Tuần vừa rồi, khán giả được trải qua những giây phút hành động nghẹt thở và vô cùng gây cấn với Nhiệm Vụ Bất Khả Thi: Sụp Đổ, cho đến những giây phút lắng đọng và ấm áp bên gia đình với Christopher Robin và Em Gái Đến Từ Tương Lai. Tuần mới sắp đến, khán giả sẽ được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc hơn nữa với tác phẩm đầy "táo bạo" mang tên Trường Học Bá Vương.
Trường Học Bá Vương có bối cảnh chính tại ngôi trường Good Genius, nơi ẩn thân của Diệp - sát thủ Thiên Địa Hội đang bị truy sát. Với dàn diễn viên trẻ mới toanh, đạo diễn Duy Joseph được kỳ vọng có thể tạo nên một sự trẻ trung, sáng tạo khác biệt cho một bộ phim về học đường. Tuy nhiên, những gì Trường Học Bá Vương mang đến cho khán giả đã cho thấy sự đầu tư mạo hiểm của cả ê-kíp.
1. Những điểm trừ:
Câu chuyện của Trường Học Bá Vương không có nhiều điểm mới nhưng lại chứa tham vọng của một tác phẩm hành động hài xuất sắc. Phim cóp nhặt và chắp vá ý tưởng từ một số phim hài về đề tài học đường đã từng có trước đây. Một số phân cảnh được xem là điểm nhấn của phim xuất hiện trên màn ảnh tựa như những MV ca nhạc.
Hai hiện thân của nhân vật chính được giao cho Nhan Phúc Vinh (vai Diệp) và Wean Lê (vai Tình). Trong những phân đoạn đầu tiên, bóng dáng của Châu Tinh Trì được áp đặt rõ trong diễn xuất của Nhan Phúc Vinh, một Châu Trinh Trì fake gượng gạo và không thể gây hài, có chăng là Nhan Phúc Vinh đã thành công khi tạo ra được cái cười nhức nhối đầy hoang mang cho khán giả. Chính những phân đoạn hành động lộn xộn và nhảm xàm đó đã làm cho 30 phút mở màn của phim nhạt nhẽo và không có định hướng. Dễ dàng hiểu được tại sao nhiều khán giả mất hết kiên nhẫn và rời khỏi rạp.
Ngoại trừ vai diễn của Wean Lê (Tình) và POM (quản gia), hầu hết các nhân vật khác đều thất bại, kể cả nữ chính. Hạ Anh với vai diễn Ý Nhi thật sự là một nhân vật đơ từ đầu đến cuối. Diễn xuất của Hạ Anh không làm toát lên được một cô học trò lập dị, rụt rè nhưng mạnh mẽ và chân thành. Ở Ý Nhi chỉ thấy hiện lên vẻ ngờ nghệch với những hành động xàm xí, không cá tính, không thu hút, mờ nhạt như một nhân vật phụ bước qua màn ảnh. Các nhân vật khác của lớp 12 với nhiều cá tính riêng biệt chưa được làm nổi bật, trông nhếch nhác và khá lộn xộn. Tùng Min (thầy hiệu trưởng) một lần nữa lại xuất hiện trong vai thầy giáo, góp thêm một nhân vật tào lao trong đội ngũ hài nhảm của lớp 12 trường Genius. Buồn cười nhất có lẽ nữ diễn viên đóng vai mẹ của Tình, trông giống một cô nhân tình – một bà mẹ kế hơn là mẹ ruột!
Trường Học Bá Vương được xây dựng với ½ tình tiết hài và ½ hành động. Phần hành động tạm ổn mặc dù đánh nhau loạn xạ có nhiều phân đoạn không kịp nhìn ai đang đánh ai. Riêng phần hài thì những yếu tố gây cười của phim thật sự ngô nghê và hơi xàm nhưng vô tình lại khiến khán giả có thêm chút tò mò để xem trò hề gì sẽ diễn ra tiếp theo. Rất may là càng về sau, cảm xúc của phim được lồng vào nhiều hơn, mặc dù biểu cảm gượng gạo của diễn viên vẫn còn nhưng đâu đó khán giả có thể cảm nhận được cái “tình” được thể hiện trong phim, hiểu được ý nghĩa và câu chuyện mà ê-kíp muốn mang đến cho người xem.
Điểm trừ lớn nhất của phim có lẽ là phần biên kịch, lời thoại quá tệ.
2. Những điểm cộng
Wean Lê chính là điểm sáng lớn nhất của phim. Xuất thân từ một rapper với kinh nghiệm diễn xuất gần như bằng 0 nhưng Wean Lê đã làm cho vai Tình trở nên có giá trị hơn. Wean Lê không phải là diễn viên chuyên nghiệp nhưng lần đầu thể hiện một nhân vật cá tính trên màn ảnh như vậy được xem là đã thành công. Tình của Wean Lê lúc cần mạnh mẽ có mạnh mẽ, cần yếu đuối có yếu đuối, lúc cô đơn khi ngang tàng, nghịch ngợm… nhiều sắc màu tính cách hội đủ trong một nhân vật chủ chốt được Wean Lê lột tả khá trọn vẹn. Dù chưa thật sự xuất sắc nhưng giữa một dàn diễn viên trẻ còn khá non nớt và thiếu sự tinh tế, những thể hiện của Wean Lê trong Trường Học Bá Vương rất đáng khen.
Một nhân vật phụ khá thành công bên cạnh Wean Lê chính là POM với vai người quản gia vụng về nhưng hết lòng yêu thương cậu chủ. POM tuy không có quá nhiều đất diễn nhưng sự xuất hiện của POM vừa đủ để làm nên một cặp đôi vừa hoàn hảo vừa hoàn cảnh với Wean Lê. POM cũng là nhân vật gây hài nhưng không quá lố, không quá xàm cũng không quá nhạt nhẽo. May quá vừa đủ để làm nền cho Tình của Wean Lê tỏa sáng!
Thêm một điểm cộng cho phim chính là phần âm nhạc khá hay. Các bài hát xuất hiện đúng lúc, sống động và tạo được điểm nhấn cho phim. Giữa nhiều tình tiết buồn cười và khó hiểu, một bản nhạc vang lên cùng với dàn trai xinh gái đẹp học đường vô tình khiến người xem thấy như đang thưởng thức một MV ca nhạc. Đối với một bộ phim điện ảnh hành động-hài thì điều này có vẻ lạc quẻ nhưng ít ra cũng tạo được cảm giác tích cực hơn cho người xem.
Nhìn chung, Trường Học Bá Vương với nhiều nỗ lực làm mới và riêng biệt về đề tài học đường nhưng vẫn chưa thực sự thành công. Mặc dù còn nhiều sạn nhưng ít ra đến cuối phim, người viết vẫn cảm thấy may quá nó không nhảm từ đầu đến cuối!