Xuất hiện lần đầu tiên năm 1954 trong tác phẩm cùng tên của cố đạo diễn Honda Ishiro và xưởng phim Toho. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 28 bộ phim phiên bản Nhật về quái vật Godzilla được giới thiệu và thu hút hơn 100 triệu người xem tại Nhật Bản. Godzilla xứng đáng khoác lên mình danh xưng “Ông vua của những quái vật”. Trải qua nửa thế kỷ, danh xưng ấy chưa hề bị lung lay dù đã có hàng trăm phim quái vật khác ra đời.
Vào năm 2014, phiên bản Hollywood của Godzilla đã được ra mắt, nhanh chóng tạo nên hiện tượng toàn cầu. Quái vật Godzilla được nhiều người biết đến hơn sau khi phiên bản Hollywood được công chiếu, phim đã thu về hơn 500 triệu USD và được giới phê bình khen ngợi. Thành công của bộ phim đã khiến các nhà làm phim Nhật Bản nung nấu về một ý định reboot tương tự.
Cuối cùng, Shin Godzilla ra đời trong năm 2016 sau 12 năm kể từ Godzilla: Final Wars (2004). Quái vật Godzilla ở phiên bản lần này được ghi nhận là phiên bản khổng lồ nhất trong lịch sử các tập phim đã làm về Godzilla, với độ cao 118.5 mét. Ngay khi khởi chiếu tại Nhật, Shin Godzilla đã phá vỡ hàng loạt kỷ lục phòng vé. Tuần đầu tiên, phim đã thu về $6.1 triệu và hiện đang là tác phẩm ăn khách nhất từ trước tới nay về quái vật Godzilla.
Để chuẩn bị cho sự trở lại hoành tráng của Godzilla, hãng Toho mời về hai đạo diễn Anno Hideaki (Neon Genesis Evangelion) và Higuchi Shinji (Attack on Titan). So với các bộ phim Godzilla trước đây, Shin Godzilla có nhiều điểm mới lạ và khác biệt.
Ngay từ những phút đầu của bộ phim, khán giả hoàn toàn có thể cảm nhận thấy điều đó. Tuy thuộc thể loại quái vật, nhưng Shin Godzilla dành phần lớn thời lượng cho các cảnh quay bên trong văn phòng chính phủ, với rất nhiều buổi họp không đi tới đâu. Bộ đôi đạo diễn không dành nhiều thời gian để giới thiệu về Godzilla vốn đã quá quen thuộc, mà cho người xem theo dõi cách chính phủ xoay sở để giải quyết con quái thú. Nhịp phim nhanh, các cảnh quay được cắt liên tục, cùng với lời thoại mang đậm tính châm biếm khiến Shin Godzilla trở nên nổi bật. Trái ngược với điều đó, cái cách mà chính phủ Nhật Bản giải quyết sự việc lại chậm chạp và rề rà. Bộ phim đã khéo léo sử dụng hình ảnh của Godzilla để giả định cách chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan thảm họa, những sự cố cấp quốc gia.
Một số nhân vật trong phim gọi Godzilla là “sinh vật hoàn hảo”, “sinh vật tiến hóa nhất hành tinh” hay chữ “God” trong tên Godzilla có nghĩa là hiện thân của Chúa… Điều đó phần nào cho thấy quái vật Godzilla không hẳn là nhân vật phản diện trong câu chuyện. Những đòn chống phá của Godzilla không nhắm tới người dân, mà giống như hướng tới chính phủ Nhật Bản.
Nhưng sự liên tưởng chưa dừng lại ở đó. Nhiều người chưa thể nào quên sự kiện động đất và sóng thần Tohoku xảy ra ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và quốc gia bị thiệt hại nghiêm trọng về mọi mặt. Thảm họa còn dẫn đến vụ rò rỉ năng lượng hạt nhân ở nhà máy Fukushima mà cho đến nay Nhật Bản vẫn đang tìm cách khắc phục hậu quả.
Tác phẩm đồng thời ghi dấu sự kiện lần đầu tiên lực lượng vũ trang Nhật Bản phải ra trận sau Thế chiến thứ II, đối đầu với Godzilla. Khi không thể hoàn thành nhiệm vụ, chính phủ buộc phải để cho người Mỹ can thiệp. Những chi tiết liên quan tới quân đội trong phim cũng là chủ đề gây ra nhiều tranh cãi bên ngoài đời thực ở Nhật Bản trong suốt thời gian qua.
Shin Godzilla ra đời trong hoàn cảnh mà nước Nhật đã hoàn toàn khác so với thập niên 1950 khi Godzilla lần đầu ra mắt công chúng. Hơn nữa, đối tượng của dòng phim hiện cũng là những thế hệ khán giả mới. Tuy nhiên, bất cứ ai theo dõi Shin Godzilla cũng có thể thấy rõ những dấu ấn của sự kiện năm 2011 mà hai đạo diễn đã khéo léo cài cắm. Trong khi phiên bản gốc Godzilla là phép ẩn dụ dành cho sự tàn phá của vũ khí hạt nhân (cụ thể là sự kiện Hiroshima và Nagasaki), thì “vua quái vật” trong Shin Godzilla là kết quả của cả ba thảm họa: động đất, sóng thần và lò hạt nhân. Nói cách khác, cả bộ phim là lời giải thích đầy châm biếm về cách mà chính phủ Nhật Bản đã đối mặt và giải quyết thảm họa năm 2011.
