Giáng Sinh năm nay có vẻ đến sớm hơn dự kiến khi hãng Illumination chuẩn bị cho ra mắt phiên bản hoạt hình 3D của The Grinch, dựa trên cuốn sách How the Grinch Stole Christmas! năm 1957 của Dr. Seuss, tác giả nổi tiếng chuyên viết về sách cho thiếu nhi. Bộ phim lần này đặc biệt có sự góp giọng của nam tài tử Benedict Cumberbatch trong vai diễn chính cùng tên, kể về câu chuyện của gã Grinch, một sinh vật cực kì ghét Giáng Sinh và dự định sẽ phá hủy niềm vui ngày lễ cuối năm của tất cả mọi người dân trong thị trấn Whoville.
Trước khi The Grinch được ra mắt, đã từng có hai phiên bản được chuyển thể từ quyển sách của Dr. Seuss. Đầu tiên là phiên bản hoạt hình kinh điển năm 1966 của huyền thoại Chuck Jones, người đã tạo ra các tập phim Tom and Jerry mà khán giả Việt Nam đã quá quen thuộc. Sở dĩ gọi phiên bản này là kinh điển bởi vì nó thể hiện đúng tinh thần của tác phẩm gốc cũng như nhân vật Grinch, được lồng tiếng bởi Boris Karloff (người cũng thực hiện việc dẫn truyện), là một hình tượng khó ai có thể đánh đổ. Điều này được minh chứng qua điểm số 100% trên Rotten Tomatoes và 8.4 trên IMDb.
Thế nhưng phiên bản người đóng năm 2000 của danh hài Jim Carrey lại không nhận được sự hưởng ứng và yêu quý như người tiền nhiệm. Dù đoạt được giải Oscars cho Hóa trang Xuất sắc nhất, phần nội dung của phiên bản này lại không gây được ấn tượng bởi nó đi theo hướng đen tối hơn, một phần cũng là do nhà làm phim phải sáng tạo ra những cốt truyện mới để phù hợp với thời lượng của một bộ phim chiếu rạp. Ngoài phần nội dung, nhiều khán giả cho rằng diễn xuất của Jim Carrey quá over-the-top (đồng nghĩa với overact, một thuật ngữ dùng để ám chỉ khi một diễn viên thường “phóng đại” vai diễn của mình lên) nhưng cũng có nhận định rằng không ai có thể vào vai nhân vật The Grinch tốt hơn Jim Carrey với sự quái đản của anh.
Vậy thì phiên bản lần này của Illumination được đánh giá như thế nào? Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài yếu tố mang tính quyết định đến thành công của bộ phim:
Nhân vật The Grinch
Tạo hình của Grinch trong phiên bản 2018 dường như nằm giữa khi đem so sánh với hai phiên bản trước đây. Phiên bản 1966 được lấy cảm hứng từ tạo hình trong quyển sách của Dr. Seuss, còn bản của Jim Carrey thì lại xấu xí hơn một chút để phù hợp với thế giới thực của chúng ta. The Grinch của Benedict Cumberbatch thì mang vẻ hiền lành hơn, có lẽ đây là ý đồ để phù hợp với cách mà hai đạo diễn Yarrow Cheney and Scott Mosier muốn xây dựng nhân vật này. Tuy hiền lành hơn nhưng The Grinch phiên bản này vẫn giữ được nụ cười ác độc kinh điển mà người xem nào cũng có thể nhận ra. Cách đi đứng cũng như những cử chỉ của hắn đã được Illumination thực hiện rất tốt, vừa ăn khớp với sự xấu tính và vừa đem lại tiếng cười cho người xem.
Quan trọng hơn cả đó là giọng lồng tiếng của Benedict Cumberbatch và rõ ràng nó hoàn toàn khác biệt so với hai phiên bản trước đây. Nếu như Boris Karloff có một giọng nói trầm, Jim Carrey bưng hẳn chất giọng quái đản của anh thì Benedict lại có một tone giọng cao hơn và hoàn toàn phù hợp với độ ma quái của nhân vật này. Khán giả cũng không quá bất ngờ với sự thay đổi giọng nói đến từ nam tài tử người Anh nếu như họ biết rằng anh đã từng đóng các vai diễn đòi hỏi các chất giọng hoàn toàn khác nhau như chất giọng trầm cực kì ngầu của nhân vật Khan trong Star Trek, rồng Smaug trong loạt phim The Hobbit hay giọng Mĩ khi anh vào vai Dr. Strange trong các bộ phim Marvel.
