The Perfection – Bộ phim kinh dị mới vừa ra mắt trên Netflix, do kênh dịch vụ streaming “giành giật” được từ A24, mặc dù chưa đến mức kinh hoàng như người viết mong đợi, nhưng phim vẫn đã làm rất tốt khi truyền tải đến khán giả những phút giây giải trí đầy hồi hộp cùng câu chuyện mang nhiều thông điệp và gợi nhiều suy nghĩ.
The Perfection xoay quanh nhân vật chính là Charlotte (Allision Williams), một thiên tài âm nhạc khi nhỏ bất ngờ quay trở lại con đường sự nghiệp chơi đàn cello mà cô đã bỏ dở 10 năm trước, khi mẹ cô bất ngờ đổ bệnh. Cô đến Thượng Hải, Trung Quốc để “đoàn tụ” với người thầy năm xưa Anton (Steven Weber) và cô học trò thiên tài đã thế chỗ mình – Elizabeth (Logan Browning). Cuộc gặp gỡ này đã kéo theo nhiều sự kiện bất ngờ, tạo nên những ngã rẽ sẽ thay đổi cuộc đời của cả 3 mãi mãi.
Điều đầu tiên mà tôi đánh giá cao ở The Perfection là câu chuyện gốc mang tính độc đáo và đây cũng là điểm sáng nhất của phim (Mặc dù thực sự thì hiện nay, hầu hết chẳng có bộ phim nào mà bạn đã xem không lấy cảm hứng từ một hoặc nhiều bộ phim nào đó đã từng được thực hiện trong quá khứ). The Perfection cho thấy tầm quan trọng của khả năng giữ chân khán giả bằng sự tò mò và cảm giác hồi hộp ra sao. Một bộ phim, chưa cần biết hay dở, nhưng có thể khiến người ta kiên nhẫn theo dõi từ đầu đến cuối mà không cảm thấy phải bỏ ngang nửa chừng, xem như cũng đã là thành công một phần.
The Perfection là câu chuyện về những con người bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo trong tiếng đàn cello. Mỗi khi tiếng đàn cất lên, họ cảm thấy như mình được gần Chúa hơn một bước và con đường đến Địa Ngục sẽ xa thêm hai bước. Thế nhưng, cuối cùng thì hành trình đi tìm sự hoàn hảo cũng chỉ là cái cớ để họ hành hạ những linh hồn trẻ tuổi. Thông điệp của The Perfection có thể xa vời đối với khán giả phương Tây, nhưng lại gần gũi vô cùng với khán giả châu Á, đặc biệt là Trung Quốc bởi nó cho thấy một sự thật khắc nghiệt mà thế hệ trẻ ở châu Á phải đối mặt: sự tra tấn nhân danh giáo dục.
Charlotte – người được mệnh danh là thiên tài âm nhạc, nhưng tài năng cuối cùng lại đóng góp rất ít vào thành công và danh tiếng của cô. Phần lớn sự ngưỡng mộ mà cô có được từ những người “chưa nằm trong chăn nên không biết chăn có rận” đến từ sự tập luyện cực kỳ gian khổ. Cô bị nhốt trong học viện, suốt nhiều năm chỉ biết có ăn, ngủ và chơi đàn. Việc chơi đàn trở thành nỗi ám ảnh và cũng là nỗi sợ của Charlotte, bởi chỉ cần một nốt sai, cô sẽ bị trừng phạt. Ngày qua ngày, cô vừa chơi đàn, vừa nhìn qua khe cửa mang ánh sáng mặt trời mà cô ao ước được tắm mình khi tự do chạy trong khuôn viên của học viện.
Nếu thường xuyên đọc các tin tức liên quan đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục Trung Quốc, bạn hẳn sẽ cảm thấy chẳng xa lạ gì với cụm từ “mẹ hổ”, đến từ cuốn hồi ký của Amy Chua, người có phương pháp dạy con rất khắc nghiệt như sẵn sàng gọi con mình là “ngu ngốc”, “rác rưởi”, dọa đốt đồ chơi của con và đã sử dụng phương pháp đó nhằm “đào tạo” con mình thành thiên tài piano. Phương pháp dạy con của cô không phải hiếm và thậm chí còn được các bậc cha mẹ đồng hương ủng hộ, nhưng lại là điều khiến các bậc cha mẹ phương Tây cảm thấy bị sốc.
