Huyền thoại cũ, vũ trụ mới, Ultraman, người hùng khổng lồ lâu đời thuộc dòng phim Tokusatsu chính thức đi vào một nền vũ trụ điện ảnh rộng lớn
1. Sự phát triển mạnh mẽ của Ultraman
Được sáng tạo bởi cụ Tsuburaya Eiji, Ultraman (Cự nhân Ánh Sáng hay Siêu nhân Điện quang) là một siêu anh hùng ngoại tinh của loạt phim Ultra Series thuộc loạt phim Tokusatsu của Nhật Bản, được công ty Tsuburaya Productions sản xuất. Sự ra đời của Ultraman cũng như Godzilla đã đánh dấu sự phát triển cho nhiều dòng phim siêu anh hùng và quái vật khổng lồ khác thuộc xứ sở mặt trời mọc
Series Ultraman đầu tiên được ra mắt vào năm 1966, kéo dài với 39 tập phim. Sau thành công của series Ultraman đầu tiên khi được nhiều khán giả đón nhận, cụ Eiji lại tiếp tục sáng tạo thêm một bộ phim kyodai hero (dòng phim người hùng khổng lồ) nữa với tên gọi Ultraseven nằm trong dự án Ultra Series mà hãng đang phát triển. Cả Ultraman 1966 và Ultraseven 1967 ban đầu vốn là hai bộ phim mang cốt truyện độc lập, không liên hệ gì với nhau dù tạo hình thiết kế của các Ultraman thuộc hai series này có nhiều điểm tương đồng. Nhưng đến giai đoạn 1969-1971, hai nhân vật Ultraman và Ultraseven đã có màn crossover trong một khung hình khiến cho đông đảo người hâm mộ bấy giờ vô cùng háo hức khi chứng kiến hai người hùng hợp lực với nhau để tiêu diệt Kaiju. Sự kiện lúc đó đã củng cố quyết định xây dựng một hệ thống vũ trụ siêu anh hùng của Tsuburaya khi đưa Ultra Series tập trung vào một Ultraman mới trong mỗi series Ultraman.
Quyết định xây dựng một hệ thống vũ trụ này từ Tsuburaya đã truyền cảm hứng cho nhiều hãng phim khác phải học hỏi theo. Cụ thể bao gồm thương hiệu Kamen Rider và Super Sentai đình đám của Toei Company để tạo thêm nhiều sự chú ý từ những khán giả trẻ tuổi cũng như giúp hãng kinh doanh được nhiều mặt hàng, sản phẩm đồ chơi ăn theo các bộ phim. Từ những nguồn lợi nhuận đó, các công ty có thể tạo ra nhiều nguồn vốn để sản xuất thêm nhiều phim truyền hình, điện ảnh về sau.
Trong suốt thời kỳ Showa, từ những năm 1966 - 1987, thương hiệu Ultraman đã thu về hơn $7 tỷ lợi nhuận từ những mặt hàng phụ phẩm ăn theo phim tính từ series Ultraman đầu tiên cho đến series Ultraman Ace, Ultraman Taro, Ultraman Leo,... Điều đó đã giúp cho Ultraman trở thành thương hiệu nhân vật Nhật Bản ăn khách thứ 3 thế giới trong thập niên 80.
Tsuburaya không hề có ý định kết thúc chuỗi thương hiệu Ultraman trong thời Showa. Đến thời Heisei, giới trẻ 9x đến gen Z trở nên phấn khích hơn khi nhìn thấy hãng phim tiếp tục ra mắt những bộ phim Ultraman nổi bật nhất thời kỳ này bao gồm Ultraman Tiga, Ultraman Dyna, Ultraman Gaia… cùng với Ultraman Z, Ultraman Trigger và Ultraman Decker trong thời đại Reiwa hiện nay.
Không dừng lại tại khung hình nhỏ, Tsuburaya Productions cùng Toho thực hiện một bước đi mạnh mẽ. Đưa Ultraman lên màn ảnh mới và trở thành siêu anh hùng của Vũ trụ “Shin”. Một vũ trụ siêu anh hùng mới với các vệ binh nổi tiếng được khai sinh.