Làm mới nội dung
The Grinch bản 2018 cũng ma quái, lắm chiêu trò và tính tình “xấu xí” không kém gì hai người tiền nhiệm, thế nhưng hắn lại có chiều sâu hơn hẳn nếu được đặt lên bàn cân. Có thể nói Mr. Grinch cũng đã phải trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm phức tạp xuyên suốt bộ phim bởi vì hắn không hoàn toàn là một sinh vật chỉ biết càu nhàu và xấu tính. Lí do vì sao Grinch lại muốn đánh cắp Giáng Sinh của người dân Whoville cũng khá đơn giản và người xem có hiểu được vì sao hắn lại hành động như vậy, khác xa hoàn toàn quá khứ đầy phức tạp của phiên bản năm 2000.
Tuy có thể thấy rõ đối tượng mà Illumination nhắm tới đó là các bé thiếu nhi, thế nhưng những câu chuyện được lồng ghép đan xen vào bộ phim cũng rất thiết thực dành cho cả người lớn và không khó để những câu chuyện đó có thể chạm đến trái tim của khán giả. Chú chó Max và cô bé Cindy Lou Who (người dân ở làng Whoville đều có chữ Who ở phía sau tên của họ) là hai nhân vật cực kì quan trọng trong câu chuyện của The Grinch. Mối quan hệ của Max và Grinch trong bộ phim này được xây dựng rất chi tiết, nếu như bỏ qua cốt truyện chính đi thì khán giả có thể đã được xem một bộ phim về người chủ và con chó. Cindy Lou có hẳn một cốt truyện riêng dành cho cô bé và nó gắn kết vô cùng chặt chẽ với cốt truyện của nhân vật chính. Cô bé có những suy nghĩ và hành động vô cùng chín chắn nhưng cũng không thiếu phần ngây thơ của một đứa trẻ mà người xem có thể đồng cảm. Ngoài ra, phiên bản lần này còn có sự bổ sung của chú tuần lộc Fred, một nhân vật được rất nhiều khán giả yêu thích và cũng đóng một vai trò quan trọng dẫu cho thời lượng xuất hiện không nhiều.
Giọng nói dẫn truyện
Quyển sách gốc của Dr. Seuss được viết theo những vần thơ để cha mẹ có thể đọc cho con của họ trước khi đi ngủ nên giọng nói của người dẫn truyện trong bộ phim rất quan trọng. Bất ngờ thay, người thực hiện việc dẫn truyện trong phiên bản 2018 lại là ca sĩ Pharrell Williams, nổi tiếng với ca khúc Happy trong phần 2 của loạt phim Tôi Ti Tiện cũng của hãng Illumination. Illumination muốn phiên bản The Grinch này của họ phù hợp với thời đại ngày nay, thế nên lựa chọn một rapper như Pharrell cũng là điều dễ hiểu. Nhiều khán giả có thể sẽ thích giọng đọc quen thuộc của một người đàn ông già tuổi hơn nhưng cách dẫn truyện của Pharrell đã đem đến một làn gió mới cho nhân vật Grinch và cũng góp phần trong việc thể hiện nội tâm của hắn. Bên cạnh đó, người thực hiện việc dẫn truyện cho bản lồng tiếng Việt sẽ là diễn viên Lý Hải nên hi vọng rằng anh cũng sẽ thể hiện được cái chất riêng của mình khi đây là lần đầu diễn viên này đảm nhận vai trò lồng tiếng trong một bộ phim.
Các nhân tố khác
Thiết kế hoạt hình trong phim cũng rất ấn tượng, nhất là các khung cảnh từ trên đỉnh núi Crumpit, nơi trú ngụ của The Grinch. Tạo hình của các nhân vật khác trong bộ phim cũng được lấy cảm hứng từ các bộ phim khác của hãng Illumination, ví dụ như người xem sẽ thấy sự giống nhau giữa các sinh vật không phải người trong bộ phim này với The Lorax vào năm 2012, một bộ phim cũng được dựa trên quyển sách cùng tên của Dr. Seuss. Âm nhạc cũng là một phần không thể thiếu của một bộ phim lấy đề tài về Giáng Sinh với vô số những bài hát quen thuộc và sự làm mới ca khúc chủ đạo “You’re a mean one, Mr. Grinch” từ bản 1966 có thể sẽ nhận được một đề cử Oscar.
Tổng kết
Với một cách tiếp cận mới nhưng vẫn giữ được thông điệp về ý nghĩa của ngày lễ Giáng Sinh đến từ nguyên tác của Dr. Seuss cũng như hai phiên bản phim trước đây, The Grinch chắc chắn sẽ là một lựa chọn yêu thích dành cho mọi khán giả khi ngày lễ cuối năm sắp cận kề.