Qua bao mùa liên hoan phim, qua bao buổi công chiếu, những bộ phim lấy đề tài quấy rối tình dục làm chủ đề chính thường gây rúng động cho công chúng cũng như nhận những lời khen ngợi từ giới phê bình. Không như những bộ phim thông thường khác, yếu tố quấy rối tình dục phải được khắc hoạ thế nào để khán giả có thể thấu được cái sự đau thương, nhục nhã của nạn nhân, bằng không nó chẳng khác gì một bộ phim câu view rẻ tiền. May thay, chúng ta có những nhà làm phim có tâm và đem đến khán giả những bộ phim về đề tài quấy rối tình dục vô cùng chân thật.
The Salesman
Bỏ qua lùm xùm không đáng có, lễ trao giải Viện hàn lâm năm 2017 rất đáng khen khi chọn phim The Salesman của Iran là Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Và bản thân bộ phim hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu này vì nội dung đầy tính nhân văn.
Với một quốc gia mang nặng tinh thần Hồi giáo như Iran, người phụ nữ vốn không được coi trọng huống chi một người vợ bị cưỡng bức. Không chỉ chịu sự nhục nhã khi bị quấy rối tình dục, nhân vật Rana (Taraneh Alidoosti) còn phải im lặng đón nhận những khinh bỉ của người đời. Với áp lực nặng nề như thế, cô dần đánh mất bản thân khi từ bỏ vai diễn và khủng hoảng tinh thần. Những tưởng bị người chồng hắt hủi nhưng Emad (Shahab Hosseini) chẳng những dang rộng vòng tay che chở cho vợ mà dám trình báo cảnh sát, đối diện với kẻ ác nhân một cách bình tĩnh để tìm những bằng chứng vạch mặt hắn.
Là một câu chuyện tâm lý, tình cảm gia đình đầy ý nghĩa, The Salesman đã đem tới khán giả một cái nhìn vừa chân thật trong xã hội Iran, vừa gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về cách đối xử với người thân, đặc biệt là người phụ nữ trót gặp chuyện không hay. Có thể cái kết của The Salesman có chút tranh cãi nhưng với những người phụ nữ vốn bị số đông phỉ báng khi vô tình gặp chuyện không hay, sự chở che của gia đình là tất cả.
The Housemaid
Điện ảnh Hàn Quốc chưa bao giờ thiếu những bộ phim có nội dung thâm sâu đến rợn người như Oldboy, Mother và The Housemaid. Tuy không hoàn toàn chinh phục được khán giả vì tính nặng nề nhưng The Housemaid vẫn có nhiều yếu tố phải suy ngẫm.
Phim xoay quanh cô hầu gái trẻ Eun-yi phục vụ cho một gia đình giàu có mà người vợ đang mang thai. Nói tới đây hẳn khán giả cũng đoán được sẽ có một vụ ngoại tình giữa cô hầu và người chồng. Ban đầu, Eun-yi chỉ cố quyến rũ anh ta nhưng vì quá thiếu thốn, anh đã chuốc rượu hòng chiếm đoạt thân xác cô một cách dễ dàng. Không lâu sau đó, Eun-yi mang thai và bị người vợ và mẹ cô ta làm mọi cách để phá thai. Eun-yi cầu cứu người chồng nhưng không nhận được gì ngoài sự hắt hủi đầy ghẻ lạnh và khi cái thai mất, cô lên một kế hoạch trả thù vô cùng tàn độc.
Tuy phim không nhấn mạnh vào yếu tố quấy rối tình dục như những bộ phim khác mà đánh vào tâm lý của người bị hại và người phải chịu trách nhiệm. Xuyên suốt bộ phim là những tình tiết gây ám ảnh về bộ mặt thật của con người, đặc biệt là những người có tiền của nhằm bịt miệng những nạn nhân của họ. Gieo nhân nào gặt quả nấy, những kẻ thủ ác sẽ không bao giờ được yên thân.
