Đánh giá phim

Review Võ Sĩ Giác Đấu 2 - Màn 'lật sử' hoành tráng của Ridley Scott

Võ Sĩ Giác Đấu 2 (Gladiator II) đã cố gắng làm một bộ phim sử thi như phần trước, nhưng nó cũng giống với nhân vật Lucius trẻ tuổi, chật vật vật lộn với di sản Maximus để lại, bộ phim đôi lúc cũng không biết nó phải trở thành cái gì. Nhưng một điều chắc chắn là sau tất cả, Võ Sĩ Giác Đấu là một bộ phim hành động điển hình, với hành trình anh hùng đầy sức hút.

Đứa con của Rome trở về

Ngay sau cái chết của Maximus, Lucius, người khi ấy mới 12 tuổi là người thừa kế còn lại duy nhất của đế chế La Mã. Giữa bầy lang sói chực chờ giết cậu để chiếm ngôi, phu nhân Lucilla quyết tâm đưa cậu bé ra khỏi Rome đến một thuộc địa xa xôi để lánh nạn. Đó là lần cuối hai mẹ con gặp nhau.

Võ Sĩ Giác Đấu 2 bắt đầu tại thời điểm 19 năm sau, Lucius (Paul Mescal) đổi tên thành Hanno, giờ là một công dân của vùng đất Numidia đang đứng trước cuộc xâm lăng của Rome dưới quyền tướng Acacius (Pedro Pascal).

Võ Sĩ Giác Đấu 2 tiếp tục khắc hoạ Rome hậu Maximus

Mất vợ trong khói lửa chiến tranh, Lucius bị đưa về Rome trong xiềng xích nô lệ rồi được Macrinus (Denzel Washington) mua về làm võ sĩ giác đấu. Ban đầu chỉ muốn báo thù, nhưng khi chứng kiến quê nhà bị hủy hoại dưới quyền hoàng đế song sinh Geta và Caracalla, Lucius đứng trước lựa chọn đấu tranh hoặc để Rome sụp đổ.

Đó là tiền đề trải đường cho một câu chuyện thần thoại kinh điển, khi người hùng lang bạt trở về quê hương đang bị hủy hoại trong kiếp nô lệ, nơi di sản vĩ đại thôi thúc anh ta phải chiến đấu và vượt lên con người hiện tại của mình. Đó là hành trình gợi lại những cái tên như Odyssey, Hercules, Hector...với lời hứa hẹn một sử thi tương tự ở Võ Sĩ Giác Đấu 2.

Lucius trở lại Rome sau nhiều năm xa cách

Võ Sĩ Giác Đấu 2: Di sản và giao thoa

Võ Sĩ Giác Đấu 2 không chỉ là phần phim tiếp theo của Gladiator (2000), mà còn là một phần phim mang tính giao thoa và nhấn mạnh giá trị của di sản. Bằng chứng là Ridley Scott cài cắm kha khá những chi tiết trừu tượng vào phần phim mới như lý tưởng về tự do, “giấc mơ La Mã”, giá trị danh dự, về một “Rome đã từng...”. Rome và thế hệ bị mắc kẹt trong đó đang bước vào thời khắc giao mùa.

Nơi anh phải đối mặt với di sản của ông nội, mẹ và Maximus

Như các nhân vật của nó, bản thân Võ Sĩ Giác Đấu 2 cũng là một phần phim chuyển giao - một quyết định thông minh khi nó đứng trước cái bóng khổng lồ của phần đầu. Bộ phim không cố gắng vượt qua Gladiator, mà tranh thủ những gì tốt nhất được thừa hưởng từ đó.

Bộ phim mang phong cách thời thượng hơn, ít sử thi lại, nhiều hành động hơn để tiếp cận một thế hệ khán giả mới. Điều đáng nói là khi bộ phim không vướng bận phải vượt qua ai, phim đã có cho mình một dấu ấn riêng biệt, một người hùng riêng biệt - nhạy cảm và bốc đồng hơn Maximus của năm xưa, nhưng anh hùng và lý tưởng không kém.

Võ Sĩ Giác Đấu 2 ghi dấu ấn bằng những trận chiến nghẹt thở

Màn “lật sử” hoành tráng của Ridley Scott

Ridley Scott thích “lật sử”, không ai là không biết phim của ông chỉ lấy cảm hứng, chứ ông không có ý định làm một phim tài liệu. Và ông đã không làm khán giả thất vọng với một Võ Sĩ Giác Đấu 2 hoành tráng về hình ảnh, dạt dào với âm thanh, hành động ác liệt và một câu chuyện anh hùng cuốn hút gói gọn trong 2 tiếng hơn.

