Lưu ý: Bài viết có chứa spoiler, các bạn nên cân nhắc trước khi đọc nhé.
Yêu Đi Đừng Sợ! đã thật sự làm tôi bất ngờ. Tuy phim vẫn còn nhiều lỗi và tôi không trông mong chi khi có Ngô Kiến Huy tham gia, nhưng bộ phim lại khá ổn và cũng không rơi vào vết xe đổ của Sắc Đẹp Ngàn Cân. Lại một bộ phim nữa khiến cho tình hình remake phim của điện ảnh Việt được ổn định lại.
Yêu Đi Đừng Sợ! có nội dung và mô típ tương tự như bản gốc nhưng lại có phần sáng tạo với một câu chuyện mới dành cho nhân vật chính. Đây là điểm rất đáng khen khi giúp bộ phim không bị phiên bản cũ chiếm hữu hoàn toàn. Các tình tiết cũng được thay đổi khiến bộ phim sáng sủa hơn, hài hước hơn, màu sắc hơn là phiên bản Spellbound của Hàn. Vì thế nên phim không thể hiện được độ trầm và sự u tối của phiên bản gốc. Tình tiết của phim càng về cuối càng thay đổi khá nhiều, các tình tiết từ bản cũ được bộ phim hoán đổi vị trí với nhau và tạo ra một câu chuyện khác, một kết thúc khác. Câu chuyện ẩn uất đằng sau của bộ phim cũng được khai thác phức tạp hơn một chút so với bản cũ, phần này ở bản gốc rất đơn giản. Phim có một kết thúc tốt đẹp hơn, nhưng phần tình cảm và sự sâu lắng không đọng lại nhiều như bản cũ. Những chi tiết hài được sáng tạo thay thế cho các tình huống cũ cũng sẽ hợp gu người Việt hơn. Phim tạo nhiều tiếng cười cho khán giả, nhưng tôi lại thích cách hài nhẹ nhàng mà tự nhiên của phiên bản gốc hơn.
Tuy nhiên những chi tiết đáng giá khiến nhân vật của phim hay hơn trong bản gốc thì lại bị lượt bớt quá nhiều, thay vào đó là một số tình huống hài, thoại hài khiến người xem cảm thấy vài đoạn nói chuyện, hài nhảm rất dư thừa, điển hình như cảnh nói chuyện của Phương và Puka với Ái Phương lần đầu tiên. Những câu thoại của Ái Phương hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả. Phim cũng thể hiện một số chi tiết không được logic, chẳng hạn như lúc Phương giấu danh tính gọi đến sở cảnh sát để báo án nhưng lại sử dụng điện thoại di động. Hay cảnh hai cha con bị tai nạn xe mà Phương giúp đỡ lại không phù hợp về thời gian cũng như không gian. Hồn ma của cậu bé gặp ở nhà Phương từ khi trời sáng cho đến lúc theo ám Tùng đến chiều tối, khi họ chạy ra hiện trường đã là rạng sáng hôm sau, thế mà suốt quá trình chẳng người đi đường nào phát hiện.
Phim tạo ra tình huống mới nhưng lại giải quyết không thỏa đáng, khiến người xem có cảm giác như phim rời rạc, các tình tiết không ăn khớp hay liên quan gì với nhau. Trong những cảnh ảo thuật của nhân vật chính thì các chi tiết tạo nên phần hấp dẫn cũng bị bỏ bớt. Ngược lại, các nhân vật của Yêu Đi Đừng Sợ! lại có một màu sắc khác. Nhân vật nam chính là Tùng (Ngô Kiến Huy), anh vẫn là một chàng trai trẻ đam mê ảo thuật, thành công, nổi tiếng trong lĩnh vực của mình, và rất vui tính. Nhưng Ma Jo-Goo của Lee-Min-Ki lại điềm tỉnh hơn, chững chạc hơn, đương nhiên là không hề sợ ma kiểu nhát gan như Ngô Kiến Huy nhé, chỉ là bị hù dữ quá mới sợ thôi. May mà Ngô Kiến Huy không phá hỏng phim. Mặc dù diễn xuất ổn hơn những phim khác nhưng vẫn dở khi không hề mang được cảm xúc của nhân vật đến với khán giả. Ngược lại với phát biểu của Ngô Kiến Huy rằng anh đã luyện tập rất nhiều để có những màn biểu diễn thành thục nhất, phần trình diễn trong phim của anh không có gì đặc biệt. Phần tình cảm và sự hy sinh trong tình yêu của nhân vật Tùng cũng không được thể hiện rõ nét, sâu sắc như trong Spellbound.