Les Innocentes
Năm 2016, Pháp đã gây trình đến điện ảnh thế giới một bộ phim rúng động về nạn cưỡng hiếp, chiến tranh và sặc mùi tôn giáo. Tuy không thắng những giải thưởng lớn nhưng Les Innocentes nhận được đánh giá 7.3/10 trong hơn 6000 lượt bình chọn trên IMDb và 78 điểm từ Metascore.
Les Innocentes kể về việc một thực tập sinh trẻ của Hội chữ thập đỏ Pháp đến Ba Lan để trợ giúp những người nữ tu khổ hạnh nhưng mang thai do bị quân lính Xô viết cưỡng hiếp. Xuyên suốt phim là tình tiết giằng xé giữa đức tin và lẽ phải. Bổn phận của cô gái trẻ là báo cáo những vụ mang thai và sinh con của các nữ tu nhưng điều này sẽ dẫn đến việc tu viện bị đóng cửa và vị Sơ già phải bảo vệ điều đó.
Elle
Một lần nữa điện ảnh Pháp lại gây chấn động khi trình làng tác phẩm Elle và đem về cho Isabelle Huppert một đề cử Oscar cho Nữ chính xuất sắc nhất. Tuy không lấy lòng khán giả khi chỉ nhận được điểm số 7.2 trong hơn 47000 đánh giá trên IMDb nhưng chinh phục được giới phê bình với 89 điểm trên Metascore.
Đúng như cái tên, Elle tập trung vào người phụ nữ Michèle LeBlanc (Isabelle Huppert) với nhiều rắc rối trong cuộc sống như chồng và bản thân bà cũng ngoại tình, con trai nghề nghiệp chưa vững nhưng cặp kê với một cô gái đào mỏ, nhân viên ghét bỏ... đến nỗi vụ hiếp dâm ngay tại tư gia cũng không khiến bà nao núng. Tuy nhiên, với động thái mèo vờn chuột, khiêu khích quá đà từ hung thủ, bà quyết tâm vạch trần âm mưu của hắn. Khác với những nạn nhân trong danh sách này, bà là người duy nhất không khiếp sợ, không quy phục với kẻ biến thái ngay từ những phút giây đầu tiên. Phải chăng, khi một người phụ nữ đã đạt đến cảnh giới nào đó, bất cứ trò đời khốn nạn nào cũng không thể hạ gục họ?
Confirmation
Tuy chỉ là bộ phim do HBO sản xuất và được chiếu trên Tivi nhưng Confirmation vẫn thu hút sự chú ý của khán giả và nhận được 1 đề cử Quả cầu vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất do Kerry Washington thể hiện. Dựa trên sự kiện có thật, Confirmation xoay quanh vụ điều trần của thẩm phán Clarence Thomas về việc quấy rối tình dục cựu nhân viên Anita Hill cách đây 10 năm. Trước đó, vào năm 2013, phim tài liệu về vụ việc này cũng từng lên sóng nhưng không được đánh giá cao như phần phim này.
Dù là bất kỳ quốc gia nào, những người phụ nữ bị quấy rối tình dục luôn bị luật pháp bỏ quên. Chính vì thế, khi một vụ cưỡng bức xảy ra, đặc biệt là với những người phụ nữ da màu hay kẻ lạm dụng là quan chức cấp cao, không ai dám lên tiếng mà chỉ lẳng lặng, thu mình trước xã hội. Thế nhưng, nhân vật chính Anita Hill sau 10 năm im lặng chịu đựng, cô cuối cùng đã tố cáo cấp trên đã có hành động xấu xa ấy. Bên cạnh đó, phim cũng khai thác triệt để khía cạnh truyền thông có thể thổi bùng sự việc lên đến cỡ nào. Với thần thái đáng gờm cùng giọng nói đanh thép khi lập luận, Kerry Washington đã hoá thân xuất sắc thành nhân vật từ nạn nhân yếu đuối dám đối diện với tên yêu râu xanh đã hãm hại cô năm xưa.