Bản năng làm phim của Scott chưa từng giảm đi ở tuổi 86. Ông rất biết cách làm một bộ phim hành động mà không khiến nó bị khuôn mẫu bằng cách mở rộng câu chuyện và chồng lớp nhân vật khéo léo, rồi lồng ghép những thông điệp, chi tiết giàu sức gợi. Các nhân vật dưới bàn tay ông nhào nặn đều có nhiều điểm nhấn nhá đa chiều.

Phần hình ảnh trong phim được trau chuốt

Võ Sĩ Giác Đấu 2 đạt được sự cân bằng giữa chính kịch và hành động gay cấn, giữa lý tưởng cao thượng và sự suy đồi bao trùm lấy Rome. Scott duy trì nhịp độ đều đặn và hồi hộp trong suốt thời lượng hai tiếng rưỡi bằng các phân cảnh đấu trường hấp dẫn với 20 năm tiến bộ về VFX.

Những khoảng trống trong phim nhanh chóng được lấp đầy bằng màn chiến đấu kịch tính được phối hợp nhịp nhàng như các vũ điệu dữ dội của máu và cát. Những cuộc đấu tay đôi với dã thú giận dữ đến trận hải chiến bên trong các bức tường của Đấu trường La Mã khiến các khung hình nóng lên, thúc đẩy bộ phim vào nguồn năng lượng sôi nổi đầy hào hứng.

Với màn dựng cảnh không thể ấn tượng hơn

Bên ngoài đấu trường, guồng quay chính trị chuyển động âm thầm khiến mạch phim trầm xuống đúng lúc, được mở rộng và thêm chiều sâu vào tuyến truyện đậm đà chất hành động. Cuối cùng, cả hai hòa quyện vào nhau khi Lucius nhận ra định mệnh của mình, đổ xuống thành một màn cao trào đẫm máu.

Võ Sĩ Giác Đấu 2 không thể hoàn thiện khi thiếu đi nỗ lực của các diễn viên. Có thể là cố ý hoặc vô tình, toàn bộ các diễn viên như đang biểu diễn một vở kịch Shakespeare, cô đọng nét bi kịch, cường điệu, và anh hùng giữa thời loạn lạc.

Tiếc là phản diện phần nào giảm thiểu sự tinh tế trong nhấn nhá chính trị

Nếu phải đưa ra một lời phê bình là bộ phim dù dài hai tiếng và ổn định nhịp điệu lại khiến người xem cảm thấy nó đang vội vã chạy về đích – nói chung là một cảm giác lạ. Người viết lại lấy làm tiếc là tính chính trị của phần mới không được tinh tế như ở phần đầu.

Có lẽ một phần do Hoàng đế song sinh trong đây được cố tình mô tả với sự lỗ mãng điên loạn để làm nổi bật tính bạo chúa, thay vì một Commodus tàn ác nhưng không bổ bã, mưu mô và chiến lược. Một phần nữa là Võ Sĩ Giác Đấu 2 đã giảm tải quyền lực thật thụ của “đám đông La Mã”.

Dù vậy, Võ Sĩ Giác Đấu 2 là một bộ phim đáng xem

Dù vậy, Võ Sĩ Giác Đấu 2 vẫn là một phần phim tiếp theo có sức hút, chắc chắn có thể khiến phần đầu tự hào. Song, nói phim vượt qua cái bóng của Gladiator (2000) thì đã khen quá đà. Điều quan trọng là phim đem lại những phút giây giải trí đúng điệu.

Tất nhiên, bộ phim sở hữu một số chi tiết khó tin, ngay cả khi bạn không biết nhiều về lịch sử La Mã. Như người viết đã nói ở trên, Võ Sĩ Giác Đấu 2 chỉ lấy cảm hứng và hoàn toàn tự do phát huy trí tưởng tượng của đạo diễn lẫn biên kịch. Liệu phim có đảm bảo về tính lịch sử - không hề. Nhưng có giải trí, lôi cuốn, hành động đẹp mắt, hoành tráng và đáng xem không – chắc chắn là có rồi.