Đây là một thời điểm “lấp lửng” để viết về Sherlock của đài BBC, không quá sớm, bởi series này đã đi qua ba mùa cùng hàng loạt giải thưởng danh giá cũng như sự ủng hộ của những người yêu môn nghệ thuật thứ bảy. Tuy nhiên, cũng chẳng phải quá muộn, bởi như diễn viên chính của phim, Benedict Cumberbatch đã khẳng định trong cuộc phỏng vấn với tờ Metro: “Chừng nào khán giả còn yêu mến, chừng đó tôi vẫn sẽ là Holmes”.
Kể từ khi ra đời lần đầu tiên vào năm 1887, Sherlock Holmes đã nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới nước Anh và trở thành một hiện tượng văn học toàn cầu. Nhân vật này nổi tiếng đến nỗi rất nhiều độc giả cùng người hâm mộ tin rằng Holmes không chỉ là người tồn tại trên những trang giấy mà còn là một vị thám tử lỗi lạc ngoài đời thật đang tung hoành để tìm lời giải cho những vụ án. Sở hữu một lượng fan cũng như cốt truyện đồ sộ là vậy, dể hiểu vì sao cái tên “Sherlock Holmes” luôn sở hữu một hấp lực chẳng thể chối từ cũng như là một nan đề khó giải đối với bất cứ nhà làm phim nào. Chuyển thể một tác phẩm từ tiểu thuyết đã khó, chuyển thể một tác phẩm có chiều sâu cũng như lượng người hâm mộ lớn như Holmes lại càng khó hơn bộ phần. Tuy vậy, series Sherlock của đài BBC với mùa đầu tiên phát sóng vào năm 2010 dường như đã phần nào giải quyết được cái nan đề ấy.
Là một hình tượng mà có lẽ nhiều khán giả đã in dấu trong tâm trí, phải thừa nhận rằng, các nhà làm phim Mark Gatiss và Steven Moffat rất dũng cảm khi cho ra đời một nhân vật Sherlock có những đổi mới nhất định so với hình ảnh nguyên gốc ban đầu. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa nguyên bản vị thám tử trong tác phẩm của Conan Doyle và hơi thở hiện đại của thế kỷ 21. Những tưởng, đây sẽ là một sự kết hợp cọc cạch, không hề ăn khớp nhưng với kịch bản thông minh cùng tài diễn xuất xuất thần của Benedict Cumberbatch, nhân vật Sherlock Holmes của đài BBC đã hiện lên một cách đầy gần gũi, quen thuộc nhưng vẫn có sự mới lạ cần thiết để lôi cuốn, câu kéo khán giả vào những cuộc phiêu lưu li kì, huyền ảo mà ở đó, bác sỹ Watson (Martin Freeman) luôn sát cánh bên Sherlock Holmes để tìm ra chân lý cuối cùng.
Nói đến thành công của phim,ngoài kịch bản li kì và thông minh của hai nhà biên kịch, chắc chắn chẳng thể nào không nhắc đến cái tên Benedict Cumberbatch. Nam diễn viên người Anh này dường như sinh ra để đóng những vai thiên tài và có lẽ, những vai diễn thiên tài cũng cần có anh để vụt sáng trên bầu trời điện ảnh. Được sinh ra trong một cái nôi nghệ thuật với cha mẹ là hai diễn viên gạo cội Timothy Carlton và Wanda Ventham, Benedict đã bén duyên rất sớm với sự nghiệp diễn xuất và tài năng của anh đã được công nhận ngay từ khi anh chỉ là một cậu bé đang học tiểu học. Tuy vậy, phải đến năm 2004, khi anh vào vai nhà vật lý lỗi lạc Stephen Hawking trong phim truyền hình Hawking thì tài năng diễn xuất của anh mới được khẳng định một cách rõ ràng nhất. Tiếp bước thành công ấy, năm 2010, anh lại tiếp tục hóa thân thành họa sĩ Van Gogh cùng với thám tử Sherlock Holmes và vụt sáng trở thành ngôi sao.
Cái ánh mắt khắc khoải, cô đơn, dáng vẻ cao gầy cùng chiếc áo khoác dài lịch lãm và giọng nói nhanh nhưng lại rõ ràng, dứt khoát đã khiến cho khán giả bị chinh phục bởi hình ảnh một chàng thám tử thiên tài, dị biệt nhưng lúc nào cũng khắc khoải sự đơn côi, mong ngóng có được một tâm hồn đồng cảm. Màn trình diễn này đã giúp cho Benedict có được nhiều giải thưởng danh giá như BAFTA, quả cầu vàng cũng như giải Emmy. Thêm vào đó, đạo diễn Steven Spielberg cũng đã không kìm được lời khen tặng khi cho rằng Benedict chính là Sherlock Holmes tuyệt vời nhất trên màn ảnh dẫu cho trước anh cũng đã có khá nhiều diễn viên tài năng hóa thân thành vị thám tử này.
Một điểm thành công nữa ở Sherlock đó chính là cái cách những nhà làm phim chơi với ống kính máy quay. Những góc quay rộng, chuyển cảnh nhanh và dứt khoát để tóm lượt được chi tiết nhất những cuộc rượt đuổi. Những khúc quay cận mặt với những khoảnh khắc được làm chậm lại để điều tiết mạch phim đồng thời soi rõ được những biểu cảm nội tâm của nhân vật. Ngoài ra, tông màu tăm tối cũng giúp cho Sherlock có được những hiệu ứng hình ảnh vô cùng ấn tượng khi thứ màu sắc úa tàn này đóng vai trò như một thứ ngôn ngữ biểu cảm khiến cho khán giả cứ lạc dần vào thế giới tăm tối, đầy tội ác của Sherlock Holmes.
Tuy vậy, điều tàn nhẫn nhất ở Sherlock lại chẳng hề nằm ở những vụ án man rợ mà lại nằm ở chính thời lượng của bộ phim. Chín tập phim với thời lượng 90 phút trong ba mùa là chẳng thể nào đủ đối với những ai đã trót say mê series này. Thật khó có thể tưởng tượng được điều kì diệu mà Mark Gatiss và Steven Moffat đã làm được trong series phim của mình khi bắt khán giả chờ mòn mỏi và hồi hộp, đắm đuối theo dõi đến từng giây phút cuối của từng tập phim. Đây là một điều vô cùng hiếm hoi mà một series phim truyền hình có thể làm được khi mà những sự lựa chọn giải trí ở thời điểm hiện tại trở nên phong phú và đa dạng đến không ngờ.
Đến cuối cùng, khi mọi vụ án đều đã tìm được lời giải, khán giả sẽ lại mong chờ được thấy một kẻ thù khác, một vụ án khác khó khăn hơn, tàn ác hơn để thỏa lòng chứng kiến vị thám tử tài danh Sherlock Holmes trổ tài. Thực tình, chắc hẳn ai cũng có mong muốn như vậy. Bởi, chỉ có như vậy thì Sherlock Holmes mới lại được là Sherlock Holmes.