Wrath Of Man - bộ phim đánh dấu lần hợp tác thứ 4 của đạo diễn Guy Ritchie và Jason Statham thuộc thể loại hành động, tội phạm, vốn là dòng phim làm nên tên tuổi của nam diễn viên người Anh. Được làm lại từ bộ phim Pháp Le Convoyeur năm 2004, Wrath Of Man kể về H. (Jason Statham), một nam bảo vệ mới đầy bí ẩn và có đôi mắt hoang dã của công ty chuyển tiền Fortico. Anh gây bất ngờ cho đồng nghiệp của mình khi tung ra những kỹ năng chính xác, hạ gục 6 tên cướp trong một vụ trộm.
Chứng kiến kỹ năng lão luyện của H., đồng nghiệp tại Fortico tự hỏi anh ta là ai và đến từ đâu. Khán giả nín thở khi đoán động cơ của H.: Anh ta có phải là đặc vụ chính phủ không? Một kẻ chủ mưu tội phạm? Anh ta đang lên kế hoạch cho một vụ trộm của riêng mình? Hay anh ấy tham gia Fortico để ngăn cản vụ cướp tiếp theo? Chẳng bao lâu, động cơ cuối cùng của tay thiện xạ trở nên rõ ràng khi anh truy đuổi đám côn đồ đã tước đi mạng sống con trai Dougie và khiến H. bị thương.
Dự án mới nhất này gần như không quá hào nhoáng như Snatch hay sự lộn xộn, quay cuồng trong Revolver. Trong khi Jason Statham thể hiện tính cách cứng rắn nghiêm khắc thì Guy Ritchie lại thử sức với phong cách căng thẳng nhưng tương đối hạn chế của Christopher Nolan. Cách Guy Ritchie kể vụ cướp 2 lần khiến khán giả có phần cảm thấy nhàm chán và bối rối. Đầu tiên là từ góc nhìn của H., sau đó một lần nữa từ đội đã lên kế hoạch - hoặc cụ thể hơn, thông qua thành viên nổi loạn có khuôn mặt đầy sẹo - Jan (Scott Eastwood). Wrath of Man sử dụng một cấu trúc không chính thống để kể một câu chuyện đơn giản, chia thời gian thành bốn phần.
Jason Statham vẫn điển trai và không tóc như thường lệ, mang bộ mặt lạnh lùng, cau có khi xâm nhập vào trụ sờ Fortico để điều tra chân tướng kẻ đã bắn chết con trai mình. Thế nhưng khác với những tác phẩm trước, nam diễn viên lại không nói quá nhiều hay thậm chí là kiệm lời. Khoảnh khắc vui vẻ hiếm hoi của loạt phim là lúc H. vui đùa bên cạnh con trai Dougie, thể hiện những hành động thân thiết giữa cha và con.
Dẫu biết nhân vật H. của Jason Statham đau khổ vì mất con và lấy đó làm động lực trả thù, khán giả vẫn chưa cảm nhận được nỗi đau bùng cháy đó. Jason Statham được khen ngợi là chuyển tải cảm xúc khá tốt nhưng trong Wrath Of Man, H. bị xem như cỗ máy trả thù đơ cứng, lạnh lùng vì nhân vật này quá ít thoại. Đó là lỗi chính của bộ phim mà Guy Ritchie nên xem xét lại.
Ngoài ra, ngôi sao của Wrath Of Man còn gọi tên Scott Eastwood. Anh vào vai Jan, một thành viên ngang ngược của băng cướp do cựu binh Jackson của Jeffrey Donovan dẫn đầu, có câu chuyện diễn ra song song với đội xe chở tiền. Tất cả đều xây dựng theo hướng một vụ trộm mà trong đó mọi người được tận mắt chứng kiến bộ kỹ năng độc đáo của H. Rũ bỏ ngoại hình điển trai trứ danh, Scott Eastwood chịu làm xấu mình với tạo hình đầy sẹo gây ấn tượng cho khán giả. Đáng tiếc, nhân vật này chỉ đóng vai trò phản diện chính, không được Guy Ritchie đào sâu vào đời tư cũng như động lực cướp tiền (không chỉ một mà nhiều lần) khiến Jan trở nên thô lỗ, khó ưa.
Màn cameo chớp nhoáng của rapper Post Malone cũng là chi tiết làm khán giả thích thú. Vào vai tên trộm tiền vụng về, Post Malone lột tả được sự ngu ngốc của nhân vật. Wrath Of Man ghi điểm nhờ dàn cast phụ gồm Jeffrey Donovan, Andy Garcia, Eddie Marsan và Laz Alonso.
Nhìn chung, Wrath Of Man là bộ phim sẽ làm thỏa mãn fan thể loại hành động, ly kỳ hấp dẫn cũng như fan thể loại trộm cắp. Với thời lượng 2 tiếng, Wrath Of Man khá dài cho kịch bản đơn giản như vậy. Trong khi Guy Ritchie đã lại nhiều nét tinh tế đặc trưng của mình, đạo diễn tài năng hoàn toàn có thể rút gọn bớt thời gian của phim và đẩy mạnh cao trào để Wrath Of Man hoàn hảo hơn.