The Same Boat là tập phim có rất nhiều chi tiết hay, thú vị và có ý nghĩa, cùng những sự tương đồng xen lẫn tương phản, và một lần nữa là đều để tô điểm cho nội tâm vốn dĩ đã quá mức phức tạp của Carol. Diễn biến tâm lý của cô được đặt trong sự đối sánh với Maggie, với Rick, và thêm vào đó là được “hỗ trợ” thêm nhờ biểu hiện của nhóm Paula nữa. Ba nét trong tựa đề của bài viết này chính là những gì tiêu biểu của Carol trong tập phim. Chúng có liên quan chặt chẽ, tương hỗ, và thể hiện xuyên suốt, qua khá nhiều hình ảnh mang tính gợi mở.
Con người Carol hiện giờ vẫn là sự tiếp nối của tập phim trước, một người đã “ngả” sang hướng của Morgan, muốn ngừng giết chóc để chấm dứt những ám ảnh đầy đau khổ. Và từ đầu tới cuối của “The Same Boat” cũng là đấu tranh của chính cô cho lựa chọn đó, “giết” hay “ngừng giết”. Ngay chính bối cảnh của tập phim cũng đã liên quan quá nhiều và tiêu biểu cho cái ý niệm này. Nơi xảy ra gần như tất cả các sự kiện chính là một lò sát sinh (lò mổ) - địa điểm tượng trưng và gợi ngay suy nghĩ về sự giết chóc. Nó cũng gợi nhớ đến Terminus - nơi ở của đám giết mổ ăn thịt người, nơi “gắn bó” rất nhiều với ký ức đau thương của Carol. Và để đại diện cho vấn đề “giết hay bị giết”, lò mổ này dĩ nhiên gợi nhớ đến câu nói nổi tiếng của Gareth cùng Mary: “You’re the butcher, or you’re the cattle”…
Tâm lý muốn ngừng giết chóc của Carol thể hiện rõ ngay khi Donnie xuất hiện, cô hoàn toàn có thể lấy mạng hắn nhưng lại lựa chọn bắn vào tay. Vì tình thế bắt buộc, cô phải “ngụy tạo” một vỏ bọc yếu đuối để che giấu bản thân, và đó chính là tượng trưng cho nỗi đau. Cái vỏ bọc đó là hình ảnh quá khứ ngày xưa cô luôn muốn quên đi, nhưng trớ trêu thay cũng lại chính là hình ảnh mà Carol đang muốn “sống là nó” nhất lúc này. Bởi nếu như vậy, cô sẽ không phải điền thêm tên ai vào bản danh sách đã kéo dài tới con số 18 của mình nữa. Tuy cố tình “sống lại” hình ảnh yếu đuối đó, nhưng mục đích của nó lại không phải là “nham hiểm”, ủ mưu để giết chóc mà hoàn toàn ngược lại. Sự đối lập đó càng làm tăng tính chất khó khăn và đau khổ cho những gì mà Carol đang phải chịu đựng.