Trải qua hàng chục tác phẩm, Godzilla vẫn là con quái vật khổng lồ xấu xí, nhưng Nhật Bản đã thay đổi theo thời gian. Bộ phim Shin Godzilla một mặt nói về vua quái vật, mặt khác lại là tác phẩm điện ảnh nói về Nhật Bản, về những biến chuyển mà quốc gia châu Á đã trải qua suốt hơn 60 năm qua. Thành công của Shin Godzilla là minh chứng cho thấy sức hút của “Ông vua của những quái vật” vẫn chưa hề giảm sút, đồng thời là lời cảnh báo cho tất cả về một thảm họa rất có khả năng xảy ra trong tương lai dành cho loài người.
Ngoài những thành công về mặt kịch bản bộ phim còn có sự góp mặt của dàn diễn viên hạng A như Hasegawa Hiroki, Takenouchi Yutaka và Ishihara Satomi cùng các gương mặt quen thuộc của điện ảnh – truyền hình Nhật Bản.
Trong phim Hiroki vào vai phó chánh văn phòng chính phủ Yaguchi Rando. Ở phần đầu phim, Yaguchi chính là người đã cho rằng những trận lũ lụt và sụp đổ một cách bí ẩn được gây ra bởi một sinh vật sống. Tuy nhiên, chính phủ đã bác bỏ ý kiến của Yaguchi và nhận định rằng những tai nạn này chỉ là thảm họa tự nhiên. Hiroki đã có một vai diễn xuất sắc khi thể hiện thành công nhân vật Yaguchi, nhân vật được khắc họa lên như một con người kiên cường và cũng rất quyết đoán, đại diện cho chính ý chí vươn lên chấp nhận đương đầu và vượt qua thử thách của người dân Nhật Bản trong suốt chiều dài lịch sử.
Còn với Satomi, cô thể hiện nhân vật Kayoko An Patasun – một cô gái chính trị gia thiên tài mang trong mình 2 dòng máu Mỹ - Nhật với ước mơ trở thành tổng thống Mỹ trước tuổi 40. Tuy nhiên nhân vật của Satomi thật sự không có quá nhiều đất diễn, có lẽ vì điểm đó nên fan sẽ chưa thật sự thấy được điểm khác biệt và nổi bật đến từ nhân vật mà Satomi đảm nhận so với các vai diễn trước đây. Nhưng nếu đã là fan của Satomi thì các bạn hãy cứ tự tin mà ra rạp vì mỗi lần xuất hiện Satomi đều cho người xem cảm thấy *bồi hồi* trước vẻ đẹp của cô.
Yutaka đã lột xác hoàn toàn khi vào vai một nhân viên chính phủ mẫu mực với diễn xuất điềm đạm. Thời gian đã bồi đắp nên một Yutaka mang nét đẹp thăng trầm, thay cho gương mặt lãng tử trước kia. Người đàn ông này đã đạt đến đỉnh cao của phong độ. Kora Kengo, Takahashi Issei, Koide Keisuke, Maeda Atsuki, … lần lượt xuất hiện và để lại ấn tượng “đẹp đến từng cm” nơi khán giả, nhưng tính cách chưa thật sự nổi bật. So với một I Am a Hero đậm chất Nhật, tinh thần Nhật Bản hiện hữu trong từng nhân vật dù có là nạn nhân của zombie hay người chạy nạn xuất hiện chớp nhoáng, thì Shin Godzilla có một tuyến nhân vật dày đấy, mà mỏng đấy. Cùng với lời thoạt quá nhiều, không khí họp bàn buồn tẻ, tiết tấu phim bị chùn ở nửa đầu và làm khán giả mất dần kiên nhẫn, nhưng phim cũng hấp dẫn và kịch tính hơn ở nửa cuối. Hình ảnh một chính phủ Nhật Bản “chiến đấu trên quan điểm bảo vệ an toàn tính mạng nhân dân là trên hết” thật sự gây xúc động. Họ có thể nhỏ bé trước trước một Godzilla to lớn, loay hoay không biết đối phó với thảm họa như thế nào, nhưng họ là đại diện cho những con người chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, họ chính là những anh hung của nhân dân Nhật Bản, chứ không phải bất cứ siêu nhân biết bay nào khác.
So với Godzilla phiên bản Hollywood, Shin Godzilla yếu hơn về mặt kỹ xảo, cũng bản thân nhân vật Godzilla chưa thật sự thuyết phục. Ở bản Mỹ, Godzilla đi tìm quả trứng và là một sinh vật cực kỳ thông minh, còn Godzilla của Nhật có thể sẽ “đánh đố” vai trò và động cơ của nó với khán giả. Nhưng thật sự Shin Godzilla là một phim rất đáng để các bạn ra rạp trong những ngày đầu năm cho dù bạn không phải là một fan của phim Nhật đi nữa. Nhất là khi Godzilla trải qua nhiều vòng tiến hóa, và cuối cùng nó thật sự xinh đẹp với ánh sáng máu tím phát ra từ các vây. Có thể các bạn sẽ cảm thấy khá chán với phần đầu bộ phim vì thoại quá nhiều nhưng hãy yên tâm là tình tiết và diễn biến của phim sẽ ngày càng nhanh, hấp dẫn và khiến người xem hồi hộp đợi chờ từng diễn biến tiếp theo của bộ phim.
Nguồn: Yu1 Gakky