7 năm phát triển đã cho ra đời một bộ phim khá tốt, nhưng để đánh giá phim xuất sắc hoặc hoàn hảo thì The Greatest Showman vẫn còn thiếu sót khá nhiều.
Nhân vật chính của phim là P.T. Barnum (Hugh Jackman), một người đàn ông đầy tham vọng, đã tập hợp những con người có vẻ ngoài kỳ dị nhưng sở hữu những biệt tài kỳ bí và biến họ trở thành ngôi sao rực rỡ trong những đêm diễn hoành tráng. Những đêm diễn ấy đã thay đổi nhận thức và góc nhìn của cả một xã hội đối với những con người này.
Là bộ phim thuộc thể loại nhạc kịch, vậy nên phần âm nhạc của phim đương nhiên phải được chú trọng nhất. Đây có thể nói là điểm mạnh và là yếu tố khiến bộ phim trở nên rất hay về mặt nghe nhìn. Đến từ bộ đôi được mệnh danh “cặp bài trùng” - Benj Pasek và Justin Paul, những bài hát với ca từ mạnh mẽ và giai điệu cuồng nhiệt đã làm mọi điểm yếu trong tình tiết của phim bị lu mờ và khiến khán giả dễ dàng chấp nhận điểm không hoàn hảo của phim.
Các giọng ca trong phim cũng thực sự tuyệt vời, đặc biệt là bài This Is Me và Never Enough. This Is Me qua phần thể hiện của Keala Settle đã khiến nhiều khán giả phải rơi nước mắt, đặc biệt nếu đó là người hiểu cảm giác đối diện với ánh mắt xa lánh đến từ những người xung quanh. Never Enough thì đủ khiến tôi phải nổi da gà bởi giọng ca nội lực và đầy xúc cảm của Rebecca Ferguson.
Kể từ thời High School Musical thì tôi vẫn chưa đi xem phim nào khác của Zac Efron, bởi thế mà anh khiến tôi ngạc nhiên bởi giọng nói đã trưởng thành và trầm ấm rất nam tính, giọng hát tuy có hơi thay đổi nhưng vẫn không giảm đi chất lượng, trái lại còn có nét riêng rất thu hút, thể hiện rõ ràng nhất trong bài The Other Side anh song ca với Hugh Jackman.
Đi kèm với âm nhạc hay còn là hình ảnh đẹp, rực rỡ nhưng không quá chói mà có nét cổ điển rất đã mắt. Trang phục và tạo hình của các nhân vật thì lung linh thôi rồi. Các màn biểu diễn vũ điệu cũng nhịp nhàng và ấn tượng không kém.
Âm thanh và hình ảnh của phim không có gì để chê, thế nhưng có lẽ do quá tập trung vào hai phần này mà phần cốt truyện của phim không được tốt. Câu chuyện đơn giản không phải là vấn đề. Vấn đề của phim là việc đẩy quá nhanh các tình tiết. Khởi đầu của phim gấp gáp, nhưng để mau chóng bắt đầu đi vào câu chuyện chính thì điểm này có thể bỏ qua. Tuy nhiên, đến gần giữa phim, gần cao trào thì không thể bỏ qua được nữa, và đó chính là điểm dở của The Greatest Showman.
Các nhân vật được xây dựng rất yếu, tính cách không nổi bật rõ ràng, đồng thời mối quan hệ trong phim cũng rất hời hợt, ví dụ như chuyện tình của Phillip Carlyle và Anne Wheeler. May mà bài Rewrite The Stars buồn lãng mạn đã “cứu vớt” được mối quan hệ đó, làm tăng chiều sâu giữa hai nhân vật lên chút đỉnh. Còn lại thì các yếu tố như thành công của P.T. Barnum được khắc họa quá dễ dàng, thất bại và scandal của nhân vật cũng bị lướt đi khá nhanh. Cao trào của phim không hay và không đủ thuyết phục.
Chính vì chiều sâu nhân vật không có nên diễn xuất của các diễn viên không có gì khó khăn, tất cả đều diễn khá tốt, không cần đòi hỏi nhiều, đặc biệt là Hugh Jackman. Nhưng vai này có lẽ chỉ đủ nằm trong bộ sưu tập các vai diễn của anh chứ chưa đủ nằm trong danh sách các vai diễn xuất sắc nhất của Hugh Jackman.
Thông điệp của phim cũng không được nhấn mạnh. Và đấy là điều tôi không thích nhất. The Greatest Showman có cốt truyện rất tốt, một show diễn tập hợp những con người kỳ dị lại với nhau và đưa họ tỏa sáng. Các nhân vật trong đoàn xiếc đều là đại diện cho những người đã và đang chịu sự kỳ thị trong xã hội Mỹ từ quá khứ cho đến hiện tại: người Mỹ gốc Á, gốc Ireland, gốc Phi, người chuyển giới, người có khiếm khuyết ngoại hình… và bài This Is Me chính là bản hùng ca nói về quá trình đấu tranh và đối mặt với nạn kỳ thị của họ. Thông điệp xã hội mạnh mẽ nhưng dẫn dắt thiếu sót đã khiến cái hay của phim bị giảm đi ít nhiều. Ngoài ra phim còn chứa đựng bài học về tình cảm gia đình, thành bại trong cuộc sống, tình yêu chân chính… nhưng cái nào cũng không được chú trọng triệt để khiến tôi khá thất vọng.
Tóm lại thì phim vẫn làm khá tốt, hình ảnh đẹp đủ thỏa mãn và âm nhạc sâu sắc đủ để bù lại cho việc dẫn dắt yếu kém của phim. Một bộ phim đáng xem.