Với bối cảnh được đặt vào thế kỷ 28, lúc này loài người và vô số các chủng tộc ngoài hành tinh khác nhau đang chung sống như một đại cộng đồng đoàn kết, chuyện phim xung quanh hành trình giải cứu chỉ huy quân đội Arun Filitt (Clive Owen thủ vai) của hai đặc vụ hàng đầu trong quân đội loài người, thiếu tá Valerian (do nam diễn viên Dane DeHaan thủ vai) và nữ trung sĩ Laureline (Cara Delevingne). Trong hành trình giải cứu của mình, cả hai dần phát hiện ra bí mật khủng khiếp về một tội ác diệt chủng từng xảy ra trong quá khứ.
Với số lượng hơn 2300 bức phác thảo được đội ngũ thiết kế mỹ thuật của phim vẽ nên, bạn sẽ bị choáng ngợp ngay từ khoảnh khắc thế giới trong phim hiện lên, từ các hạm đội tàu không gian với số lượng khổng lồ trôi dạt trong không gian rộng lớn, đến các thành phố chứa đầy những công dân ngoài hành tinh muôn hình vạn trạng. Có thể nói, nếu đem ra so sánh thì vũ trụ trong Valerian And The City Of A Thousand Planets thật sự khiến hai vũ trụ khác của Guardians of The Galaxy và loạt phim Star Trek hít khói về mức độ chi tiết và hoành tráng. Trường đoạn đặc vụ Valerian chạy xuyên qua vô vàn các thế giới khác nhau có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất, mỗi thế giới hiện lên với một môi trường khác nhau thật sự vô cùng kích thích thị giác người xem. Với hiệu ứng xuất sắc như vậy, không khó hiểu vì sao kinh phí của nó lại khủng nhất trong lịch sử điện ảnh Pháp. Và thế là hết, hình ảnh đạt tầm xuất sắc chỉ là điểm mạnh duy nhất của phim. Vì trong tất cả các khâu còn lại, phim đưa người viết đi từ thất vọng này đến thất vọng khác.
Đầu tiên là sự nhạt nhẽo đến khó tin trong tình tiết của phim, khi toàn bộ các mâu thuẫn cao trào diễn ra hầu như không đọng lại trong tâm trí người viết một chút cảm xúc nào. Việc chứng kiến các nhân vật chạy đua với thời gian để cứu lấy ai đó, hay đi từ điểm A đến B để lấy vật quan trọng trong nhiệm vụ, nó nhàm chán như là bạn bị bắt buộc phải ngồi xem người khác chơi một trò chơi điện tử nhập vai cực dở vậy. Đã vậy tuyến nhân vật phản diện cũng không toát lên thần thái rằng chúng là mối nguy hiểm đáng gờm so với nhân vật chính của chúng ta. Liệu đây có phải là hệ quả từ việc phim bị cắt đi gần 29 phút thời lượng hay không?
Tiếp theo là phần diễn xuất không hề ăn nhập giữa Dane DeHaan và Cara Delevingne. Dù bộ đôi Valerian – Laureline được xây dựng như một cặp đôi đặc vụ cực kì ăn ý và gắn bó với nhau, có sự tương đồng với hai cặp đôi Han Solo – Công chúa Leia (Star Wars) và Buddy – Darling (Baby Driver), nhưng diễn xuất dửng dưng của Cara Delevingne thật sự làm người viết không cảm nhận được sự gắn bó này. Ví dụ như cảnh khi nhân vật Valerian của Dane DeHaan bị bắt đi, sự lo lắng mà Cara Delevingne tỏ ra trong vai nhân vật Laureline vô cùng yếu ớt và cứng nhắc, làm người viết cảm thấy dường như Cara chỉ đọc lời thoại chứ không hề có chút gì quan tâm đến sự sống chết của cộng sự. Cả diễn xuất của Dane DeHaan cũng rất tệ. Nhân vật Valerian do Dane thủ vai không có vẻ gì giống một đặc vụ cực ngầu, mà lại giống một siêu nhân do được kịch bản ban cho khả năng bất tử vậy, còn cộng thêm những câu pha trò đa phần rỗng tuếch và không có gì hài hước từ nhân vật này nữa.
Ngoài ra, các pha hành động trong phim quá “lởm”, cảnh đấm đá – đâm chém diễn ra như múa ba lê. Cảm giác mạnh mẽ của mỗi pha hành động dường như chỉ thể hiện qua âm thanh, chứ không đến từ hành động của các diễn viên. Đặc biệt là tiếng súng của những khẩu lade trong phim nghe rất buồn cười, không hiểu sao với một bộ phim có kinh phí khủng như Valerian And The City Of A Thousand Planets lại tạo ra thứ âm thanh nghe như tiếng đồ chơi con nít làm người viết tụt hết cảm xúc. Bù lại, nhạc nền của phim vớt vát được phần nào do được nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp Alexandre Desplat làm riêng (ông từng đoạt một giải Oscar cho phần nhạc nên trong phim The Grand Budapest Hotel), có góp phần làm tăng cảm xúc choáng ngợp của khán giả khi chìm trong thế giới phim dựng nên.
Đáng tiếc cho một tác phẩm được đầu tư cực khủng, Valerian And The City Of A Thousand Planets lại trở thành một tác phẩm dù sở hữu cho mình sự hoành tráng và xuất sắc về mặt hình ảnh, thì nội dung có quá nhiều lỗ hổng và diễn xuất tệ hại của bộ đôi diễn viên chính gần như đã phá hỏng bộ phim. Việc doanh thu thất bại của phim ở phòng vé Bắc Mỹ càng không đem đến cho người viết hi vọng hơn về bản phim đầy đủ. Với khởi đầu không mấy thuận lợi thế này, có vẻ như kế hoạch phát triển thương hiệu Valerian của đạo diễn Luc Besson sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là khi ông đã lên kế hoạch và bắt tay vào viết kịch bản cho hai phần nữa.