Tin điện ảnh

[PHÂN TÍCH] Sicario - Thiện Ác nhập nhằng và ấn tượng khó phai

Trước khi ra rạp thưởng thức phần 2 của Sicario mang tên Day of Soldado, mời các bạn nhìn lại một số điểm khiến phần 1 của thương hiệu xoay quanh đề tài cuộc chiến chống ma túy này trở nên hấp dẫn và được người xem đánh giá cao.

Một câu hỏi luôn có những câu trả lời thay đổi theo thời gian: điều gì phân định thiện và ác? Trong bộ phim Sicario (2015) của Denis Villeneuve câu trả lời là: không có gì cả.

Trong khi chờ đợi phần tiếp theo của loạt phim tội phạm Sicario  (nghĩa là “Sát thủ” trong tiếng Tây Ban Nha), chúng ta hãy cũng ngược dòng thời gian để chiêm nghiệm lại một trong những phim về tội phạm ma túy hay nhất từng được sản xuất, ra mắt vào 3 năm trước.

Sicario lấy bối cảnh cuộc chiến chống ma túy khốc liệt tại Mexico, hàng loạt các nghi vấn về đạo đức, chính trị và những xung đột xã hội ngấm ngầm của vùng Mexico kéo dài nhiều thập kỷ được phơi bày. Emily Blunt trong vai điều tra viên FBI Kate Macer tham gia vào chiến dịch truy bắt các tổ chức buôn bán ma túy. Sicario chẳng những đem đến những phút giây nghẹt thở cho người xem mà còn thành công trong việc làm chúng ta rối trí trong phân biệt đâu là điều đúng điều sai, thiện ác trên đời.

Phim tràn ngập những cảnh giết người tàn bạo, những trận đấu súng nghẹt thở và qua bàn tay lão luyện của đạo diễn Denis Villeneuve, Sicario càng trở nên đen tối, nặng nề, khủng khiếp hơn. Một nữ nhân viên FBI còn "non" kinh nghiệm nhưng không thiếu bản lĩnh, một gã sát thủ lạnh lùng đầy thù hận, một điệp viên ngông nghênh bất cần đời, sẵn sàng sử dụng thủ đoạn để đạt được mục đích. Cả ba nhân vật cùng nhau tạo nên một trong những tác phẩm xuất sắc nhất ở thể loại phim hình sự.

Emily Blunt vào vai Điều tra viên FBI Kate Macer

Sicario đặt ra cho chúng ta nghi vấn: cứu cánh có thể biện minh cho phương tiện? Cứu cánh là một thuật ngữ Phật học để chỉ “Cứu cánh Niết Bàn” hay kết quả/mục đích tối hậu sau cùng. Phương tiện là cách thức tiến hành nhằm đạt được mục đích sau cùng đó. Họ làm mọi việc để che giấu các hành vi phạm pháp, vi phạm đạo đức để bắt bọn tội phạm. Vậy việc bất chấp phương cách gì miễn đạt được mục đích tối hậu (dù là vô cùng tốt đẹp) có thể biện minh hay tha thứ được chăng? Đây là một nan đề triết học nghiêm túc, nếu phân tích thấu đáo thì phải vô cùng kỳ công.

Bị buộc phải vượt qua các lằn ranh pháp luật khiến Macer giằng xé giữa việc tuân thủ các quy định pháp lý để rồi bất lực trước những hành vi tội ác tàn bạo, hay phải lựa chọn xé bỏ những luật lệ và đôi khi cả những tiêu chuẩn đạo đức để có thể tiêu diệt tội phạm. Giữa nỗi bất lực do tình trạng mục nát của hệ thống chính quyền và sự cấu kết của các băng nhóm tội phạm thì liệu việc thực hiện những hành động vi phạm đạo đức lẫn luật pháp để chống lại cái ác có thể biện minh được chăng? 

