Sau một năm với nhiều kế hoạch bị gián đoạn bởi Covid-19, con gà đẻ trứng vàng của Hollywood - những siêu anh hùng đã trở lại màn ảnh rộng.
Wonder Woman 1984: Nữ Thần Chiến Binh từ Warner Bros sẽ đưa chúng ta về thập niên 80 của thế kỉ trước trong chuyến phiêu lưu của riêng mình. Đây là phần thứ hai trong loạt phim riêng dành cho biểu tượng nổi tiếng bậc nhất của nhà DC.
Theo chân nữ thần chiến binh Amazon – Diana Prince (Gal Gadot) trong những năm 80, hơn nửa thế kỉ sau những sự kiện đã diễn ra trong phần phim ra mắt 2017.
Khi này, Diana vẫn đang cố gắng vượt qua những mất mát khi người cô yêu – chàng phi công tài hoa Steve Travor (Chris Pine) đã hi sinh trong cuộc chiến trước đó. Sức mạnh to lớn của Wonder Woman gắn liền với sứ mạng bảo vệ mọi người, nhưng đằng sau đó là một Diana vẫn đang mắc kẹt trong sự cô đơn của chính mình.
Tuy nhiên, sự gặp gỡ với Tiến sĩ Barbara Ann Minerva (Kirsten Wiig) với sự xuất hiện của một cổ vật đã vô tình dẫn đến sự trở lại của Steve Trevor.
Cổ vật bí ẩn rơi vào tay của Maxwell Lord (Pedro Pascal), một doanh nhân với tài ăn nói siêu hạng và anh ta cũng biết được khả năng kì lạ của vật này. Tuy nhiên, không ai cho không ai điều gì - cái giá mỗi người phải trả cho sự thay đổi họ mong muốn ra sao và ai sẵn sàng để trả cái giá đó?
Thập niên 80 đang trở thành niềm cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm của Hollywood và Wonder Woman 1984: Nữ Thần Chiến Binh cũng đã theo kịp xu hướng đó. Một bối cảnh hoài cổ đầy màu sắc, chăm chút kĩ lưỡng được tạo ra như luồng gió mới thổi vào thể loại siêu anh hùng vốn dĩ luôn tràn ngập những món đồ công nghệ vượt quá sự tưởng tượng của con người.
Khán giả sẽ thấy được sự tinh tế trong trang phục cũng như thời kỳ văn hóa đại chúng hòa quyện chặt chẽ vào cuộc sống ở nước Mỹ, trước khi làn sóng internet và công nghệ số xuất hiện và khiến mọi thứ bị phân mảng rõ ràng như hiện tại. Cả bộ suit xanh đỏ đặc trưng của Wonder Woman cũng được thiết kế lại cho phù hợp hơn với thời đại đó.
Tuy nhiên, trong khi thiết kế là điểm đặc sắc thì điểm trừ của tác phẩm lại nằm ở phần kịch bản. Với thời lượng 151 phút, tác phẩm bị kéo dãn quá mức và xuất hiện rất nhiều phân cảnh dài lê thê, thiếu điểm nhấn.
Đạo diễn Patty Jenkins đã cố gắng tạo nhiều không gian tương tác cho Diana và Steve nhất có thể nhưng có vẻ không đem lại hiệu quả quá tích cực, cả hai tung hứng rất một màu và xuất hiện nhiều lỗ hổng trong cách kể chuyện. Có lẽ sự cô đơn của Diana đã khiến sự quyết đoán của cô suy giảm quá nhiều và câu chuyện của họ cứ day dứt không ngớt.
Và khi màn ảnh rộng với sự thiếu vắng của những siêu anh hùng quá lâu, thì cách tiếp cận giống những bộ phim tình cảm quen thuộc thay cho sự ngắn gọn, quyết liệt trong hành động khiến bộ phim hơi dài dòng để theo dõi.
Siêu anh hùng luôn đi kèm với phong cách chiến đấu của riêng họ, và Wonder Woman với sợi dây thừng Sự thật là chủ đạo trong phần phim này cũng được ekip sử dụng khéo léo với nhiều chi tiết bắt mắt và ấn tượng nhưng việc thay đổi quá nhiều góc quay và lạm dụng slow-motion kể cả những đoạn bay nhảy đơn giản thì khiến người viết cảm giác cứ như đang xem phim drama Ấn Độ, độ thách thức vật lý cũng tương tự luôn.
Thần thái của Gal Gadot thì luôn không phải bàn cãi nữa, kể cả trong hình tượng Wonder Woman hay Diana Prince. Hoa hậu Israel được sinh như để thể hiện vai diễn này và mỗi lần xuất hiện của cô đều mang lại cảm xúc ấn tượng.
Khi cô khoác lên bộ giáp hoàng kim của Asteria, mọi thứ thật sự gọi là bùng nổ. Trong khi đó Kirsten Wiig cũng có một vai diễn ấn tượng, khi cô thể hiện được cả vẻ ngờ nghệch của một tiến sĩ mọt sách không biết giao tiếp xã hội và sự chuyển mình dần sang một Cheetah quyến rũ và ma mị, đầy mạnh mẽ.
Tuy ekip đã có thể hoàn thiện tác phẩm một cách tinh gọn hơn để mang lại hiệu quả tốt nhất, nhưng sau một năm dài không có một bom tấn siêu anh hùng thật sự, Wonder Woman 1984: Nữ Thần Chiến Binh phần nào giải tỏa được cơn khát cho khán giả.