Nỗi đau chính là như vậy, và giờ thì đến nỗi sợ hãi. Hình ảnh Carol nhìn xác sống với vẻ mặt sợ hãi đã được các nhà làm phim cho xuất hiện rất nhiều trong tập phim. Lần đầu tiên là ngay trước khi Carol bị trùm đầu đưa đi, kế tiếp là khi một xác sống đã chết bị kéo đi ngay trước mặt cô. Hình ảnh xác sống chính là tượng trưng cho nỗi sợ hiện đang ám ảnh Carol, và dĩ nhiên đó không phải là sợ chết như nhóm Paula tưởng. Xác sống là thứ sinh vật “đã chết” nhưng lại đầy khát máu và chỉ có một ham muốn giết người. Đó cũng chính là hình tượng con người mà Carol đang sợ phải trở thành, chính là nỗi sợ hãi của cô. Cô sợ phải giết người thêm nữa, sợ sẽ vì vậy mà đánh mất nhân tính của mình, để trở thành người sống mà như đã chết, chẳng khác gì một “xác chết biết đi”. Hình ảnh tượng trưng này thể hiện rõ nhất sau khi vụ “tẩn nhau” giữa Donnie và họ kết thúc. Những sự việc như vậy là những lúc Carol sợ nhất, vì nếu tính mạng bạn bè bị đe dọa thì cô sẽ không thể tránh giết người được nữa. Cô nằm dưới sàn, ngước mắt nhìn lên ô kính trên cánh cửa, và dĩ nhiên ở đó là khuôn mặt của một con xác sống
Cuối cùng là niềm tin, thể hiện qua một hình ảnh xuất hiện rất nhiều trong tập phim, thứ luôn được nhân vật chính cầm trên tay. Tuy Carol không phải là người sùng đạo, nhưng chuỗi hạt thường dùng khi cầu nguyện đó lại có ý nghĩa rất lớn đối với cô. Nỗi đau làm phát sinh nỗi sợ hãi, sợ sẽ phải đau đớn thêm nữa, và cũng chính nỗi sợ đó lại càng tạo thêm ra những nỗi đau khác. Còn niềm tin, chính là thứ mà con người bấu víu vào để vượt qua nỗi đau, nỗi sợ hãi.
Carol và Molly đã được sắp xếp cho “gặp nhau” cả trong những câu nói. Carol sử dụng lại câu nói tương tự như khi cô nhắc nhở bà Shelly: “Thứ đó sẽ giết chết cô đấy!”. Biết là vậy nhưng sao cô vẫn hút thuốc, sao không tự nhắc nhở chính bản thân mình? Molly đáp lại rằng đã và đang “làm vậy” rồi, bởi bà ta đang bị bệnh ho ra máu. Chính nỗi đau, sự dằn vặt gắn liền với hình ảnh điếu thuốc cũng đã chính là một “căn bệnh” đối với Carol rồi, và cũng đang “giết dần giết mòn” con người cô như vậy. Chưa hết, Molly còn chốt thêm một câu, khiến vẻ mặt Carol trở nên đầy đau đớn: “Tôi là người chết biết đi, chúng ta chính xác là giống nhau ở điểm này”. Hình tượng con người chẳng khác gì xác sống mà Carol đang sợ, lại nhận được sự khẳng định từ bà ta.
Gặp được nhiều sự đồng cảm cũng như đồng cảnh, nhận ra nhóm Paula không phải người xấu, Carol đã khuyên họ dừng lại. Đó là những lời thật lòng nhất của Carol, và cả những giọt nước mắt cũng vô cùng thật, nó ứa ra khi cô cố lí giải cho việc nhóm mình giết người. Nó cũng như những gì đang đấu tranh trong nội tâm cô lúc này, cố biện minh cho việc lấy mạng người khác nhưng lại cảm thấy đau đớn và hổ thẹn. Và một lần nữa, Molly lại dập tắt hy vọng của Carol, lần này bằng câu nói “We’re all Negan”. Ngoài nghĩa đen thể hiện tôn chỉ của The Saviors là tất cả đều thực hiện ý muốn và mệnh lệnh của Negan, nghĩa chuyển khác đã mở rộng “phạm vi” của cụm từ “we’re all”. Không còn là tất cả những tên trong nhóm chúng, mà giờ nó phải hiểu là “tất cả chúng ta”, tức là cả hai nhóm đang đối đầu nhau. Negan là kẻ tàn ác giết người không gớm tay, và giờ tất cả họ đều là những kẻ như vậy, chẳng lý do nào có thể biện minh. Chính vì vậy mà Carol đã liên tục hỏi lại “nói vậy là ý gì” trong sự đau đớn và hoang mang, nhưng đâu nhận được câu trả lời…
