Là dự án hợp tác giữa Thái Lan và Hàn Quốc, The Medium lấy bối cảnh vùng Isan ở xứ chùa vàng. Một nhóm nhà làm phim tư liệu về chủ đề siêu nhiên đến thăm Nim, bà đồng nổi tiếng của làng, nhằm xác định sự hiện diện của thế lực mắt không thấy hiện hữu quanh ta. Bà Nim là một phụ nữ trung niên làm nghề thầy cúng được truyền thừa qua bao thế hệ trong gia đình bà. Trước đó, chị gái Noi của bà được chọn để tiếp nhận linh hồn đồng cốt được gọi là Bà nội Bayan (Bà), nhưng đã bị người chị khước từ. Bà nội Bayan vì thế mà chọn Nim làm vật chủ. Thật không ngờ, đến lượt cháu gái của bà Nim là Ming được Bà chọn làm người thừa kế. Nhưng những gì diễn ra có vẻ không đúng cho lắm. Có thứ gì đó quỷ quyệt hơn lẩn trốn ở đây.
The Medium là một bộ kinh dị Thái, nhưng lại lấy phong cách mới mẻ hiếm thấy trong điện ảnh Thái Lan và châu Á là cách làm phim giả tư liệu (Paranormal Activity, The Blair Witch Project), đem đến sự mới lạ cho bộ phim. Tuy nhiên, về bản chất, The Medium vẫn đậm đà các dấu ấn kinh dị Thái mà chúng ta xem mãi không chán.
Vì là một bộ phim giả tư liệu, nên các góc quay mới là cánh cửa đưa người xem đến với câu chuyện và ngược lại. Mặc dù các góc quay không có dấu hiệu rung lắc – một phương pháp nhấn mạnh tính hiện thực của các làm phim tư liệu, nội dung phim lại được thể hiện bằng các góc quay khác nhau, khi rộng khi thì hẹp như kiểu đang quay lén, cộng thêm các phân cảnh tựa như đội ngũ quay phim đã hiệu chỉnh và thêm vào các chi tiết giải thích, lại cho phim sự chân thật cần thiết. Hơn nữa, tính lộn xộn và thiếu nhất quán có chủ đích trong đây cũng làm phim thêm gần gũi. The Medium đang truyền tải thông điệp nó là một sự kiện có thật đã xảy ra tại thời điểm nào đó. Tính hiện thực này có chút sượng. Bù lại, The Medium đủ kinh dị để khỏa lấp điều này.
Thế mạnh The Medium sở hữu nằm ở hơi thở địa phương của nó. Đó là hệ thống tín ngưỡng dân gian vô cùng đậm đà và mang chất bí ẩn tự nhiên đến từ huyền thuật Thái Lan. Các yếu tố này không chỉ dừng lại nơi bùa ngải trứ danh, mà còn thể hiện ở các chi tiết ngoại cảnh như vòng xua đuổi tà ma hay phân cảnh cho thấy người dân treo áo đỏ trước nhà – hành động mà người dân tin rằng có thể xua đuổi các vong hồn dữ tợn có ý định hại người.
Không chỉ vậy, tín ngưỡng dân gian còn được truyền tải qua các phong tục thờ cúng. Là một quốc gia nổi tiếng với các ngôi chùa Phật giáo, Thái Lan cũng được biết đến là có văn hóa thờ các vong linh tồn tại bên ngoài đức tin Phật pháp – điều mà Việt Nam cũng chia sẻ. Linh hồn Bayan thuộc về phân khúc linh hồn tổ tiên được truyền thừa, nằm ngoài đức tin Phật giáo. The Medium trong mắt người xem được xây dựng từ nền tảng tín ngưỡng chạm mức mê tín dị đoan với các huyền thoại, câu truyện truyền miệng nhấn mạnh sự phức tạp của các niềm tin này. Ngay cả khái niệm “lên đồng” cũng được diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Như vậy, ngay cả với những mọt phim đã kinh qua nền điện ảnh kinh dị Thái Lan cũng cảm nhận được sự khác lạ của The Medium.