2. Shin Japan Heroes Universe
Vào giữa đầu tháng 2 năm nay, studio Khara, Toho, Toei và Tsuburaya chính thức khởi động cái mà họ gọi là “Shin Japan Heroes Universe” (Vũ trụ Anh hùng Nhật Bản Mới) dựa trên các huyền thoại mà mỗi công ty có sẵn và tập trung xoay quanh Shin Godzilla (2016), Shin Evangelion (2021), Shin Ultraman (2022) và Shin Kamen Rider (2023).
Toho là nơi tạo ra Godzilla và nhiều Kaiju có tiếng, Toei là công ty sở hữu Kamen Rider (Giả Diện Kỵ Sĩ), Tsuburaya như có đề cập ở phần trên chính là ngôi nhà của Ultraman và Khara là hãng phim được thành lập bởi Anno Hideaki, tác giả Neon Genesis Evangelion. Vào năm 2016, Toho đã ra mắt bộ phim Shin Godzilla do Anno Hideaki làm đạo diễn và là nhà sáng tạo Evangelion: 3.0+1.0 Thrice Upon a Time hay với tên gọi Neon Genesis Evangelion (2021) cho Khara và Netflix. Đồng thời ông cũng là người viết kịch bản kiêm nhà nhà sản xuất bộ phim Shin Ultraman ra mắt năm nay và Shin Kamen Rider phát hành năm sau.
Vũ trụ Shin được cho là một vũ trụ mới của những huyền thoại và sẽ được làm mới hoàn toàn về phong cách cũng như nội dung. Shin Ultraman đang là dự án thứ 3 của vũ trụ Shin, tuy mang phong cách mới mẻ nhưng có nhiều yếu tố tri ân đến những di sản truyền đời của thương hiệu.
3. Shin Ultraman, huyền thoại trong một vũ trụ mới
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm loạt phim Ultraman và tiếp nối sự thành công của Shin Godzilla (2016), Tsuburaya Productions cùng hãng phim Toho đã hợp tác sản xuất dự án điện ảnh Shin Ultraman dưới sự chỉ đạo của cặp đôi biên kịch, đạo diễn Anno Hideaki và Higuchi Shinji với mong muốn mang lại cho người xem ở thời đại mới những tầm nhìn, ý tưởng nguyên mẫu nhất về Ultraman của cụ Tsuburaya Eiji. Shin Ultraman là một lời tri ân đầy ý nghĩa cho những con người đã khai sinh ra dòng phim Tokusatsu từ thế kỷ trước.
Nội dung kể về Trái Đất giai đoạn sau cuộc xâm lược của một số sinh vật khổng lồ được gọi là chủng loài S-Class, Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập Nghị định trấn áp các loài thuộc S-Class để loại bỏ các mối đe dọa tai ương này. Ngay sau đó, SSSP giải quyết cuộc tấn công của quái vật Neronga, khi đó một Ultraman xuất hiện và đánh bại con quái vật để cứu nhân loại. Tuy nhiên anh ta đã vô tình giết một thành viên của SSSP là Shinji Kaminaga. Sau đó, anh ta biến thành Shinji và để lại cơ thể thật của Shinji trong một khu rừng. Ultraman trong hình dạng Shinji sau đó đã kết bạn với nhà phân tích Hiroko Asami của SSSP, nhưng cô ấy không biết về số phận của Shinji bản thể thật.
Quái vật Gabora xuất hiện ở vùng nông thôn Nhật Bản, tấn công một nhà máy điện hạt nhân. Để ngăn chặn thảm họa phóng xạ do con quái vật gây ra, Ultraman giết nó và bay đi cùng với xác phóng xạ của nó. Ngay sau đó, Alien Zarab lộ diện và tuyên bố chính phủ đã ký hợp đồng hòa bình với anh ta nhưng SSSP phát hiện ra rằng hắn ta đang tìm cách thống trị Trái đất. Zarab bắt cóc Shinji và mạo danh Ultraman để phá hoại danh tiếng của Ultraman. Video về những sự kiện này được công khai trên các phương tiện truyền thông và tiết lộ danh tính bí mật của Shinji.
