Bộ phim hoạt hình CGI Vua Sư Tử (The Lion King) của Disney ra đời 25 năm sau bản gốc năm 1994, cho thấy sự tiến bộ vượt bậc về mặt kỹ xảo của Nhà Chuột. Tuy nhiên, nếu nói đến mặt sáng tạo cốt truyện thì có lẽ Vua Sư Tử 2019 chưa thực sự thay thế được bản gốc.
Vua Sư Tử là câu chuyện về Simba, con trai của Mufasa – sư tử đứng đầu cai quản và bảo vệ Xứ Vua. Tuy nhiên, sau khi Mufasa bị Scar chiếm ngôi, Simba trẻ tuổi bị đuổi khỏi quê hương và phải lớn lên ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Sau khi trưởng thành và nhận thức được trách nhiệm của mình, Simba quay về Xứ Vua để giành lại ngai vàng.
Sử dụng kỹ thuật đồ họa và CGI tiến bộ, gần như vượt thời đại, Vua Sư Tử đã đặt ra tiêu chuẩn mới về kỹ xảo cho các phim sau này. Nếu đã choáng ngợp với rừng già và thế giới động vật của The Jungle Book, bạn hẳn sẽ còn ngạc nhiên hơn với Vua Sư Tử khi mặt hình ảnh của phim vô cùng chân thật. Từng chuyển động nhỏ nhất như hạt mưa, gió bụi, bầy kiến tha mồi về tổ hay dòng nước đang trôi… đều được tái hiện rất sống động. Cả các hành động hay tập tính của bầy sư tử, tiếng kêu của bầy linh cẩu đều đúng với thực tế, làm khán giả cảm giác như mình đang xem một bộ phim tài liệu về tự nhiên trên truyền hình, khác biệt duy nhất ở đây là có thêm phần trò chuyện và hát hò của các loài động vật.
Phần lồng tiếng của phim nhìn chung ổn và khá tốt, nhất là với chất giọng gây nghi ngờ khá lớn từ khi trailer được tung ra của Scar do Chiwetel Ejiofor thủ vai. Kể từ sau khi bắt đầu lên kế hoạch đảo chính thì Chiwetel Ejiofor đã thể hiện được chất giọng phản diện hợp với nhân vật Scar. Tuy vậy, phiên bản Scar của Jeremy Irons vẫn là huyền thoại trong lòng người viết bởi không chỉ có nét lươn lẹo và hấp dẫn, giọng hát, cách gằn giọng và đài từ của Jeremy Irons còn chính là điểm đã tạo nên sự cuốn hút trong Scar - phản diện xuất sắc nhất thuộc các phim hoạt hình Disney. Chiwetel Ejiofor có lẽ do gặp áp lực so sánh với bản gốc nên đôi chỗ gắng sức quá đà và chưa tự nhiên, lộ rõ nhất khi là khi hát bài Be Prepared bản phối mới.
Donald Glover và Beyoncé là trường hợp khiến người viết băn khoăn bởi Glover lồng tiếng cho Simba, mặc dù nghe giọng anh hao hao giọng Simba của Matthew Broderick nhưng có phần mỏng hơn, không thể hiện được thần thái của một vị vua trẻ tuổi. Tuy nhiên, vì là ca sĩ nên phần hát anh đặc biệt thể hiện tốt. Beyoncé thì ngược lại, giọng cô rất hợp với Nala, nhưng phần hát lại thể hiện quá nhiều kỹ thuật và lấn át bạn diễn, nên tổng thể lại không hài hòa. Nhất là khi Simba và Nala song ca chung bài Can You Feel The Love Tonight?
Giọng của Seth Rogen vai Pumbaa và Billy Eichner lồng tiếng cho Timon, cũng như James Earl Jones trở lại với nhân vật Mufasa không có gì phải phàn nàn. Cả phần hát cũng như giọng thoại của bộ ba đều rất hợp với vai diễn. Timon và Pumbaa đương nhiên là điểm sáng của phim, sau khi người xem vượt qua được tạo hình quá sát thực tế đến độ khiến người ta phải nhăn mặt của Pumbaa. Nét hài hước của hai nhân vật này mang đến màu sắc và giúp Vua Sư Tử bớt nhàm chán.
Phim theo sát hơn 90% bản hoạt hình và cũng bởi vì cốt truyện của bản gốc quá tròn trịa nên Vua Sư Tử 2019 thiếu vắng khoảng không để sáng tạo. Nếu phải so sánh với live action rất thành công gần đây là Aladdin thì Vua Sư Tử rơi vào trường hợp bất lợi trong nội dung.
Aladdin bản hoạt hình mang nhiều yếu tố kỳ ảo, đến cả bối cảnh cũng chẳng phải là bối cảnh thực tế, nhân vật người đóng có thể thay đổi để hợp thời nên phim có nhiều khoảng không để thay đổi hơn, dù cốt truyện nhìn chung vẫn thế. Vua Sư Tử sở hữu cốt truyện chặt chẽ và các nhân vật khó có thể thay đổi theo một hướng nào khác mới mẻ hơn. Thêm nữa, bản thân Vua Sư Tử là bộ phim rất được kỳ vọng từ khi công bố dự án, nên Disney và đạo diễn có thể nói không dám mạnh dạn thay đổi vì sợ thất bại. Vua Sư Tử và Aladdin đều chuyển thể shot-for-shot, nhưng Vua Sư Tử thì mức độ giống hệt bản gốc nhiều hơn cả Aladdin. Bầy linh cẩu có thể coi là điểm sáng tạo nhất của Vua Sư Tử khi giảm tông hài xuống vài bậc, tăng thêm vẻ đáng sợ và kịch tính, nhưng cảm giác chưa triệt để, vì thế mà đây được xem là điểm bỏ ngỏ đáng tiếc của bộ phim.
Đoạn cao trào được làm có vẻ sôi nổi hơn, nhất là khi có thêm màn đối đầu của Nala và Shenzi. Những cảnh hoặc tình tiết nào gắn liền với thể loại hoạt hình quá đều được thay đổi cho phù hợp với thực tế. Tuy vậy, cũng vì hai chữ thực tế mà biểu cảm của các nhân vật gần như không thể hiện được.
Nếu đứng riêng một mình, Vua Sư Tử là bộ phim khá hay khi các yếu tố như kể chuyện, chủ đề, kỹ xảo… đều làm tốt. Phim không chỉ cho thấy quan điểm về quyền lực của kẻ mạnh và kẻ yếu khác biệt ra sao, mà còn đặt ra câu hỏi thế nào là can đảm, thế nào là gia đình… nhưng với tư cách là một phim remake từ bản hoạt hình năm 1994, Vua Sư Tử chưa thực sự sáng tạo và thiếu sự đổi mới đáng chú ý. Tuy vậy, nếu muốn một Vua Sư Tử sống động và như thật thì phiên bản này sẽ làm bạn hài lòng.