua những khủng hoảng về ước mơ cũng như cuộc sống, và cười khúc khích khi nhìn thấy những trò chơi khăm đúng kiểu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” của các nhân vật. Không tìm cách đem tới không khí nặng nề hay những thông điệp quá giáo điều, bộ phim tìm được cách đi vào lòng khán giả bằng những tình tiết nhẹ nhàng nhưng đầy chân thực thông qua diễn xuất của bộ đôi diễn viên chính. Tuy nhiên phần nào đó đây cũng là nhược điểm của phim khi những thông điệp về khát vọng của tuổi trẻ mà đạo diễn muốn truyền tải đều không có sức nặng cần thiết, khiến chúng có phần “chìm” mất trước những tình tiết gợi nhớ về tuổi học trò.
Về mặt diễn xuất, có thể khó có mỹ từ nào có thể diễn tả hết về sự xuất sắc của Lưu Dĩ Hào và Tống Vân Hoa. Dù tuổi tác khiến cho diện mạo của cả hai khó thuyết phục người xem tin rằng đây là hai cô cậu học sinh cấp 3 (Lưu Dĩ Hào đã gần 32 tuổi, Tống Vân Hoa cũng đã bước vào tuổi 25) nhưng với nụ cười tỏa nắng túc trực trên gương mặt cũng như thần thái diễn xuất tự tin, năng động không mấy khó khăn để cho khán giả nhận ra rằng cả hai gần như là linh hồn của bộ phim. Đặc biệt, với nhân vật cô nữ sinh có cá tính mạnh mẽ và hoạt bát Lý Ân Bội qua diễn xuất của Tống Vân Hoa thật sự sống động với nội tâm đa chiều, phức tạp hơn Uông Chính Tường khi nhân vật này có ít đất diễn nhằm thể hiện nội tâm và chỉ thực sự tỏa sáng ở hồi cuối của phim.
Tuy nhiên, điểm tỏa sáng lớn nhất của phim phải kể đến phần nhạc phim vô cùng xuất sắc. Được đặt tên theo ca khúc Take Me To The Moon của nam danh ca huyền thoại Tom Chang (Chang Yu-sheng), dù chỉ sử dụng hai ca khúc là Take Me To The Moon và Say Goodbye của Tom Chang nhưng sức mạnh của hai ca khúc này thật sự đủ làm rung động con tim của bất cứ khán giả nào bất cứ khi nào nó vang lên trong phim. Ngoài ra việc Lưu Dĩ Hào và Tống Vân Hoa đều có nền tảng âm nhạc tốt (Lưu Dĩ Hào thậm chí là guitarist chính và thành lập ban nhạc của riêng mình là Morning Call) cũng giúp cả hai “đốn tim” người xem bất cứ khi nào cả hai cất giọng hát.
Tổng kết lại, tuy nhẹ nhàng và vẫn chưa thành công lắm trong việc truyền tải thông điệp của mình về hoài bão và khát vọng, nhưng Thanh Xuân Ơi, Chào Em vẫn là một lựa chọn đáng giá để thưởng thức cùng nhóm bạn của mình để cùng hồi tưởng về một thời thanh xuân hồn nhiên, ngây ngô trong mỗi người.
Thành viên: khacduy