The Falcon and the Winter Soldier lấy bối cảnh thế giới sau khi Steve Rogers giao lại chiếc khiên biểu tượng và danh hiệu lẫn trọng trách của Captain America cho Sam Wilson – The Falcon. Nhưng Sam lại quyết định đưa chiếc khiên vào viện bảo tàng, nghĩ rằng đó là nơi thích hợp nhất để ghi nhớ cuộc đời vĩ đại của Steve Rogers. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ, sau khi thuyết phục Sam giao lại chiếc khiên, lại đưa nó cho John Walker để làm Captain America tiếp theo. Điều này khiến Bucky Barnes/Winter Soldier đặc biệt giận dữ, còn Sam thì bàng hoàng. Trong khi đó, một hội mang tên Hội Dập Cờ đang gieo rắc kinh hoàng khắp nơi.
The Falcon and the Winter Soldier có mối liên hệ mật thiết với Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). Các sự kiện trong phim diễn ra nhờ vào xúc tác của diễn biến trong Avengers: Endgame, khi nhóm Avengers thành công đảo ngược cú búng tay của Thanos, đưa một nửa dân số đã biến mất quay trở lại. Nhưng sự kiện này cũng khiến chính phủ các nước, những người đã dành 5 năm sau Infinity War để vượt qua mất mát và tái ổn định xã hội, bị bất ngờ. Qúa trình tái định cư cho những người trở về vì vậy mà trở nên khó khăn và dần rơi vào hỗn loạn. Từ chính sự hỗn loạn ấy, Hội Dập Cờ ra đời với mục tiêu chiến đấu với thế lực chóp bu và mở cửa biên giới.
Chính những điểm nhấn này đã mở ra một The Falcon and the Winter Soldier khác biệt so với series tiên phong của MCU là WandaVision. Cả hai đều nhấn mạnh hậu quả sau cú búng tay lịch sử của Thanos, nhưng khi WandaVision đánh vào chấn thương tâm lý, thì series đánh dấu lần hợp tác giữa The Falcon và Winter Soldier lại mang đậm tính xã hội, chính trị và mâu thuẫn tư tưởng trong một thời đại mà con người đang chia rẽ hơn bao giờ hết. Và đó là vấn đề mà siêu anh hùng cũng không thể giải quyết được.
The Falcon and the Winter Soldier có tiết tấu nhanh hơn so với WandaVision. Câu chuyện nhấn nhá nhiều màn đối đầu, hành động gay cấn và đẹp mắt. Chất lượng phần hình ảnh dĩ nhiên không cần bàn cãi. Diễn xuất đến từ các ngôi sao màn bạc cũng không có gì để phàn nàn. Cốt truyện liên kết chặt chẽ và hợp lý.
Đặc biệt, mối quan hệ giữa Falcon và Winter Soldier là một điểm sáng của phim. Hai diễn viên Anthony Mackie và Sebastian Stan có màn tung hứng rất ăn ý, tạo nên một mối quan hệ “bromance” thuyết phục. Nhưng điểm nhấn của series vẫn là các chủ để chính trị, chia rẽ xã hội và mâu thuẫn tư tưởng.
Yếu tố chính trị của The Falcon and the Winter Soldier không thể tách rời với mạch phim. Chỉ có điều, trong thực tế, những vẫn đề mà series hướng đến vẫn chưa có giải pháp, nên series cũng chỉ phản ánh được sự “không đi đến đâu” và “mãi mãi tranh cãi” của chúng trên phim. Nên nhiều khi, series trở nên nặng nề và chênh vênh không hồi kết với thông điệp không rõ ràng.
Trong tình cảnh đó, Zemo (Daniel Bruhl) trở thành một nhân vật ấn tượng và nổi bật mà người xem có thể lắng nghe. Hắn không quá lý tưởng như Sam hay cực đoan như Karli, mà đem đến sự thực tế cho các nhân vật.
Ở The Falcon and the Winter Soldier, Zemo đem đến một vẻ tĩnh lặng giữa hàng loạt các nhân vật đang rối bời. John Walker đang cảm thấy sự nặng nề của cái bóng người tiền nhiệm để lại. Bucky thì đang bị dằn vặt bởi những tội lỗi trong quá khứ. Còn Sam thì bắt đầu cảm thấy sự lạc lõng của chủ nghĩa Mỹ mà Steve từng sống chết để bảo vệ. Sự xuất hiện của Zemo dường như muốn nói lên sự điên cuồng và khủng hoảng của thế giới đã cùng cực đến mức lời nói của một tên phản diện khủng bố còn có lý hơn những anh hùng.
The Falcon and the Winter Soldier hiện lên như một tấm gương phản ánh các vấn đề nan giải của xã hội hiện thực. Tranh cãi lớn nhất trong đây là người thừa kế danh hiệu Captain America và ý nghĩa mà chiếc khiên đỏ, xanh, trắng đại diện. Và việc chính phủ Hoa Kỳ chọn một người lính tóc vàng, mắt xanh, da trắng làm người kế nhiệm như một chi tiết nói lên tư tưởng phân biệt chủng tộc vẫn còn nặng nề ở quốc gia được xem là ngọn hải đăng của tự do và bình đẳng.
Về điểm này, series chẳng hề vận dụng bất kỳ phép nói giảm, nói tránh hay phép ẩn dụ nào, mà thẳng thắng truyền tải điều đó với người xem, với chi tiết một siêu chiến binh Mỹ gốc Phi đã được tạo ra nhưng không được chính phủ thừa nhận dù đã dành thời niên thiếu phụng sự quốc gia thời chiến tranh Triều Tiên. Ông còn bị bắt làm vật thí nghiệm trái với mong muốn và bị cầm tù trong 30 năm mà không được biết nguyên nhân.
Ở hiện tại, Sam Wilson bị bỏ qua cũng nói lên nước Mỹ sẽ không bao giờ để một người da đen đại diện cho quốc gia này. Là một người da màu sống trong đất nước bị ám ảnh bởi quá khứ phân biệt chủng tộc vô cùng sâu sắc như Mỹ, Sam ngày càng mất niềm tin vào một nước Mỹ mà Steve từng tin tưởng. Di sản mà chiếc khiên đó đại diện đã trở nên phức tạp, dù anh thừa biết màu da nào cũng có người tốt kẻ xấu.
Thật đáng tiếc là The Falcon and the Winter Soldier không đào sâu vào tư tưởng của Thanos, thứ rõ ràng đã thúc đẩy Hội Dập Cờ. Bản thân Karli, phản diện chính của phim, cũng tin rằng thế giới đã từng tốt đẹp hơn với một nửa dân số biến mất.
Tập 5 vừa qua, dù mở màn với màn đối đầu căng thẳng giữa Bucky, Sam và John Walker – một trận đánh mà đối với người viết không chỉ gợi nhớ rất nhiều về màn đối đầu cuối cùng ở Civil War, mà còn để bảo vệ lý tưởng của Steve Rogers – được coi là sự bình yên trước bão tố. Tập cuối cùng dù có ra sao, hẳn cũng nhấn mạnh sự ra đời của một Captain America mới. Nhưng liệu đó có phải là một Captain America gợi nhắc những người nước Mỹ đã bỏ lại phía sau?