Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi là bộ phim âm nhạc, lãng mạn do Chung Chí Công viết kịch bản và đạo diễn. Tưởng chừng như kén người xem, Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi lại dễ dàng chinh phục khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ, với một nội dung gần gũi, được truyền tải nhẹ nhàng cùng những bản nhạc bắt tai.
Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi xoay quanh hai bạn trẻ đang lạc lối, chênh vênh giữa cuộc đời là Tâm (Hà Quốc Hoàng) và Th.anh (Trần Lê Thuý Vy). Vô tình quen nhau qua một cuốc xe ôm, Tâm và Th.anh quyết định cùng nhau dành trọn một ngày cuối cùng ở Sài Gòn để khám phá những địa điểm quen thuộc qua những câu chuyện mới lạ của đối phương. Trong vòng 24 tiếng, họ vừa tìm hiểu tính cách, vừa lắng nghe những bí mật của nhau và qua đó, những tâm hồn vụn vỡ như tìm được mảnh ghép của bản thân.
Giữa lòng Sài Gòn hiện đại và hối hả là thế, nhưng một ngày của Tâm và Th.anh dường như trôi chậm hơn bao giờ hết. Qua từng ngõ ngách của Sài Gòn, qua từng quán ăn, quá cà phê và các con hẻm nhỏ, Tâm và Th.anh hé lộ cho khán giả về cuộc đời họ qua những bản nhạc indie độc đáo bằng đàn guitar và ukulele. Nếu Tâm là một chàng trai tự cho mình là thất bại, muốn buông xuôi với cuộc đời thì Th.anh là cô gái đang chán ngán một Sài Gòn mang lại cho cô quá nhiều tổn thương. Hai người trẻ ấy dường như tìm được tiếng nói chung và trong những giờ phút ngắn ngủi, tự họ chữa lành cho nhau, đem lại cho người kia một nguồn năng lượng tích cực.
Với thời lượng 93 phút, nhưng một ngày chậm rãi của Tâm và Th.anh lại có diễn biến hợp lý, vừa đủ trong Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi. Hà Quốc Hoàng và Trần Lê Thuý Vy đều là hai gương mặt lạ lẫm của điện ảnh, nhưng hai bạn đều có màn tương tác ăn ý. Không cần những cái ôm vội, hay những nụ hôn mãnh liệt, người xem vẫn thấy được chemistry giữa hai nhân vật, thấy được sự cảm thông mà cả hai dành cho nhau qua những câu chuyện về cuộc đời. Những lời khuyên mà họ dành cho nhau đều xuất phát từ những trải nghiệm của cả hai và chính vì thế mà nó trở nên chân thành, đáng quý hơn bao giờ hết.
Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi tuy xoay quanh hai bạn trẻ đang chênh vênh giữa cuộc đời nhưng bầu không khí không quá tiêu cực, thậm chí còn có một vài tình tiết hài hước rất dễ thương, trẻ trung và phù hợp với đối tượng khán giả mà phim hướng đến. Phim cũng có những chi tiết cảm động nhưng lại không bị cao trào hoá hay kịch tính hoá, vừa đủ chạm đến trái tim người xem và khiến nước mắt khẽ rơi. Tông màu chủ đạo của phim là màu vàng nhưng không gây chói chang, thậm chí cảnh phim tận dụng ánh sáng mặt trời chiếu trực diện lại không tạo cảm giác khó chịu. Phim sử dụng nhiều cảnh quay one take (quay liên tục, không cắt cảnh) khá thú vị, tuy nhiên một vài chỗ có hơi gấp gáp và không được ổn định. Xuyên suốt phim là những chi tiết đồ hoạ khá vui mắt và tinh nghịch.
Là bộ phim có yếu tố âm nhạc, Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi sử dụng những bài hát từ các nghệ sĩ đang được ưa chuộng vì giai điệu hay và ca từ mang lại sự đồng cảm. Chính vì thế, phần âm nhạc của phim được lồng ghép khá hợp lý, tuy có một vài cảnh vào nhạc chưa được mượt mà lắm. Cá nhân người viết rất thích bài Điều vô lý thứ nhất do Hồ Tiến Đạt sáng tác và nhân vật chính Th.anh trình bày. Phần lời thoại của Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi rất duyên dáng và không kém phần sâu sắc:
“Khi lập gia đình, con nên chọn người có thể nói chuyện với con hạp. Vì càng lớn tuổi, việc nói chuyện càng trở nên quan trọng hơn.”
“Nếu anh muốn người khác hiểu anh, anh phải nói cho họ biết, chia sẻ cho họ anh muốn gì, chứ người khác không thể đoán ý anh được.”
Lấy bối cảnh tại Sài Gòn nhưng Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi không đưa khán giả đến những địa điểm sầm uất như các trung tâm thương mại mà thay vào đó, là những con đường nhỏ với những quán cơm quen thuộc, những quán cà phê nhỏ nhắn, sân thượng của một chung cư cũ. Với những nơi nổi tiếng như Bảo tàng mỹ thuật, chợ Bến Thành... phim cũng cho khán giả thấy những góc nhìn lạ, những hoạt động tưởng chừng như bình thường nhưng lại trở nên hay ho nếu nhìn theo một cách khác. Việc sử dụng những bối cảnh như thế rất phù hợp với nội dung của phim, khi xoay quanh 2 bạn trẻ đang lạc lối – những người gắn bó với Sài Gòn theo một góc nhìn rất khác. Cách sắp đặt bối cảnh, góc quay cũng là một điểm cộng của phim khi thể hiện rõ sự phân chia khoảng cách của hai nhân vật.
Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi là một bản tình ca nhẹ nhàng dành cho những trái tim đang lạc lối. Không quá bi kịch, không quá u tối, phim vẫn dễ dàng chạm đến trái tim người xem bằng chất riêng của nó. Giữa một rừng phim hài nhảm đáng quên, Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi chính là bộ phim mà điện ảnh Việt Nam đang cần để lấy lại niềm tin của khán giả nước nhà.