Đánh giá phim

[REVIEW] Thor: Ragnarok – Tận hưởng niềm vui khi xem phim

Ở phần 3 của loạt phim Thor này (Thor: Ragnarok), Thor phải bước vào một cuộc chiến đầy khốc liệt với đối thủ mà anh sẽ gặp là một đồng đội cũ đến từ biệt đội Avenger – Hulk. Cuộc tìm kiếm sự sống còn của Thor khiến anh phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn Hela tiêu diệt cả thế giới anh đang sống cùng nền văn minh Asgard.

Có thể nói cách nhân vật Thor được biên kịch viết ở phần này đã giúp Chris Hemsworth phát huy triệt để khả năng hài hước của mình. Thay vì như hai phần phim tiền nhiệm, cố tỏ ra nghiêm túc và hài hước cùng một lúc thì Thor: Ragnarok đã đẩy mạnh hết cỡ sự duyên dáng của chàng Thánh Sấm. Tất cả là nhờ vào tài đạo diễn của Taika Waititi. Có lẽ bạn đã từng nghe qua danh tiếng của vị đạo diễn này, ông từng cầm trịch hai bộ phim độc lập cực kỳ xuất sắc là What We Do in the Shadows và Hunt for the Wilderpeople (96% và 97% trên Rotten Tomatoes). Thor: Ragnarok chính là tác phẩm đầu tiên của ông tại Hollywood và cũng là bộ phim bom tấn đầu tiên trong sự nghiệp của ông. Cả ông lẫn Chris Hemsworth đều nhận thức được rằng câu chuyện tận thế lần này gồm hàng loạt tình tiết khá là ngớ ngẩn và không thực tế, cho nên thay vì cố tỏ ra sâu sắc và nghiêm trọng thì họ đã dồn hết sức đẩy mạnh sự ngớ ngẩn và không thực tế đó lên mức cao nhất để mang lại một bữa tiệc giải trí hoành tráng dành cho bất kỳ khán giả đến xem rạp.

Nhân vật Hulk ở phần phim này có thể nói là khác hoàn toàn so với hình tượng Hulk từ trước tới nay. Thay vì hành động như một con khỉ đột lúc nào cũng giận dữ thì Hulk của Ragnarok đã được thể hiện tính cách và suy nghĩ của chính nó, cũng có nhiều sắc thái đa dạng chứ không phải lúc nào cũng gầm gú như một con quái vật vô tri vô cảm. Và chemistry cực tốt không chỉ giữa Thor và Bruce Banner mà còn giữa Thor và CGI Hulk.

Ác nhân chính Hela được thể hiện bởi Cate Blanchett, có thể xem là nữ diễn viên xuất sắc mọi thời đại. Lần này cô không cần phải trưng cái bộ mặt khóc lóc hay đa sắc thái ở gần như tất cả mà cô thực hiện trong sự nghiệp của mình. Và Hela cũng có thể xem là một trong những ác nhân xuất sắc nhất của Marvel. Có vẻ Marvel đã dần dần chú trọng đến các ác nhân hơn thay vì chỉ các siêu anh hùng. Điều đó có thể thấy rõ qua các ác nhân gần đây của họ đều được thể hiện ở mức khá tốt như Ego, Vulture và lần này là Hela.

Tất nhiên khi nhắc tới Thor thì không thể không nhắc tới thằng em trai nuôi trời đánh của anh. Với Ragnarok, chúng ta không chỉ được chứng kiến sự đấu đá giữa hai anh em như các phần tiền nhiệm mà còn được đào sâu hơn về tình nghĩa anh em giữa hai người họ. Mặc cho những thứ xảy ra trong quá khứ khiến tình cảm hai người bị sứt mẻ, nhờ sự kiện tận thế lần này mà họ đã hiểu được nhau hơn và một phần nào đó có cách nhìn khác với nhau. Thor tuy rất hận Loki nhưng chưa bao giờ hết yêu thương người em trai và mong Loki sẽ quay trở lại chính đạo. Còn Loki với suy nghĩ lúc nào cũng muốn trở thành người quan trọng nhất trong mắt Odin thì dần anh đã hiểu ra rằng anh chính là người quan trọng nhất trong lòng của Thor.

