Tiếng “Kêu” Cứu Lúc Nửa Đêm (Midnight) thuộc dòng phim tâm lý tội phạm, gây chú ý với người xem ngay từ lời giới thiệu đầu tiên, cuộc truy đuổi giật gân giữa kẻ sát nhân hàng loạt và một cô gái khiếm thính. Tình cờ trong một đêm sau khi đi làm về, Kyung Mi (Jin Ki Joo) đã chạm mặt và bắt gặp nạn nhân của kẻ giết người Do Shik (Wi Ha Joon). Sau đó, cô trở thành nhân chứng duy nhất có thể lột mặt nạ tên biến thái này, nhưng nhiều cơ hội dần vụt qua dưới sự truy đuổi ráo riết của hắn.
Trước khi ra rạp, người viết đã xem qua trailer của Tiếng “Kêu” Cứu Lúc Nửa Đêm và có chút lo lắng về gam màu tối bao trùm lấy phim. Nhưng thật ra khi được xem ở rạp, mọi thứ không quá khó khăn để quan sát như thế. Ngược lại, phần ánh sáng phim đã tận dụng khá tốt. Những ánh sáng chập chờn trong hầm của bãi xe, trên những con hẻm dốc ngoằn ngoèo vào nửa đêm vừa giúp tạo bầu không khí đáng sợ của phim nhưng cũng không giảm đi trải nghiệm về phần nhìn cho người xem. Bên cạnh đó, phần ánh sáng còn giúp làm bật lên sự xuất hiện bất ngờ và ghê rợn của tên sát nhân, không khỏi giật mình khi từ trong bóng tối gương mặt cười hề hề của hắn hiện ra phía sau các nạn nhân.
Khắc họa sự khó khăn của người khiếm thính khi đối mặt với những tình huống nguy kịch, không thể không nhắc đến yếu tố góp phần rất lớn đó chính là âm thanh của phim. Âm thanh của Tiếng “Kêu” Cứu Lúc Nửa Đêm được xử lý và xuất hiện đúng lúc đúng nơi. Nó khiến khán giả ngộp thở với những màn truy đuổi dồn dập trong đêm của các nhân vật. Đặc biệt, lúc tĩnh lúc động của phần âm thanh làm bật lên được cho người xem thấu hiểu được tâm trạng nơm nớp của cô gái khiếm thính khi bị truy đuổi. Bị tên sát nhân biến thái rượt đuổi đã đáng sợ biết bao rồi mà cô ấy lại càng không thể nghe bất cứ âm thanh nào xung quanh để có thể cảnh giác nữa. Chính yếu tố này đã đóng góp một phần lớn cho việc tạo bầu không khí rất thích hợp cho xuyên suốt gần 100 phút của phim.
Có một cốt truyện hấp dẫn thu hút người xem, phần nhìn và phần nghe ổn là thế, nhưng sự “yếu hơi” trong phần xây dựng kịch bản đã khiến người viết có nhiều tiếc nuối cho Tiếng “Kêu” Cứu Lúc Nửa Đêm. Vì quá tập trung vào việc khắc họa sự khó khăn, chật vật của Kyung Mi khi đối đầu với kẻ giết người, mà dường như biên kịch quên mất còn rất nhiều yếu tố khác mà bộ phim có thể khai thác. Nhiều tình huống đáng lẽ nhân vật có thể nhanh trí xử lý đơn giản mà hiệu quả, cô gái ấy có thể nhờ đến sự trợ giúp xung quanh hoặc từ các thiết bị công nghệ thì biên kịch lại cho nhân vật xử lý tình huống hết sức cồng kềnh đến mức ngớ ngẩn và gây ức chế mạnh. Bên cạnh đó, nhân vật phản diện của phim lại không có đủ động cơ và bối cảnh thân phận để thuyết phục người xem tin vào nhân vật của mình. Ngược lại, nhân vật sát nhân được xây dựng khá qua loa và hời hợt. Đến cả những tuyến nhân vật phụ của phim như người mẹ, cảnh sát, người đàn ông giúp cô gái, cách hành xử của họ khiến người xem ức chế không ít lần.
Nhưng điểm sáng của Tiếng “Kêu” Cứu Lúc Nửa Đêm có thể kể đến chính là diễn xuất của dàn diễn viên. Kyung Mi, cô gái khiếm thính do Jin Ki Joo thủ vai đã có một màn trình diễn tốt xuyên suốt phần phim. Cô ấy cho người xem thấy sự khó khăn của người khiếm thính trong việc giao tiếp hằng ngày và cả những khi họ phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm ra sao. Bên cạnh đó, Kyung Mi còn là một cô gái có ý chí mạnh mẽ luôn tiến về phía trước. Trong cuộc sống hằng ngày luôn nỗ lực làm tốt công việc của mình, còn những lúc đối đầu với khó khăn cô luôn muốn vượt qua nó và khao khát được sống. Đó cũng chính là điều mà người viết ấn tượng nhất với nhân vật này, dù cô ấy có gặp nhiều khó khăn như thế nào trong cuộc sống đi chăng nữa, vẫn luôn suy nghĩ tích cực và khao khát để sống, để được làm nhiều việc có ý nghĩa hơn trong đời của mình.
Về phần nhân vật kẻ sát nhân do Wi Ha Joon thủ vai cũng là một điểm đáng khen cho Tiếng “Kêu” Cứu Lúc Nửa Đêm, lúc thì rụt rè đóng vai nạn nhân trước mặt cảnh sát nhưng khi lật mặt cũng đầy vẻ ghê rợn của một tên giết người. Một điều mà khán giả yêu thích phim Hàn có thể nhận thấy rõ ràng là sự nỗ lực hóa thân của các diễn viên. Qua mỗi vai diễn, họ dường như đều lột tả rất tốt vai trò của mình. Ai xem Tiếng “Kêu” Cứu Lúc Nửa Đêm chắc sẽ không còn nhận ra hình ảnh một anh cảnh sát mẫu mực trong Squid Game hay người đàn ông si tình, ấm áp của Romance Is Bonus Book và anh chàng nhí nhố điên rồ trong Bad and Crazy. Nếu cố gắng trau dồi và làm đầy sự nghiệp đa dạng của mình, biết đâu đó anh là một ngôi sao sáng của Hàn Quốc trong tương lai gần.
Để nói đây là một bộ phim điện ảnh xuất sắc của Hàn Quốc thì chắc chắn là không đủ tầm. Tiếng “Kêu” Cứu Lúc Nửa Đêm sẽ thích hợp cho những ngày bạn cần một chút gì đó giải trí nhưng đan xen một chút yếu tố hành động cho kịch tính và hồi hộp. Phim dễ xem, dễ hiểu, dễ cảm và dễ quên.