Josh Brolin với vai Điệp viên CIA Matt Graver

Một căn nhà chứa đầy xác nạn nhân và sự bất lực trong việc dùng các phương cách hợp pháp để bắt những tên cầm đầu băng nhóm, đã làm thay đổi sâu sắc một điều tra viên từng rất nghiêm khắc trong việc tuân theo các quy định. Khi làm việc cùng Alejandro (Benicio Del Toro) và Mattt Graver (Josh Brolin) Macer lại càng bị ép phải đối đầu với chính quan điểm đạo đức bản thân. “Cô sẽ nghi ngờ mọi thứ cô làm nhưng cuối cùng cô rồi sẽ hiểu vì sao phải làm vậy”, Alejandro nói với Macer.

Xuyên suốt chiến dịch, cô buộc phải chứng kiến nhiều việc cô từng phản đối, bắt đầu từ tra tấn trái phép tên Guillermo... Những việc bất hợp pháp thế này đều làm tổn thương lòng tự trọng của cô tuy nó giúp đem đến được các thông tin cần thiết để bắt giữ bọn trùm buôn ma túy. Hết lần này đến lần khác, bị đẩy từ vi phạm những luật lệ nhỏ nhặt nhất đến nghiêm trọng nhất, cô càng ngày càng chới với, mất hết sự kiên định vào chọn lựa của bản thân dù phải tự thuyết phục mình rằng điều đó là việc cần thiết phải làm.

Nhân vật sát thủ lạnh lùng Alejandro do Benicio Del Toro thủ vai

Giữa một thế giới hỗn loạn nơi lằn ranh giữa tốt-xấu đúng-sai nhập nhằng không tách bạch đen trắng, ta sẽ làm gì? Alejandro mang trong mình mối hận thù với các băng nhóm, dùng việc trả thù để biện minh cho các hành động bản thân. Còn nhân vật Graver thì cho rằng để đối đầu với cái ác không cần phải nhân từ, bất chấp luật lệ miễn là thành công. Ta cảm nhận được sự mâu thuẫn cho đến khi toàn bộ hệ giá trị mà bản thân Macer từng tin tưởng bị vỡ vụn.

Thế nhưng, đắng cay là đến cuối cùng người xem bị bỏ lại với câu hỏi: liệu tất cả những điều họ làm có đáng hay không?

Khi trận chiến kết thúc, Alejandro tiến vào ngôi nhà Fausto giết cả nhà hắn để trả thù cho vợ con. Bình yên rồi ư? Không, Alejandro vẫn không cảm nhận được điều đó. Trả thù là động lực giúp hắn tồn tại nay hắn chẳng còn lại gì. Grave quay lại cuộc chiến với các băng nhóm mới nổi lên thay thế tên trùm và băng nhóm cũ sa cơ. Hắn đã thắng một trận chiến nhỏ nhưng cuộc chiến lớn hơn vẫn còn mù mịt.

Macer dưới sức ép của nòng súng đang chìa ngay cổ, buộc mình phải bỏ đi chút đạo đức còn lại để ký vào biên bản hợp thức quá các việc làm phi pháp của cả nhóm. Alejandro trước khi ra đi có để lại cho cô một câu nói: “Cô nên rời khỏi nơi này, hãy đến nơi nào đó vẫn còn pháp luật tồn tại. Cô không thể sống ở đây, cô không phải là một con sói”.

Phim hạ màn với một phân cảnh vô cùng đắt giá, những tiếng súng lại vang lên nơi xa xa với cái quay đầu thoáng chốc của người lớn và các cô cậu bé nơi sân bóng. Họ đã quen và chấp nhận, không có gì thay đổi ở nơi này. Vùng đất này vẫn thế, đầy rẫy chết chóc, tội ác và sự câm nín bất lực của các cư dân.

Cuối cùng thì việc họ làm là đúng hay sai, nên hay không? Có lẽ chính họ cũng không biết.

Sang phần 2, câu chuyện sẽ tiếp diễn thế nào? Vẫn sẽ là câu chuyện mập mờ về tốt xấu, đúng sai? Hay còn yếu tố mới mẻ nào khác. Hẳn phải đợi khi phim công chiếu, người ta mới có câu trả lời cuối cùng. 

Sicario 2: Day of the Soldado sẽ ra rạp tại Việt Nam vào ngày 6.07.2018.