Còn về Odin, có thể nói thời lượng xuất hiện trong phim ít hơn nhiều so với mong đợi nhưng những lần ông xuất hiện trên màn ảnh đều là những khoảnh khắc then chốt mang tính quyết định. Tuy bộ phim mang phong cách hài hước nhưng nó không hề lấn át sự nghiêm túc và nghiêm trọng. Đặc biệt là những cảnh có mặt Odin. Có thể nói Thor: Ragnarok có tính chất hài duyên dáng hơn nhiều so với Guardians of the Galaxy vol.2 được công chiếu mùa hè vừa qua. Phần 2 của Vệ Binh Giải Ngân Hà đã được nhồi nhét quá nhiều “jokes” khiến mạch phím rối ren và khán giả không tài nào tiêu hóa hết nổi. Ragnarok thì lại khác. Nếu bạn theo dõi các tin tức về bộ phim Ragnarok này thì bạn chắc chắn để ý được rằng phân cảnh Hela bóp nát búa Mjolnir đã được thay đổi hoàn toàn từ khu hẻm trong thành phố Newyork thành một cánh đồng xanh. Đây là một thay đổi hoàn toàn cần thiết, vì nếu đó là một con hẻm với đầy tiếng kêu inh ỏi của xe taxi thì sẽ phá nát hoàn toàn linh hồn và tính chất của phân cảnh đó. Nhưng có lẽ thay đổi này mang tính đột ngột nên đoàn làm phim chỉ có thể quay lại một số phân đoạn với phông nền xanh và lồng ghép vào các phân đoạn có sẵn (từ đoạn clip Behind The Scenes của bộ phim cho thấy phân cảnh này thật sự được quay ở một con hẻm). Điều này khiến bộ phận xử lý hình ảnh không thể nào xử lý tốt được các hiệu ứng. Background của phân cảnh này khi lên phim nhìn cực kỳ giả và không ăn nhập mấy với các nhân vật xuất hiện trong phân cảnh. Đây có thể là điểm trừ lớn nhất phim nhưng tôi thông cảm rằng đạo diễn đã không thể làm gì khác hơn.

Jeff Goldblum luôn luôn là điểm cộng khi xuất hiện ở bất cứ bộ phim nào. Ở ông có một sự hài duyên dáng nhưng khá là dị hợm khiến người xem cực kỳ thích thú. Và có lẽ không ai tốt hơn ông để thủ vai The Grandmaster, host của một giải đấu giữa các quái vật ngoài hành tinh.

Valkyrie của Tessa Thompson cũng được thể hiện rất tốt xuyên suốt bộ phim dù tôi không ấn tượng bằng các nhân vật khác, nhưng ít ra nhân vật của cô được viết tốt hơn so với Jane và Sif. Có vẻ trong tương lai đây sẽ là người tình màn ảnh mới của Thor. Thay vì như các phần phim trước Thor phải gồng mình vừa cứu thế giới vừa cứu mỹ nhân thì trong tương lai có lẽ mỹ nhân đả nữ sẽ cùng Thor kề vai sát cánh chiến đấu chống cái ác.

Còn một nhân vật nữa tuy xuất hiện khá ít ỏi nhưng lần nào là chất lần nấy và đó chính là Korg được thể hiện mo-cap và lồng tiếng bởi chính Taika Waititi. Cũng giống như các bộ phim trước của ông, ông lúc thích thú được thể hiện một vai nào đó trong chính bộ phim của mình.

Nếu bạn mua vé xem phim này với mong đợi là bộ phim sẽ cực kỳ sâu sắc và nghiêm túc từ đầu tới cuối thì đây không phải là bộ phim dành cho bạn, nhưng chắc chắn rằng bạn cũng sẽ không tiếc tiền vé xem phim đâu vì tính giải trí cực cao mà bộ phim mang lại. Nếu bạn là fan của vũ trụ điện ảnh Marvel nhưng không phải là fan của 2 phần phim đầu về Thor thì tôi cược rằng bạn vẫn sẽ cực kỳ hạnh phúc với Ragnarok. Cả Marvel Studio, đạo diễn và toàn bộ diễn viên thực hiện bộ phim này đều muốn khi khán giả đến rạp không phải để xem một bộ phim có tính hàn lâm cao mà chỉ muốn khán giả được “have fun”. Rất nhiều người lên án các bộ phim MCU có quá nhiều “fun”. Và xin hãy phân biệt rõ “fun” (niềm vui) và “funny” (hài hước), chúng không hề giống nhau đâu. “Have fun” có thể được hiểu là niềm vui và sự sung sướng khi bạn tận hưởng cái gì đó, tất nhiên phim Marvel rất là hài hước nhưng nó cũng hoàn toàn mang lại sự vui vẻ và giải trí khi trả nghiệm phim tại rạp.

Và đó chẳng phải là mục đích đến xem phim của tất cả mọi người hay sao? Đó chẳng phải là lý do có rất nhiều cộng đồng phim được thành lập nên sao? Đó chẳng phải là lý do các bạn, các độc giả, bình luận sôi nổi về các bộ phim hay sao?

Chúng ta xem phim là để tận hưởng, để vui vẻ. Tôi không nói phim nhất thiết phải hài hước thì chúng ta mới có thể tận hưởng được, nhiều phim cực kỳ nghiêm túc như The Dark Knight, như có ai dám nói là không “have fun”, không tận hưởng bộ phim một cách vui vẻ khi bước ra khỏi rạp hay không? Phim của MCU luôn mang tiêu chí phải khiến khán giả được tận hưởng niềm vui khi xem phim. Chỉ là Marvel phối hợp quá tốt hai yếu tố “fun” và “funny” khiến nhiều người đánh đồng và lên án mà thôi.

Thành viên: Lâm Bảo