Đánh dấu sự trở lại của Thành Long, The Foreigner (Kẻ Ngoại Tộc) thực sự là một bộ phim xứng đáng để bạn bỏ tiền ra rạp, nhất là khi bạn là fan của Thành Long hay fan của những bộ phim hành động cổ điển.
Trong khoảng một thập niên trở lại đây, ta chứng kiến cuộc đổ bộ của rất nhiều bộ phim hành động - khoa học viễn tưởng với kĩ xảo cực kì đẹp mắt, điển hình như Avatar, chuỗi phim về siêu anh hùng của các ông lớn Marvel và DC, loạt phim Twilight, Hunger Games... Tất cả đều đang đua nhau sản xuất ra những bộ phim kích thích trí tưởng tượng đến tột cùng, thậm chí xa hơn cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Những bộ phim hành động cổ điển dần bị lãng quên tới độ có khi chẳng ai còn mảy may nhớ tới thời kì hoàng kim của chúng. Và Kẻ Ngoại Tộc xuất hiện, đem những cảm giác xưa cũ trở lại, nhưng trong những thứ xưa cũ ấy, lại xen lẫn cả những thứ mới mẻ.
Một trong những điều tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể học ở bất cứ bộ phim nào lấy bối cảnh ở Châu Âu, thì đó là Châu Âu rất đẹp, rất thanh lịch, cũng rất quyến rũ. Bất kể là phim tình cảm lãng mạn, phim hành động giật gân hay phim tâm lí bi thương, ta đều bắt gặp những con đường Châu Âu cổ kính, những công trình mang đậm kiến trúc phương Tây tinh tế và thậm chí là bầu không khí cóng lạnh được truyền tải hết sức đầy đủ thông qua những góc quay quen thuộc, đơn giản nhưng luôn hiệu quả. Trong Kẻ Ngoại Tộc, chỉ cần những con đường thông thường ở London, một phần London nhìn từ trên xuống, London Eye, cảnh sắc thiên nhiên và núi non ở Ireland được quay thoáng chốc trong chưa đầy 2 phút cũng đủ để bạn muốn xách balo lên và đi phượt Châu Âu một chuyến.
Vũ khí trong phim không còn những loại ảo và vi diệu lộng lẫy như khiên của Captain hay đôi giày có lưỡi dao độc của đặc vụ Kingsman, chỉ còn những quả bom tự chế mang sức công phá không quá lớn nhưng đủ gây sát thương. Những pha hành động dứt khoát và "ngọt" mãn nhãn của Thành Long là điều không bao giờ có thể bỏ qua khi nói về phim của ông. Mọi cú đánh đều nhanh chóng để gây bất ngờ cho đối thủ nhưng cũng chậm vừa đủ để khán giả kịp theo dõi, không như những bộ phim bom tấn mà khi có cảnh hành động, ta đều tự hỏi có phải đánh nhanh quá hay đánh kiểu đánh "yêu" mà máy quay chẳng bao giờ quay đủ rõ nét. Điều mà ta luôn rút ra trong phim của Thành Long là cho dù phim có dở tới đâu, nhưng những màn đánh nhau thì chẳng bao giờ dở, cho dù chúng cực kì cổ điển và ta đã xem chúng vài chục năm rồi.
Kẻ Ngoại Tộc lấy đề tài khá lạ, một cựu chiến xuất sắc của Lực lượng Đặc nhiệm US vì muốn trả thù cho con gái chết trong một vụ đánh bom của lực lượng chống chính quyền nhằm mục đích phục vụ cho âm mưu chính trị mà ông đã khủng bố lại và thậm chí chính tay giết chết hết gần hết những kẻ chủ mưu. Cùng một vài cú twist nho nhỏ, phim đã thành công khi khắc hoạ cuộc sống của từng nhân vật. Không còn những kẻ phản diện thông minh và luôn an toàn tới cuối phim, không còn những nhân vật chính gần như hoàn hảo với những khuyết điểm có-cũng-vẫn-hoàn-hảo, chỉ còn một ông bố đầy đau khổ và giận dữ vì mất đi đứa con gái s– người thân cuối cùng – sẵn sàng làm bất cứ điều gì để trả thù cho con. Những kẻ phản diện bây giờ mới là kẻ gặp nguy hiểm. Áp lực từ chính quyền, áp lực từ những người thân đã lên kế hoạch phản bội, và cả áp lực từ một kẻ vô danh đang truy sát tất cả. Ta luôn phải lo lắng nhân vật chính sẽ gặp những cú twist gì, nhưng điều đó không còn trong Kẻ Ngoại Tộc khi mà người bố mới nắm đằng chuôi và sẵn sàng làm mọi thứ. Cùng với đó là những âm mưu chính trị không quá phức tạp, nhưng chỉ cần một phút lơ đãng là bạn sẽ chẳng hiểu được hết nội dung nữa.
