Giữa lúc rạp phim trở nên lắm thị phi như thế này, Vầng Trăng Máu thắp lên một tia hy vọng về điện ảnh và phép màu mà nó mang lại. Sử thi tội phạm của đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese có thời lượng dài kỷ lục – 206 phút, tương đương hơn 3 tiếng đồng hồ, nhưng khi bộ phim dần kết thúc, người ta lại ước nó dài thêm.
Dựa trên phi tiểu thuyết cùng tên
Vầng Trăng Máu (Killers of the Flower Moon) lấy cảm hứng từ cuốn phi tiểu thuyết cùng tên khắc họa một trong những cuộc thảm sát sắc tộc khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong đây, bộ lạc Mỹ bản địa Osage trở thành tâm điểm chú ý và bi kịch khi các thành viên trong bộ lạc bị sát hại từng người một và những người còn sống phải tiếp tục sống với hàng trăm câu hỏi và nỗi đau không nguôi. Nhưng họ không biết bản thân cũng không hề an toàn.
Sau khi đọc nguyên tác, Scorsese đã biết ông nhất định phải chuyển nó thành phim. Tình yêu và sự cống hiến của Scorsese có thể được cảm nhận ở từng khung hình, trong từng bối cảnh, cho đến những sự kiện đã diễn ra và ý nghĩa chúng đem đến. Scorsese không chỉ làm một phim tiểu sử hay chuyển thể đơn thuần để người ta ngạc nhiên trước những gì phim ảnh có thể trở thành trong bàn tay của bậc thầy, mà còn là bộ phim mang hơi thở thời đại.
Vầng Trăng Máu có thể trông không giống với những bộ phim gangster kinh điển của Martin Scorsese, nhưng nó lại rung động ở cùng một tần số khi nói đến hứng thú vô tận của đạo diễn gốc Ý trong khám phá và khắc họa thế giới của những người đàn ông tha hóa và bạo lực. Trong phim, chúng sống ở một thế giới bất công cho phép tội ác bén rễ, chỉ để phát triển thành một căn bệnh ung thư quỷ quyệt. Thật trớ trêu, đó chính là di sản trường tồn của chúng.
3 tiếng hầu như vẫn chưa đủ
Vầng Trăng Máu đã được Scorsese thực hiện một thay đổi nho nhỏ khi lên hình. Trong sách người đọc được dẫn dắt vào câu chuyện với vị trí của Mollie Burkhardt – người phụ nữ Osage đã kết hôn với Ernest Burkhardt, một người da trắng. Trong phim, kẻ dẫn dắt người xem lại là Hale do Robert De Niro thủ vai – kẻ đầu sỏ ở đây. Sự thay đổi ấy đã dẫn đến một bộ phim khiến người ta rùng mình đồng thời tò mò không nguôi.
Không phải tự nhiên mà Scorsese “chuyển vùng” góc nhìn sang kẻ sát nhân. Scorsese cân bằng ranh giới giữa việc kể một câu chuyện rất cụ thể về một cặp vợ chồng ở trung tâm của một bi kịch và bóc trần bản chất lớn hơn của cái ác. Những con sói trong Vầng Trăng Máu không ngần ngại sát hại bầy cừu và cho đó là chuyện hiển nhiên.
Và chúng ta không ngừng bị thu hút bởi những con sói đó. Làm sao chúng có thể mạnh mẽ đến vậy, làm sao chúng bạo gan đến vậy… Kẻ thủ ác là ai khán giả rất dễ nhận thấy từ phía khán giả, nên Vầng Trăng Máu khiến họ thích thú về hành trình của hắn hơn là suy đoán hắn là ai như một phim trinh thám thông thường. Lý do rất đơn giản: Hắn thú vị hơn quá trình “whodunit”.
Người trong Vầng Trăng Máu chết như rạ. Từ quán bar đến lề đường. Xác người vô tội la liệt trên vùng đất của chính họ. Hèn hạ nhất là bắn vào lưng họ khi mới chia sẻ một chai rượu, cho đến đáng sợ nhất khi Hale chỉ mới bắt tay họ xong rồi lại tặng cho họ một phát đạn.
Sự đáng sợ ở phim khiến khán giả không thể ghê tởm là tội tác trong Vầng Trăng Máu không ẩn nấp trong các góc tối hay bị xua đuổi về lại thế giới bí mật nào đó. Mà chúng diễn ra công khai dưới bầu trời đầy nắng và ánh điện – biểu hiện của một thế giới văn minh, như một lời chế nhạo về người và Tổ quốc.
Bằng cách này hay cách khác, bằng những hành động ghê tởm của Hale đối với bộ lạc Osage hay cách nước Mỹ đàn áp người bản địa khi đặt chân đến đây, Vầng Trăng Máu hiện lên với sự pha trộn về hai thái cực giữa thích thú và chết lặng. Bộ phim đang khắc họa sự thật về nước Mỹ - máu tươi của kẻ vô tội là thứ đã dung dưỡng sự giàu có của quốc gia này – và kể một sư thi tưởng chừng chỉ có trong tưởng tượng với sức hút và độ ly kỳ hiếm bộ phim nào làm được.
Vầng Trăng Máu không có lời thoại dài dòng, cũng có rất ít những pha giải thích và kể lể. Mọi thứ được diễn giải trong khung cảnh với ý nghĩa sâu xa nép mình dưới những ánh mắt, cảm xúc bộ phim đem tới. 3 giờ hơn bỗng trôi qua thật ngắn ngủi. Nhiều thứ lớp lang người xem cảm nhận được nhưng phim lại không khắc họa rõ ràng làm họ bứt rứt. Nhưng đó là cái hay của phim ảnh, chiếu 1 người xem nhận được 10. Một số nhân vật chỉ qua hành động và nói nhưng người xem lại hiểu được họ gấp 2, gấp 3, đến mức dao động cách chúng ta đánh giá hoặc phá vỡ định kiến ban đầu về họ.
Vầng Trăng Máu thuyết phục khán giả chứng kiến và cảm nhận một thời kỳ đen tối của lịch sử, gặp gỡ và thấu hiểu những ai đã sống trong thời đại ấy. Nhưng nó không bao giờ để phim chìm vào khía cạnh chính kịch sướt mướt về bất công chính trị hay đẩy các nhân vật vào vai trò nạn nhân hoàn toàn hoặc tàn ác đơn thuần. Bộ phim nắm bắt những khía cạnh phức tạp và đa chiều hơn, lột tả trần trụi về những bộ mặt của nhân tính theo cách thu hút nhất một bộ phim có thể làm mà không đánh mất tính hiện thực.
Lời kết
Vầng Trăng Máu sau cùng là bộ phim về sự sinh ra và hình thành của nước Mỹ. Phim hoạt động như một bộ phim tự phản chiếu, từ kỹ thuật quay phim phong cảnh tuyệt đẹp của Rodrigo Prieto cho đến những lời nhạc liên tục của Robbie Robertson. Nhưng với một cú twist là những người bị đóng khung trong định kiến “mọi rợ” và “nạn nhân” đã đổi chỗ cho nhau, thức tỉnh một sự thật vẫn chưa hoàn toàn được thừa nhận ở mảnh đất tự do.
Tách rời tính chính trị khỏi Vầng Trăng Máu là điều không thể. Tuy nhiên, người xem vẫn có thể thưởng thức một kiểu phim hiếm khi được làm trong thời đại ngày nay và tận hưởng những gì mà phim ảnh thực thụ mang lại. Theo dõi lịch chiếu nhanh nhất và đặt vé tại Moveek để không bỏ lỡ siêu phẩm điện ảnh này nhé!