Góc nhìn trực diện vào câu chuyện thông qua máy quay khiến The Medium thêm phần ngột ngạt, bị bó hẹp, nhưng cũng làm nổi bật tính bí ẩn bao trùm bộ phim. So với thời lượng lên đến 2 tiếng, phim có nhiều phân đoạn hơi dài dòng, nhưng nhịp phim nhanh dần lên làm cảm giác chán chườn không có cơ hội kéo đến. Đó và một yếu tố nữa là những pha kinh dị nổi da gà trong đây.
Phim kinh dị châu Á có dùng các màn hù dọa, nhưng chỉ ở mức độ vừa phải. Ở The Medium, mức độ ấy còn thấp hơn. Đây là bộ phim ưa thích các màn kinh dị vật lý bạo lực máu me hơn, nếu không muốn gọi là “xôi thịt”. Điều đáng khen là chúng không phải chỉ là yếu tố làm người ta sợ hãi hay gây sốc đơn thuần đến nông cạn. The Medium dùng chúng như một công cụ làm rõ nội dung của bộ phim. Phim chỉ để người xem nhận định sự việc dựa trên các hành động quái lạ và man rợ của nhân vật trong đây, đặc biệt là Ming, theo đúng chất thể hiện chứ không giải thích. Và đó cũng là ý đồ của phim.
The Medium gửi gắm thông điệp và sự thật đằng sau bi kịch của gia đình Nim, Noi trong các tiểu tiết, những câu thoại tưởng chừng như vô thưởng vô phạt, những chi tiết chỉ được thuật lại hay được máy quay lướt qua. Vậy mà khi kết hợp lại thì mang tính trọng yếu không ngờ. Phim được quay theo kiểu tư liệu tức sẽ không có bất kỳ phân cảnh hồi tưởng nào và thông tin chúng ta nhân được, các sự kiện chúng ta chứng kiến đều bị bó hẹp trong ống quay. Nên The Medium hiện lên rất mơ hồ và tràn đầy bí ẩn. Ngay cả khi phim kết thúc, người xem chưa chắc đã hiểu tường tận, hiểu cái thâm sâu của phim. Đây là bước đi không thể mạo hiểm hơn, nhưng nó lại chắc chắn phim sẽ hằn sâu vào tâm trí người xem với hàng ngàn câu hỏi. Đây cũng là cách phim thuyết phục người xem chiêm nghiệm về góc nhìn của nó về nhân tình thế thái, cụ thể ở đây là đức tin và tín ngưỡng – điều mà các phim kinh dị châu Á hiếm khi đề cập đến, sau khi The Medium kết thúc.
Trớ trêu thay, đây hẳn cũng là điểm yếu lớn nhất của The Medium. Để khán giả tự diễn giải câu chuyện khiến phim rất kỳ bí và khó đoán, nhưng nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu và câu chuyện khá lỡ dở. Dĩ nhiên, đối với những ai không hiểu biết cho lắm về tín ngưỡng dân gian Thái Lan, họ sẽ phải bối rối hơn nữa. Bên cạnh đó, bước vào màn kết của phim, The Medium cho thấy rõ sự đuối sức của nó. Thật đáng buồn là dù phim xoay quanh đức tin và tín ngưỡng, The Medium lại không nhấn mạnh sự mâu thuẫn giữa hai hệ thống tôn thờ này.
Tóm lại, The Medium sẽ khiến người xem phải rùng mình, đồng thời vắt óc để xâu chuỗi các chi tiết nhằm khám phá sự bí ẩn phim để lại. Tất nhiên, câu chuyện trong đây đủ thu hút để bạn kiên trì với The Medium đến cuối. Điều đáng tiếc là phim không có dịp ra rạp ở Việt Nam. Bốn bề tối mịt và âm u, lạnh lẽo hẳn là không thể phù hợp hơn để xem bộ phim như The Medium.
Ảnh: IMDb