The Salesman nói về một vấn đề không bao giờ cũ của xã hội: cưỡng bức phụ nữ. Có khá nhiều bộ phim từng đề cập đến việc này nhưng điều gì khiến cho The Salesman trở nên ấn tượng? Đấy chính là cách các nhà làm phim đặt câu chuyện này vào một xã hội đóng như Iran. Với một đất nước chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng của Hồi Giáo, cùng kiểu đối xử khắc nghiệt dành cho phụ nữ thì đây quả là một chủ đề nan giải.
Nan giải ở đây không chỉ là việc một người phụ nữ thiếu dũng cảm vạch trần kẻ xấu mà còn cả cách nhìn từ phía cộng đồng. Dễ nhận thấy, trong những xã hội cởi mở hơn thì việc lên tiếng tố cáo kẻ có hành vi cưỡng bức đã không hề đơn giản, chứ nói chi đến một nơi đầy định kiến xã hội, bảo thủ về sự trong sạch của phụ nữ như Iran.
Ta có thể thông cảm cho sự trốn tránh và sợ hãi của nhân vật Rana (Taraneh Alidoosti). Cô bị nỗi sợ dư luận gièm pha khắc sâu đến nỗi không muốn ai trong đoàn kịch biết chi tiết bi kịch ấy. Cô gặp khủng hoảng tinh thần trầm trọng khi phải bỏ dở suất diễn trên sân khấu chính thức. Cô nói rằng không muốn nhớ đến những kí ức kinh hoàng trong đêm ấy nên kiên quyết từ chối đến cảnh sát. Nhưng bản chất là cô sợ phải phơi bày chuyện này cho nhiều người biết. Bởi lẽ cô nghĩ nó là vết nhơ trong cuộc đời này. Điều này không sai. Tâm lý con người dù mạnh mẽ đến đâu đều khó chấp nhận ngay sự tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần như vậy.
Mặt khác, hành động của Emad (Shahab Hosseini), chồng Rana lại khiến khán giả bất ngờ. Trước hết anh là người đàn ông trong xã hội Iran, như đã nói, rất coi trọng trinh tiết người phụ nữ, nhất là vợ mình. Kế tiếp, anh là một thầy giáo, nghề được xem là cao quý và có sự tiếp xúc rộng lớn. Với các yếu tố như vậy làm sao anh có thể chịu đựng nỗi nhục có người vợ bị cưỡng bức?
Song, Emad đã có một quyết định rất dũng cảm và táo bạo. Anh chủ động đề nghị đi trình báo cảnh sát. Có một chi tiết khá tinh tế khi anh nhìn thấy người chủ sở hữu chiếc xe. Anh không hề vội vã xông lên đánh vỡ mặt hắn ta, mà đề nghị hắn chở đồ chuyển nhà. Chính sự bình tĩnh ấy đã giúp anh tìm được đúng tên thủ phạm. Mạch truyện đến đây thay đổi khá bất ngờ nhưng đủ để tạo kịch tính của bộ phim.
Nếu đó là một kẻ trẻ khỏe, bịp bợm, chơi gái trả tiền thì có lẽ Emad đã tống thẳng hắn vào tù. Nhưng kẻ gây tội lại là một ông già mắc bệnh tim, gần đất xa trời và có một gia đình khá hạnh phúc. Emad sẽ làm sao đây? Anh sẽ trực tiếp ra tay hay dừng lại? Anh sẽ phản ứng ra sao khi chính mình vào vai một người chồng già (đã chết) lắng nghe những lời thoại đau khổ của vợ trong vở kịch?
Anh cứng rắn nhưng cũng dễ bị tác động. Anh thương vợ mình, tức giận vì hành vi xấu nhưng cũng có phần yếu đuối của một người đã có gia đình. Anh luôn muốn chở che, bảo vệ mái ấm ấy. Do vậy, anh mới chấp nhận im lặng.
Sự im lặng của vợ chồng Emad tưởng chừng là cái kết ngột ngạt cho bộ phim. Nhưng khi chiếc xe cấp cứu ập đến và kẻ có tội dần rơi vào trạng thái mất ý thức thì ta lại cảm thấy được an ủi. Bởi ít ra, đạo diễn còn nghĩ đến việc “gieo nhân nào thì hái quả đó”.
Thật ra, nội dung bộ phim vẫn chưa thật sự thuyết phục. Dường như vẫn còn thiếu chút gì đó để khán giả đặt trọn tâm tư vào. Nhưng tôi thích cách người ta xây dựng một cái nhìn mới hơn về xã hội Iran, nơi luôn bị chỉ trích hay đưa tin về bạo động và sự cổ hủ. Cộng đồng đã có sự thay đổi, nhận thức cởi mở hơn trong cách đối xử dành cho phụ nữ. Đó là điều đáng trân trọng và ghi nhận nhất trong The Salesman.
P.H.Thiên Trang