Với nhiều tình tiết hài hước đậm chất manga, bộ phim Lupin the Third hướng đến đối tượng những người yêu thích văn hóa xứ sở mặt trời mọc hơn là khán giả đại chúng.
Năm 2014 đánh dấu sự xuất hiện của nhiều tựa phim Nhật Bản hoặc có nguồn gốc từ xứ sở mặt trời mọc Godzilla, Edge of Tomorrow, hay sắp tới đây là hai tập phim Rurouni Kenshin. Năm trong xu hướng này là bộ phim Lupin the Third, dựa trên loạt manga của tác giả Monkey Punch từng lần đầu xuất hiện từ thập niên 1960.
Lupin đệ tam (Shun Oguri) là cháu ruột của huyền thoại đạo chích Arsène Lupin và bản thân anh cũng là một tay trộm xuất sắc. Trong bộ phim chuyển thể, nhiệm vụ dành cho anh là giành lại món bảo vật "Trái tim đỏ của Cleopartra" của người chú quá cố, vốn đang nằm trong tay gã đạo chích Michael Lee (Ngôn Thừa Húc) người Hoa. Để thành công, Lupin cần phải tập hợp được một nhóm cao thủ để hỗ trợ, bao gồm tay súng thần sầu Jigen, cô nàng quyến rũ nhưng khó lường Fujiko Mine, tay kiếm sĩ Goemon đệ thập tam và một hacker người Hàn trẻ tuổi.
Khi Hollywood chuyển thể truyện tranh lên màn bạc, các nhà làm phim thường thay đổi nhiều tình tiết để tác phẩm mang chất điện ảnh. Nhưng người Nhật thì ngược lại, họ thích đem gần như từng chi tiết trên các trang manga lên màn ảnh rộng, bất chấp việc nó có "lố bịch" hay phản logic hay không. Nhiều chi tiết hoang đường nhưng độc đáo của Lupin the Third được tái hiện trên phim như khả năng thiện xạ không tưởng của Jigen, thanh kiếm có thể "chém sắt như chém bùn" của Goemon, hoặc việc Lupin luôn tin tưởng và xem Fujiko là người phụ nữ tuyệt vời nhất mặc dù bị cô ta lừa hết lần này đến lần khác.
Bản thân bộ vest với tông màu đỏ-đen-vàng "độc quyền" của Lupin đệ tam trong phiên bản anime cũng được diễn viên Shun Oguri ăn vận từ đầu đến cuối phim. Kể cả khi đi ăn trộm thì chàng cũng phải trông thật bảnh bao. Điều này khá thú vị khi các nhân vật trong truyện tranh thường chỉ mặc duy nhất một bộ đồ trong suốt chuyến hành trình của họ.
Mảng hành động và âm nhạc của Lupin the Third là một sự kết hợp hài hòa, thể hiện đúng tinh thần làm phim điện ảnh của người Nhật. Không như phim Mỹ thích lồng ghép những bản nhạc hoành tráng vào từng cảnh hành động để tăng tính máu lửa, thì phim Nhật như Lupin the Third lại chỉ lồng nhạc nền của nhân vật chính. Ở hầu hết những phân cảnh mà Lupin tháo chạy trong bộ vest sặc sỡ, hay khi anh tìm cách len lỏi qua lưới laser của hệ thống an ninh, khi trận chiến giáp lá cà bắt đầu, bản nhạc nền quen thuộc và có phần "nhí nhảnh" lại nổi lên, như xoa dịu đi bầu không khí căng thẳng của bộ phim. Những cảnh đánh nhau cũng mang phong cách dí dỏm, chứ không nghiêm trọng như các tác phẩm hành động thông thường.
Trong Lupin the Third, khán giả Việt được tái ngộ những nhân vật "tuy quen mà rất lạ". Tên tuổi của Shun Oguri từng gắn liền với nhiều tựa phim làm theo manga như Detective Conan, Great Teacher Onizuka, Crows Zero... nên công việc hóa thân thành Lupin đệ tam không quá khó khăn đối với anh. Tài tử Ngôn Thừa Húc của nhóm Fe thì từng "đốn tim" nhiều thiếu nữ Việt Nam trong quá khứ. Tuy nhiên, anh lại gặp khó khăn khi thủ vai Michael Lee, nhất là trong việc phát triển tính cách nhân vật.
Meisa Kuroki trong vai Fujiko và Go Ayano trong vai Goemon đệ thập tam cũng đều xuất phát từ Crows Zero. Diễn viên thủ vai viên thanh tra nóng tính Zenigata là Tadanobu Asano, người đã quá quen mặt qua hai tập phim về siêu anh hùng Thor hay 47 Ronin. Cuối cùng là Tetsuji Tamayama, chàng "trai già" này là một gương mặt quen đối với thế hệ 8x - 9x tại Việt Nam qua vai diễn Gao Silver trong loạt phim Siêu nhân Gao.
Bám sát nguyên tác cũng là con dao hai lưỡi đối với Lupin the Third. Bởi điều đó khiến khán giả đại chúng vốn không quen thuộc với manga nói chung hay Lupin the Third nói riêng sẽ cảm thấy bộ phim tương đối khó xem. Ngoài ra, phim có quá nhiều lời thoại và một vài phân đoạn không thực sự cần thiết đối với mạch truyện chính. Một điểm trừ khác là ứng xử giữa các nhân vật bị làm quá, khiến bộ phim trở nên khá "kịch".