Bấm máy khác ngày, ra mắt cũng khác ngày, nhưng ngạc nhiên là trước hôm công chiếu chính thức Song Lang, Chàng Vợ Của Em quyết định chiếu sớm. Dù vô tình hay hữu ý, đây quả là bước đi táo bạo và mang tính cạnh tranh của Chàng Vợ. Khán giả nếu đã quá thất vọng với nhiều phim Việt trước đây, hẳn sẽ lại tặc lưỡi cho rằng “Mặc kệ, phim Việt mà, chắc cũng chẳng ra gì.”
Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, cả 2 đều chất lượng, ai xem xong cũng sẽ thốt lên rằng “Đây là phim Việt chỉn chu nhất từ đầu năm đến giờ”. Vậy thì trong “võ đài” đối đầu nhau thế này, Song Lang có gì và Chàng Vợ Của Em có gì để xứng đáng giành phần thắng trong lòng khán giả?
Ngay từ khi công bố nội dung chính và poster phim, khán giả đã có thể dễ dàng nhìn ra điểm khác biệt giữa Chàng Vợ Của Em và Song Lang.
Chàng Vợ Của Em lấy bối cảnh hiện đại, xoay quanh nhân vật chính là Mai (Phương Anh Đào), người phụ nữ thành đạt nhưng thiếu vắng bóng dáng gia đình sau lưng. Cô vô tình gặp Hùng (Thái Hòa), người sau này sẽ nguyện vì cô mà trở thành “hậu phương” vững chắc.
Ngược lại, với phong cách cổ điển và lấy dòng thời gian những năm Sài Gòn ở thế kỷ trước, Song Lang của đạo diễn Leon Quang Lê với tinh thần kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương Việt Nam, đã tái hiện lại thời kỳ huy hoàng của môn nghệ thuật từng vang vọng giai điệu khắp hang cùng ngõ hẻm miền Nam Bộ. Bên cạnh đó, phim còn khắc họa số phận và mối quan hệ không tên giữa Dũng (Liên Bỉnh Phát) và Linh Phụng (Isaac), 2 người có xuất thân và con đường khác nhau, nhưng vô tình gặp nhau giữa gánh hát cải lương Thiên Lý.
Chọn ngày chiếu sớm cùng thời điểm với màn ra mắt của Song Lang, Chàng Vợ Của Em quả có động thái cạnh tranh rõ ràng. “Bắn phát súng” đầu tiên, Chàng Vợ Của Em với nét hài hước, dễ thương và sự đầu tư chỉn chu trong nội dung, diễn xuất và phát triển tâm lý nhân vật đã ngay lập tức giành được sự ủng hộ của khán giả. Được sự hỗ trợ từ biên kịch người gốc Hàn Quốc Kim Hwisung James, dưới bàn tay của đạo diễn/biên kịch Charlie Nguyễn, Chàng Vợ Của Em vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết tình cảm của Anh Busy Woman Seeks Wife, đã trở nên rất Việt Nam, gần gũi, đời thường mà mỗi khán giả đều có thể kết nối được. Không giống nhiều phim giải trí ăn liền trước đây, quá xa lạ, quá màu mè, quá hào nhoáng, khiến khán giả cảm thấy như thế giới trong phim không có gì giống thế giới mà họ đang sống thường ngày.
Những tưởng Song Lang đã lâm vào ca khó. Thế nhưng, sau hôm ra mắt, Song Lang đã có câu “đáp trả” đối với Chàng Vợ Của Em khi được khen ngợi nức nở về mặt nghệ thuật, đặc biệt là làm người xem xuýt xoa với bối cảnh được đầu tư đến từng chi tiết nhỏ.
Sau khi Cô Ba Sài Gòn “lừa tình” chỉ với 1/3 phim là có bối cảnh Sài Gòn thập niên 60, sang đến Song Lang, khán giả thấp thỏm hi vọng bộ phim thực sự là một phim nói về Cải Lương ở thế kỷ trước, chứ không phải dạng “treo đầu dê bán thịt chó”, chèn thêm yếu tố “xuyên không” gượng ép.
Và quả thật, người xem đã không phải thất vọng khi Song Lang thậm chí còn vượt xa cả mong đợi. Với kịch bản gốc do đạo diễn Leon Quang Lê và nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút, Song Lang với nội dung đơn giản nhưng có chiều sâu, không quá hoa hòe hoa sói, mà đẹp và buồn đến nao lòng trong từng khung hình, ánh sáng. Dù vô tình hay hữu ý, thì khả năng cao là kinh nghiệm và sở thích nhiếp ảnh của Leon Quang Lê đã giúp anh có được những thước phim đậm chất nghệ thuật điện ảnh trong Song Lang.
Theo phản ứng từ truyền thông sau khi phim ra mắt, Song Lang có màu phim rất đẹp và cổ điển, ngang ngửa Mùi Đu Đủ Xanh của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng, bộ phim nói tiếng Việt đầu tiên được đề cử giải Oscar danh giá ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.
Điều thú vị là cả Song Lang và Chàng Vợ Của Em đều đã có cố gắng tối giản kịch bản nhất có thể. Cả 2 mang câu chuyện đời thường lên phim, vì thế mà khán giả có thể dễ dàng đồng cảm với nhân vật hay nhìn thấy bản thân mình trong Mai, Hùng hay Dũng, Phụng.
Chàng Vợ Của Em lấy xã hội hiện đại làm trọng tâm thể hiện, khi vai trò của người phụ nữ và người đàn ông không còn là kẻ “nay mai sa trường”, kẻ “ngồi nhà đau đáu chờ bóng phu quân”, nhưng cho dù vai trò có đổi đi đổi lại bao nhiêu lần đi chăng nữa, cái cốt yếu còn lại và quan trọng nhất vẫn là gia đình.
Song Lang thì lấy ký ức một Sài Gòn xưa cũ với môn nghệ thuật Cải Lương đang dần mai một làm trung tâm, ở đó có một mối tình thầm lặng đau đáu không tên, không dám nói của hai người xuất thân khác biệt. Song Lang đã làm sống lại những giai điệu tưởng chừng như đã chết và dường như đang hấp hối giữa Sài Gòn ngày nay, mang khán giả trở về với thập niên 60, 70, đồng thời cho khán giả trẻ thấy, năm xưa, không phải bất cứ thể loại âm nhạc pha trộn nào khác, mà chính cải lương mới từng là hoa lệ của Hòn Ngọc Viễn Đông.
Một phim có bối cảnh hiện đại thì có phần đỡ phức tạp, nhưng một phim lấy bối cảnh Sài Gòn xưa năm nào và thể hiện được môn nghệ thuật hoàng kim một thời của Việt Nam có vẻ khó và hiếm. Song Lang thực sự đã thỏa mãn được cơn khát ấy, làm người ta tự hỏi đến bao giờ mới có một phim Việt Nam khác làm được như thế này?
Nếu là bạn, bạn sẽ chọn Song Lang hay Chàng Vợ Của Em?