Lồng ghép trong những pha hành động đậm chất Thành Long, không kĩ xảo phức tạp, không cascadeur là những tình cảm đơn giản nhất của con người: tình thân, tình nhân, căm hận, tức giận... Ta cảm nhận rõ rệt nỗi đau mất con của Quan khi ông ôm chặt xác con sau vụ nổ, hai hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt có dấu vết của năm tháng, đôi mắt tràn đầy sự đau đớn, bi thương, sự tức giận và căm hận tất cả, bao gồm cả bản thân mình vì đã không bảo vệ được đứa con cuối cùng. Rồi vẫn đôi mắt ấy, chỉ còn lại sự trống rỗng và quyết tâm trả thù mang tới gần cuối phim. Rồi vẫn đâu mắt ấy, khi tới cuối phim đã không còn kìm bất cứ cảm xúc nào nữa, mà chỉ để chúng ồ ạt tuôn trào ra ngoài cùng những giọt nước mắt. Ta không biết ông khóc vì vui bởi cuối cùng cũng trả thù được cho con hay vì ông quá đau lòng khi nghĩ tới đứa con gái xấu số. Thành Long không hổ là diễn viên gạo cội có tầm ảnh hưởng lớn ở Hollywood khi ông đã thoát khỏi hình bóng những vai diễn kèm cả yếu tố hài hước trong các bộ phim trước đây để hoá thân thành một ông bố mang hết tất cả những cảm xúc bi quan nhất của con người và thể hiện chúng chân thật nhất có thể.
Điểm nhấn tiếp theo của Kẻ Ngoại Tộc là cựu James Bond - Pierce Brosnan. Quý ông 007 trở thành một chính trị gia thoát li khỏi lực lượng chống chính quyền Ireland 30 năm trước nhưng tới giờ vẫn không thể hoàn toàn khống chế cuộc sống của mình. Có thể nói đây là người đàn ông đáng thương nhất phim khi chỉ muốn sống yên ổn cùng chức thủ tướng nhưng cứ bị đồng nghiệp soi mói, cấp trên gây áp lực, vợ và tình nhân cũng chẳng sống cùng ông vì yêu ông, thậm chí nói hết nước hết cái sự thật cũng chỉ nhận lại sự đe doạ tính mạng và danh dự từ Quan. Nếu chỉ được miêu tả ông qua một cụm từ, thì đó là "Kẻ trung gian tội nghiệp". Nếu như Quan đem lại cảm giác một người cha vững chãi hết lòng vì yêu con thì Liam lại là một người đàn ông không chắc chắn, không thể kiểm soát gần như là mọi thứ trong cuộc sống của mình. Pierce Brosnan đã, đang và vẫn luôn là một diễn viên giỏi mang gương mặt đẹp kiểu quý ông lịch lãm theo chủ nghĩa hoàn mỹ nên cho dù vào vai một người đàn ông tệ hại thì đâu đó vẫn phảng phất khí chất trầm ổn cuốn hút. Nhưng xét về những gì Pierce thể hiện khi vào vai Liam, ta có thể thấy được Pierce đã hoàn toàn thành công khi khắc hoạ một vị Thủ tướng khiến người ta chán ghét và chẳng còn nhớ gì tới 007 nữa.
Ngoài ra với sự xuất hiện của hàng loạt diễn viên phụ có thực lực khác, TF đã vẽ nên một bức tranh u buồn nhưng thực tế về nhiều khía cạnh trong xã hội. Giống như việc ăn quá nhiều sơn hào hải vị thì sẽ tới lúc ta chỉ muốn ăn những món nhẹ nhàng. "The Foreigner" giống như là một món ăn thanh đạm nhưng vẫn mang đủ hương vị giữa một bàn sơn hào hải vị. Chỉ cần nhớ đây là một bộ phim hành động tâm lí, không phải phim hài là bạn sẽ có thể tận hưởng bộ phim theo đúng cách mà không lo mình sẽ thất vọng chỉ vì nghĩ phim của Thành Long thì luôn hài. Một sự trở lại không rầm rộ, nhưng đủ để hâm nóng tên tuổi và thương hiệu. Ai nói Thành Long đã già, đã hết thời chứ phim mà như thế này tôi vẫn ủng hộ dài dài.
Thành viên: Rio