Shinji (Ultraman) dẫn cô đến khám phá sự thật về số phận thực sự của Shinji. Asami giải thoát Shinji khỏi Zarab nhưng bị Zarab bắt giữ. Shinji biến thành Ultraman cứu Asami và vạch trần lớp ngụy trang của Zarab sau đó tiêu diệt người ngoài hành tinh bằng "Ultra Slash".
Shinji bị coi là tội phạm bị truy nã toàn cầu. Asami được Alien Mefilas biến thành người khổng lồ để cho nhân loại thấy rằng họ có thể trở nên khổng lồ như Ultraman. Mefilas biến cô ấy trở lại kích thước ban đầu để thể hiện đức tin tốt và giới thiệu cho nhân loại một vật thể có chức năng như Beta Capsule. Mefilas gặp Ultraman để thảo luận về sự cộng sinh nhưng sau này từ chối sau khi biết rằng cỗ máy của Mefilas có thể thay đổi DNA của nhân loại và biến họ thành quái vật. Chính bản thân Ultraman phải ra sức ngăn chặn những cuộc hiểm họa này.
4. Shin Ultraman, di sản trị giá 55 năm cùng niềm tri ân bất diệt
Ultraman mang một thiết kế đầy tính tri ân cho ba con người: Cố đạo diễn Tsuburaya Eiji - cha đẻ của dòng phim Tokusatsu, cố họa sĩ Tohl Narita - cha đẻ của Ultraman, Ultraseven và tất cả phi cơ, quái vật từ hai series này và cựu diễn viên đóng Bin Furuya, người vào năm 1966 đã giúp thổi hồn vào nhân vật Ultraman.
Trước khi làm việc với Tsuburaya Productions, Bin Furuya là một diễn viên không mấy tiếng tăm trong Toho Studios. Khi Tsuburaya Eiji quyết định tham gia trào lưu chương trình truyền hình (TV đang bắt đầu thịnh hành lúc bấy giờ), ông muốn chọn diễn viên đóng suit cho các nhân vật từ Ultra Q như Kemur và Ragon là một người “Phải cao, phải gầy, tứ chi phải dài”; người đạt đủ tất cả tiêu chuẩn đó chính là Bin Furuya, nhưng ban đầu ông từ chối vì chưa có kinh nghiệm đóng "suit" cũng như việc ông cảm thấy tiêu chí lựa chọn diễn viên có phần công kích cá nhân.
Sau khi bị cấp trên trong Toho ép phải đóng hai vai Ultra Q, Bin Furuya nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của cố họa sĩ Tohl Narita trong lúc ông đang lên ý tưởng thiết kế Ultraman. Ông Narita nói rằng “Chỉ có anh Furuya mới đóng được thôi!” và thế là dù không muốn cũng phải làm, không ứng tuyển cũng trúng tuyển, Bin Furuya mang lên mình bộ phục trang Ultraman và đi vào lịch sử.
Thiết kế ban đầu của ông Tohl Narita và ý tưởng của ông Tsuburaya Eiji lúc bấy giờ không có Color Timer trên ngực Ultraman mà thay vào đó sẽ là đèn ẩn báo chớp đỏ bên trong lồng ngực để mô phỏng trái tim, tuy nhiên công nghệ kỹ thuật thời bấy giờ không cho phép làm điều đó, và thế là Color Timer ra đời, trở thành một phần không thể thiếu cho thế hệ Ultra về sau.
Tất cả mọi thứ trong cử chỉ, lối đánh cho tới chiêu thức và thậm chí là đòn tất sát Spacium Kousen của Ultraman hoàn toàn do bác Bin Furuya nghĩ ra, lấy từ nhiều cảm hứng khác nhau và sáng tạo thành phong cách riêng cho mình lẫn cho Ultraman. Một điểm thú vị là tiền bối của ông, Nakajima Haruo - huyền thoại từng vào vai Godzilla thời ấy cũng bị cố đạo diễn Tsuburaya Eiji bắt phải tự tìm ra cách đóng quái thú này mà không có gợi ý.