Ngoài sự mát tay của đạo diễn Stephane Gauger giúp cho bộ phim không bị hủy hoại thì có lẽ người cứu bộ phim chính là Nhã Phương. Như đã nói, Yêu Đi Đừng Sợ! có một tông màu khác với bản gốc nên nhân vật Phương của Nhã Phương năng động hơn, hợp style hơn và teen hơn là Kang Yeo-Ri của Son-Ye-Jin. Kang Yeo-Ri trong bản gốc ngay từ lúc đầu xuất hiện đã vô cùng đen tối, chúng ta thấy rõ được sự cô đơn hay mệt mỏi trên gương mặt của cô. Và cái nét của Ye-Jin cũng đằm thắm, đơn giản hơn là Phương, trừ những lúc tăng động và điên điên khi có mùi bia rượu. Mặc dù chưa thể hiện được sự cô đơn, tâm tối, mệt mỏi như nhân vật ở bản gốc nhưng Nhã Phương diễn rất tốt, rất tự nhiên và cực kỳ dễ thương. Đây là vai diễn mà tôi thích nhất của Nhã Phương từ trước đến nay.
Các nhân vật phụ cũng khá giống bản gốc, nhân vật Phúc của Kiều Minh Tuấn được thể hiện nhiều hơn và vui hơn so với bản gốc. Ở nhân vật Trang Ú người bạn của Phương do Puka thể hiện thì vẫn ồn ào, náo nhiệt và khiến khán giả cười như trước đây, tuy nhiên tôi lại khá thắc mắc rằng nhân vật của cô liên tục tập luyện để giảm béo trong khi ngoại hình đầu có béo. Phần nhân vật này thì ở bản gốc bạn sẽ thấy rất rõ vì thân hình của cô như thế nào mà cô phải ra sức tập luyện như thế.
Cảnh quay đẹp, lung linh, nhưng phim vẫn chưa thể hiện được nhiều chất Việt trong đó. Chúng ta sẽ thấy được hình ảnh quen thuộc như phố đi bộ, đường sách, phố xa Sài Gòn, nhưng nếu bạn để ý kỹ thì sẽ thấy những cảnh quay đó chỉ để làm nền vì tất cả đều tập trung vào hai nhân vật chính. Để cảnh quay đẹp hơn, bắt mắt, lãng mạn và màu sắc hơn, nên đa số những cảnh trí xung quanh đều được làm mờ, và sử dụng kỹ thuật quay tạo Bokeh quá nhiều, khiến cho bối cảnh xung quanh không còn giá trị gì nhiều. Mọi thứ trong phim vẫn còn hào nhoáng quá, chưa có thể gọi là đậm chất Việt được.
Những thứ khiến Yêu Đi Đừng Sợ! được gọi là phim ma, phim kinh dị lại không quá đáng sợ. Những gì mà bộ phim làm cho người xem giật mình đều nhờ vào âm thanh và sự bất ngờ. Đối với bản gốc thì không những bạn được cười mà những ai yếu bóng vía hay nhát gan đều phải thót tim bởi những màn hù dọa, và phải ớn lạnh bởi tạo hình đáng sợ của con ma.
Tóm lại, Yêu Đi Đừng Sợ! đã sáng tạo trong các tình huống, tạo ra những xúc tác dễ gây cười cho khán giả. Không quá đen tối, mà phim sáng hơn, teen hơn, phù hợp dành cho những khán giả trẻ tuổi của Việt Nam. Phim đưa khán giả đi cùng một câu chuyện mới không bị hoàn toàn việc gọi là Hàn hóa. Nhưng những chi tiết quan trọng để giúp cho bộ phim hay hơn, sâu sắc hơn thì lại bị bỏ qua, thay vào đó là những tình tiết không phù hợp. Bộ phim vẫn còn rất nhiều lỗi và sạn, so sánh với bản gốc thì vẫn còn thua kém rất nhiều. Đối với Spellbound khán giả sẽ được trải nghiệm nhiều cảm xúc hơn, chi tiết hơn và tinh tế hơn. Những điều này một lần nữa nhắc lại cho các nhà làm phim tại Việt Nam rằng, muốn remake phim không phải dễ và điển hình là sự thất bại thảm hại của Sắc Đẹp Ngàn Cân phiên bản Việt. Mặc dù còn nhiều sai sót nhưng Yêu Đi Đừng Sợ! sẽ là một lựa chọn tốt cho những ai dễ tính và muốn thư giãn với những tràng cười thoải mái, nhẹ nhàng.