Carol hút thuốc, như một sự “sống trong đau đớn” tiếp tục. Câu chuyện mà Paula kể đã cho thấy những loại người khác nhau sẽ ra sao khi đối mặt với khó khăn, thử thách, đau đớn, mất mát (hình ảnh nước sôi). Những ai dễ dàng bị đánh gục, mất hết ý chí sẽ chỉ như củ cà rốt trở nên mềm sau khi bị luộc, còn những người yếu đuối trở nên mạnh mẽ thì như quả trứng mỏng manh trở thành cứng rắn. Còn hạt cà phê, loại thứ ba, được Paula đánh giá cao nhất, những người thay đổi và chi phối được toàn bộ, kể cả cảm xúc của mình - trở nên chai lỳ khi giết người. Carol thì không thể làm được như vậy, mà vẫn đau đớn, dằn vặt. Cô đã đúc rút lại một câu tặng Paula: “kẻ sợ chết thì tất sẽ phải chết”, và sự thật sau đó đúng là như vậy. Nhưng kẻ sợ phải giết người thì tất cũng sẽ lại phải ra tay giết người, mọi việc không thể được như ý ta muốn…
Tư tưởng Maggie lúc này là trái ngược hoàn toàn, nên Carol không thể thuyết phục nổi bạn mình. Không thể bỏ đi, cô lại phải đau đớn, bất lực chứng kiến bà bầu mà mình luôn muốn trở thành một con người khác, ra tay giết người. Và đúng như dự báo trước trong câu nói trước đó, khi đứa bé cùng Maggie bị đe dọa tính mạng, thì có sợ mấy Carol vẫn buộc phải giết người trở lại. Sau Michelle là đến Paula, người cô đã muốn tha rất nhiều lần, người giờ đã hiểu nỗi sợ thực sự của cô là gì. Chưa dừng lại ở đó, những gì cô luôn muốn ngăn bản thân đã sụp đổ nhanh chóng theo hiệu ứng domino.
Dù đau đớn đến rơi nước mắt, nhưng Carol vẫn tiếp tục lừa thêm những tên Saviors nữa tới với “kill floor”. Nơi dành cho việc giết mổ trong lò sát sinh đó đã biến cô như trở thành một tên “đồ tể” thực sự. Nỗi đau của Carol lớn tới mức mà cô ước mình lúc trước đã bắn chết Donnie, như vậy có lẽ sẽ phải giết ít người hơn thế này. Hình ảnh 3 tên Saviors đau đớn trong ngọn lửa đã gợi lại những gì xảy ra trong quá khứ, với Karen và David. Còn những gì được hiệu ứng làm chậm lại, là của hiện tại, xác của Michelle cùng xác sống Paula. Tất cả đều do cùng một tay Carol gây ra. Và hình ảnh cô nhìn vào một xác sống như những gì xảy ra ở đầu tập lại xuất hiện. Sự khác biệt chỉ là lần này xác sống đó do chính cô “tạo nên”…
Với cảm xúc đau đớn lẫn lộn như vậy, dĩ nhiên làm sao Carol trả lời Daryl là “tôi ổn” được. Những tưởng mọi chuyện đã kết thúc, thì sau Maggie còn có một người khác trái ngược với Carol ở mức độ còn cao hơn. Rick - người lúc trước Carol luôn bênh vực, luôn khẳng định với Paula là “đã nói là giữ lời”, giờ đã hành động hoàn toàn ngược lại. Phát súng bắn chết Primo đã khiến cô choáng váng, thất thần. Đúng vậy, Paula nói đúng, cô là kẻ giết người, nhóm cô cũng là những kẻ giết người. Carol đã tin Rick, và rộng hơn là tin cả nhóm, tin chính mình không phải là người như vậy, nhưng niềm tin đã bị “phản bội”. Làm sao Carol có thể quay trở lại nữa đây, ngoài Morgan ra có lẽ không còn ai khác có thể làm được…?
Chuỗi hạt với mặt hình thánh giá, thứ tượng trưng cho niềm tin, giờ khiến tay Carol chảy máu khi nắm chặt nó trong sự đau đớn và thất vọng cùng cực. Và đến lúc này, niềm tin lại chính là thứ tạo nên nỗi đau, và khiến nó thêm nặng nề... Quãng đường sắp tới của cô rồi sẽ ra sao...?