Vì vậy, thiết kế của Shin Ultraman tri ân series truyền hình của 1966 một cách tràn đầy tình cảm và sự kính trọng. Đáp ứng yêu cầu “Phải cao, phải gầy, tứ chi phải dài” của cố đạo diễn Tsuburaya Eiji. Thậm chí xưởng phim đã trực tiếp liên hệ Bin Furuya để có thể 3D scan cơ thể của ông. Shin Ultraman đã đáp ứng được nguyện vọng không Color Timer từ Cố họa sĩ Tohl Narita. Mô phỏng chất liệu như suit năm xưa, ngoài ra những bạn tinh mắt đã từ lâu để ý thấy Shin Ultraman có khuôn mặt của C-Type, cơ thể của A-Type và đôi chân, giày của B-type.
5. Dự đoán và mong muốn của người hâm mộ
Vào ngày Tsuburaya Productions công bố dự án Shin Ultraman, cộng đồng người hâm mộ đã từng lo ngại Shin Ultraman sẽ mang nội dung trưởng thành và có phần u ám, tăm tối như tiền bối Shin Godzilla, nhưng trái ngược lại, bộ phim mang đậm tính chất của “Ultraman” xuyên suốt chặng đường 55 năm của dòng phim. Shin Ultraman nhẹ nhàng, giải trí, vừa hoài niệm vừa mới mẻ, không đơn thuần là một bộ phim về đề tài thảm họa mà còn giữ được tinh thần thể loại phim kyodai hero đã tồn tại hơn nửa thế kỷ.
Có thể nói rằng dòng phim Tokusatsu từ rất lâu không còn phù hợp với các khán giả trẻ tuổi vì độ u ám của nó, ngoại trừ những thương hiệu Kamen Rider và Super Sentai từ thời kỳ Neo Heisei đến nay đã mang đến sự cân bằng trở lại, bản thân Shin Ultraman cũng như thế.
Chỉ xét về khía cạnh nội dung và hình ảnh, nội dung và kỹ xảo của Shin Ultraman được xây dựng dựa trên Ultraman của 55 năm về trước nhưng được cách tân và đổi mới theo lòng tự trọng của thế hệ làm phim hiện tại. Shin Ultraman thay thế kỹ xảo mô hình bằng CGI, thay thế người đóng phục trang bằng motion capture, tuy nhiên khán giả vẫn cảm nhận được tình yêu thương nguyên tác bản đời đầu trong mọi thiết kế và hướng đi của phim trong một phiên bản điện ảnh mà Ultraman có đồ họa, kỹ xảo hiện đại cùng với lối đánh cơ động hơn ở Cự Nhân Ánh Sáng.
Một thông tin thú vị đi kèm, cũng như trong một tư liệu của đài NHK từng phát sóng, nhân viên của Tsuburaya Productions khẳng định rằng Cố đạo diễn Tsuburaya Eiji là một con người rất cầu tiến, luôn tìm hiểu và thử nghiệm kỹ thuật mới ngay khi có cơ hội, và nếu cụ vẫn còn ở đây, vào thời đại này, chắc chắn Tsuburaya Eiji sẽ không ngần ngại nhúng tay vào 3DCG cho phù hợp với khán giả thời nay.
Shin Ultraman sẽ bắt đầu với logo của Shin Godzilla (2016) và biến đổi thành logo của Shin Ultraman. Trong phim có một chi tiết kể về một quái vật khổng lồ bị đóng băng giữa thành phố đang được chuyển đến Bắc Cực. Bên cạnh đó, Shin Ultraman còn nhắc đến một người nhện bí ẩn đã xuất hiện trong teaser trailer của Shin Kamen Rider.
Shin Ultraman công chiếu tại rạp ngày 30.09.2022.