Trở lại với chiếc ghế đạo diễn sau 3 năm im hơi lặng tiếng, Pierre Morel ra mắt khán giả bộ phim Thiên Thần Công Lý: Peppermint (Peppermint) có thể được xem là phiên bản nữ của Taken đình đám năm nào. Phim xoay quanh hành trình trả thù của Riley North (Jennifer Garner) – người vợ và người mẹ tội nghiệp vô tình mất chồng và con ngay đúng ngày sinh nhật của con bé. Đau đớn hơn, những kẻ thủ ác đã mua chuộc được luật sư, thẩm phán và được tuyên bố trắng án ngay trước mặt Riley. Không cam chịu cái chết oan của chồng con, Riley ẩn thân, lên kế hoạch trả thù trong vòng 5 năm và kết liễu bọn chúng ngay đúng ngày sinh nhật của cô con gái.
Trong thời điểm mà nữ quyền lên ngôi, Hollywood muốn tái sử dụng cốt truyện cũ, một người mẹ tội nghiệp là lựa chọn hoàn toàn thích hợp. Xét về nội dung, Thiên Thần Công Lý: Peppermint có một cốt truyện tuy cũ nhưng vẫn thừa sức lôi cuốn khán giả. Bên cạnh đó, với yếu tố hành động đầy bạo lực, máu me và xả súng khốc liệt, phim dễ dàng lấy lòng người xem đến rạp với nhu cầu giải trí, dù chẳng cần nhiều tình tiết hài hước. Nếu bạn không phải là một khán giả khó tính, không đặt yêu cầu quá cao khi xem một bộ phim, Thiên Thần Công Lý: Peppermint có thể là một lựa chọn không tồi. Ngược lại, nếu bạn không muốn đến rạp xem phim và rước cái bực vào người, hãy đọc tiếp những đoạn dưới đây.
Đầu tiên phải nói đến tựa phim, hiếm hoi lắm mới thấy tựa phim Việt hoá còn tốt hơn cả tựa gốc. Cái tên Thiên Thần Công Lý: Peppermint hoàn toàn thích hợp ám chỉ đến nữ chính Riley North khi vừa đòi lại công lý cho gia đình, vừa giảm tỉ lệ tội phạm trong khu vô gia cư bằng cách ra tay nghĩa hiệp trước những bất công. Đặc biệt, cô còn là thiên thần của những đứa trẻ ngoan ngoãn nhưng không may vướng vào mảnh đời bất hạnh. Còn tựa gốc Peppermint chỉ đơn thuần nhắc đến... vị kem mà cô con gái Carly North chọn trong ngày sinh nhật.
Khoan bàn tới nội dung, khi hành động là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để lôi kéo khán giả đến rạp nhưng theo người viết, Thiên Thần Công Lý: Peppermint không mang lại cảm giác mãn nhãn hay hồi hộp, căng thẳng khi theo dõi Riley North xả thân trả thù cho gia đình. Các pha đánh đấm tay đôi, sử dụng vũ khí hạng nặng tuy có vẻ ghê gớm, mạnh mẽ nhưng chẳng có gì khác biệt giúp phim tạo điểm nhấn giữa một rừng phim hành động ngày nay. Thậm chí, nhiều phân cảnh khán giả có thể bắt gặp trong bất cứ bộ phim nào, dẫn đến việc tình tiết bị đoán trước, không tạo được bất ngờ hay kịch tính.
Hơn nữa, việc nữ chính được xây dựng quá mạnh mẽ, bất khả chiến bại như siêu anh hùng dễ khiến người xem cảm thấy quá trình trả thù của cô ta quá đơn giản, hầu như không gặp nhiều khó khăn hoặc nếu có, Riley cũng xoay sở được cách thoát thân trong chớp mắt. Đành rằng cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, công lý sẽ được thực thi, thảm hoạ hạt nhân được ngăn chặn nhưng ít ra, hãy để người xem có cảm giác nghẹt thở khi theo dõi từng khung hình.
Như đã nói ở trên Thiên Thần Công Lý: Peppermint có một nội dung khá lôi cuốn nhưng cách triển khai khó lòng chinh phục được những khán giả khó tính. Ngoài những đoạn hành động của nữ chính với băng đản tội phạm, những tình tiết còn lại có phần nhạt nhoà và thậm chí là thừa thãi. Đồng ý là giới cảnh sát trong phim chỉ có vai trò làm nền, bế tắc trước những đường đi nước bước của nữ chính, vậy tại sao không cắt luôn những đoạn hội thoại, những câu đùa nhạt nhẽo của họ và tập trung vào hành tung của Riley? Ít nhất phải có một yếu tố được chăm chút, thay vì nhạt đều cả bộ phim.
Bên cạnh đó, việc cố gắng nhồi nhét một nhân vật tay trong nửa mùa nhằm tạo plot twist lại càng không đủ sức thuyết phục. Rốt cuộc, biên kịch muốn khán giả hiểu nhân vật cảnh sát đó được twist theo hướng nào? Hắn ta thật sự là một cảnh sát biến chất, theo phe giang hồ ngay từ đầu, phụ chúng tìm tung tích Riley nhưng khoác lên bộ mặt giả danh giả nghĩa hay ngược lại, theo băng đảng để giúp đỡ nhân vật Riley? Cả hai vế đều hoàn toàn không thích hợp nếu ngẫm lại toàn bộ ngữ cảnh của phim.
Ngoài ra, phim có nhiều hạt sạn cực kỳ khó chịu. Nhân vật chính Riley mất 5 năm để đi vòng quanh thế giới, rèn luyện bản thân thành một sát thủ chuyên nghiệp dù lúc biến mất, cô chẳng có một đồng trong tay. Thay vì triển khai các nhân vật thừa thãi, biên kịch nên cho khán giả chứng kiến thêm về quãng thời gian khổ luyện đó. Và hơn hết, một người phụ nữ bị truy nã, cầm vũ khí hạng nặng đi khắp thành phố, chường mặt ra trước camera công cộng mà không có cảnh sát nào hay tên băng đảng đáng gớm nào bắt được?
Không thể phủ nhận diễn xuất của Jennifer Garner khi vào vai Riley North, biểu cảm đau thương của một người mẹ bất hạnh khi chứng kiến chồng con chết trước mắt hay những tên tội phạm hả hê khi được tha bổng ít nhiều để lại xúc động. Tuy nhiên, vì quá tập trung vào nữ chính và hành trình báo thù mà Thiên Thần Công Lý: Peppermint quên mất xây dựng các nhân vật còn lại và phản diện chính chẳng thể đọng lại gì trong đầu người xem ngoài những câu chửi thề.
Một điều quan trọng hơn hết là Thiên Thần Công Lý: Peppermint thiếu một thông điệp để lại. Là một phim báo thù cho gia đình, đi tìm công lý nhưng rốt cuộc phim muốn truyền tải thông điệp gì ngoài giết chóc và tra tấn? Hành động của Riley North có thể được công chúng trong phim và nhiều khán giả ủng hộ, trong mắt họ cô có thể là người hùng nhưng liệu cô có phải đối mặt với pháp luật hay không? Việc trả thù đã xong, Riley vẫn còn sống và tiếp tục trốn thoát, vậy cô sẽ làm gì? Một thiên thần công lý hay một công dân chết dần chết mòn? Hành động giải thoát Riley của cảnh sát trưởng có thể khiến nhiều người mãn nguyện nhưng trong mắt người viết, biên kịch đã quá đuối khi trót đặt đề khó và rốt cuộc không giải quyết được gì.
Nguồn: Ảnh IMDb