Không khó để nhận ra The Perfection và câu chuyện về Charlotte chính là sự mỉa mai và chỉ trích phương pháp giáo dục này theo cách ý nhị nhất có thể. Bối cảnh ở Trung Quốc, các nhân vật phụ cũng là người Trung Quốc… tưởng chừng chẳng có vẻ gì là liên quan đến các nhân vật chính là người Mỹ, nhưng lại có mối liên kết chặt chẽ đến thông điệp mà nhà làm phim muốn gửi gắm. The Perfection khắc họa phương pháp giáo dục này theo những từ ngữ đáng sợ được thể hiện qua tình tiết và các đoạn hội thoại của nhân vật như “tẩy não”, “hiếp dâm”, “tra tấn”… Và đương nhiên, nhiều bậc phụ huynh ở châu Á và thậm chí là cả Việt Nam nếu hiểu điều bộ phim đang muốn nói, cũng sẽ cảm thấy có phần… hơi "nhột" khi chuyện sử dụng con cái để thực hiện tham vọng của bản thân mình, đưa chúng vào một cuộc đua khắc nghiệt không có bóng dáng của việc chơi đùa như chính lứa tuổi của chúng xứng đáng được hưởng, chẳng phải chuyện của riêng Trung Quốc.
Để thoát khỏi sự giáo dục kinh khủng ấy, các nhân vật buộc phải đi đến tận cùng của mất mát mới có thể nhận ra sự sai trái mà mình đang phải chịu đựng. Gây tổn hại đến khả năng của chính bản thân mới có thể giúp họ thoát khỏi xiềng xích trong The Perfection. Còn ở ngoài đời, liệu phải nổi loạn đến mức nào mới khiến những đứa trẻ đã quen dần với hình thức giáo dục ấy nhận ra chúng đang dần bị đánh cắp tuổi thơ, và liệu thực sự chúng có mong muốn thoát khỏi đó hay không? Có lẽ cho đến khi nào chúng bị hoàn cảnh đưa đẩy như Charlotte hoặc tự mình nhận ra sự mù quáng như Elizabeth, mặc kệ bị việc đuổi khỏi học viện (ngụ ý cho việc các bậc cha mẹ châu Á hay dọa từ mặt con, đuổi con khỏi nhà mỗi khi con nổi loạn và không làm theo ý mình), chúng mới có thể tự quyết định được.
The Perfection kết hợp giữa kinh dị tâm lý, mind-bending, cho đến slasher cỡ nhẹ. Ngoại trừ đầu phim có các tình tiết ghê tởm với ý đồ làm người xem khó chịu, từ giữa phim trở đi, The Perfection trở thành bộ phim giật gân dễ thở hơn, tập trung đi vào phần truyền tải nội dung và thông điệp chính. Phim có khá nhiều twist và nếu chỉ dựa vào trailer thì khán giả khó có thể đoán được hết nội dung phim, một điểm khá đáng khen. Mặc dù cách thể hiện đôi chỗ còn chưa mượt mà và mang cảm giác của bộ phim kinh dị tầm trung, nhưng đối với những ai đòi hỏi cao trong cốt truyện, có lẽ sẽ cảm thấy thỏa mãn với The Perfection.
Phần nghe nhìn của phim được thực hiện tốt với phần trang phục và bối cảnh có đầu tư, tiếng đàn cello được biến tấu cho rùng rợn mang đến cảm giác “lạ miệng”. Phim có một số cảnh rất đẹp như cảnh Charlotte mặc váy đỏ và chuẩn bị chơi đàn, phía sau là chiếc đèn trang trí trông như vầng hào quang của Chúa. Hoặc các cảnh được sắp xếp làm nổi bật sự đối lập bằng cách sử dụng các màu đen, trắng, vàng... trong trang phục và bối cảnh.
The Perfection có hai cảnh mà tôi đánh giá là cao trào và đắt giá: một là cảnh Charlotte và Elizabeth đối đầu với Anton, tiếng nhạc cổ điển được thay thế bằng nhạc rap, làm nền cho hai nhân vật thay bộ váy hay bộ vest và khoác lên mình hai chiếc áo hoodie màu xám, từ bỏ sự hoàn hảo mà mình bị áp đặt bấy lâu nay; hai là cảnh nhân vật Anton bị chặt hết tay, chân, khâu cả mắt, miệng, nhưng được để lại đôi tai để nghe tiếng đàn cello của Charlotte và Elizabeth “song tấu”. Một người mất tay trái, một người mất tay phải, nhưng kết hợp với nhau dưới tông trang phục đen, trắng, họ hoàn hảo hơn bao giờ hết, và người bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo như Anton, cuối cùng chỉ có thể lắng nghe tiếng đàn hoàn hảo ấy trong tình trạng không còn nguyên vẹn.
Với điểm mạnh là phần nội dung, nghe nhìn và diễn xuất “đáng tiền” của Allison Williams và Logan Browning, The Perfection mặc dù không hoàn hảo, nhưng với nhiều khán giả, lại hoàn hảo hơn bao giờ hết.