James McAvoy quay trở lại màn bạc với một hình ảnh không thể nào mới hơn.
Lưu ý: bài viết có tiết lộ nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc tiếp.
SPLIT - Tách Biệt là một bộ phim tâm lý lấy cảm hứng từ một chủ đề dường như đã xưa cũ: căn bệnh tâm thần phân liệt. Tình tiết phim xoay quanh cuộc đời của Kevin – một thanh niên có tuổi thơ bị bạo hành dẫn đến việc anh bị mắc chứng Tâm thần phân liệt trầm trọng, trong cơ thể tồn tại đến 23 tính cách. Anh là bệnh nhân của bác sĩ tâm lý Fletcher, một người rất có tâm, coi cuộc sống của những bệnh nhân là cuộc đời của mình, yêu thương tất cả những tính cách tồn tại trong Kevin và coi “họ” là những con người thực thụ. Khi Kevin đang trên đà hồi phục thì rắc rối bắt đầu xảy đến với anh khi mà những nhân cách xấu bắt đầu tìm được cách để kiểm soát Kevin nhiều hơn.
Bộ phim bắt đầu bằng việc 3 cô gái Cassie, Claire và Marcia bị Kevin bắt cóc phục vụ cho một mục đích hiến tế cho con quái vật được gọi là “him” – theo như cách Kevin nói về nó. Mắc kẹt trong căn hầm, 3 cô gái phải đối mặt với một chuỗi những điều khủng khiếp để giành giật sự sống. Trải qua suốt cuộc đấu tranh đó, những màn đối thoại, những mâu thẫn dần làm hé lộ cuộc đời éo le của hai nhân vật chính: cô bé Cassie và Kevin, gieo vào lòng người đọc những suy nghĩ riêng.
Đây không phải là một bộ phim Thriller dạng hành động. Mặc dù cũng khai thác khía cạnh nhân vật phản diện mắc căn bệnh tâm thần phân liệt, tuy nhiên, ta không hề thấy một AMERICAN PSYCHO tàn bạo và độc ác, giết người cắt xác để vào tủ lạnh ăn ngon lành, ta cũng không gặp một Michael Myers, sát thủ đeo mặt nạ giết bất kỳ ai hắn gặp như trong HALLOWEEN. Có những chi tiết rượt đuổi, có những chi tiết đối kháng trong SPLIT, nhưng đó là một phần rất nhỏ và không hề đã mắt so với kì vọng của một người nào đó thích xem FILM HÀNH ĐỘNG. Dưới quan điểm của tôi, đây là bộ film dành đến 80% cho khai thác tâm lý, là bộ film của tiểu tiết, của những hint rất tinh tế, và tôi đặc biệt dành sự chú ý cho cơ mặt của 2 diễn viên chính: James McAvoy trong vai Kevin và Taylor-Joy trong vai Cassie vì đó là nhân tố quyết định phần thể hiện tâm lý này.
Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với việc nhìn James xuất hiện trong vai trò Giáo sư X, đầy thông minh sắc bén và trí tuệ, mái tóc bồng bềnh, lời nói thuyết phục và thần thái của người lãnh đạo với sức hút khó cưỡng trong Series ăn khách “Dị nhân”. Thế nhưng, hãy tập quên điều đó đi. Trong SPLIT, không có Giáo sư X nào cả, nhưng có tới 4 James vô cùng điển hình: Barry – chàng trai yêu nghệ thuật, thích hội hoạ, điệu đà (có thể hình dung là Gay); Hedwig – cậu bé 9 tuổi thích được cưng nựng, ngây thơ, trong sáng hay hờn dỗi nhưng chẳng thể nào hờn dỗi một ai cũng như luôn luôn nói ra sự thật; Patricia- Cô nàng điệu đà với chứng ám ảnh sự hoàn hảo, không chịu nổi đến một lát bánh cắt lệch, đỏm dáng và nhã nhặn nhưng ẩn chứa sự lạnh lùng tàn nhẫn. Dennis: chàng trai to con với sức mạnh vượt trội, lịch thiệp và galant, ám ảnh sự sạch sẽ, luôn chỉn chu, vô cùng cứng cỏi và sùng đạo. Bộ phim có nhắc tới 23 tính cách của Kevin, cả con quái thú là 24, tuy nhiên, dựa trên tình tiết film, đặc sắc nhất chính là 4 tính cách kể trên. Và James đã làm người xem không thể chê được một chút gì với vai diễn của anh.
Sự hoàn hảo đến từ tiểu tiết, có thể thấy James đã khổ luyện như thế nào với khuôn mặt của mình. Tất cả những gì trên mặt anh, thể hiện được vai anh đóng trọn vẹn đến mức nào.
Khi là Barry, sẽ là nụ cười mỉm nhẹ của kẻ có tâm hồn lãng mạn, là lông mày giãn và đuôi mắt khẽ nheo cười, đi cùng dáng ngồi vắt vẻo, có phần yếu đuối và ngượng nghịu một chút.
Khi là Hedwig, đó là giọng nói ngọng líu lô (cố tình ngọng sang âm th) và những cái nhướn mắt đầy ngây thơ, là đôi môi cử động theo bản năng: mím, chúm, lệch về một bên theo từng trạng thái tâm lý sau từng câu nói nghe được. James hoá mình thành một cậu bé 9 tuổi thực thụ với dáng đi hai bàn chân chụm vào hình chữ V theo phương hai đầu ngón chân cái đan vào nhau, với những cái mở mắt to đầy thích thú khi được nghe “bật mí”, đôi môi hớn hở cười vô tư lự khi có người chịu “tâm sự”, và những cái nhăn mặt bĩu môi phụng phịu khi hờn dỗi. Bên cạnh sự phối hợp của việc kể chuyện về “đôi tất” hay màn joking “hôn là có bầu”, những cái ngúng nguẩy của body language ở James mới chính là bệ phóng cho việc thể hiện một Hedwig “tới” đến thế nào.
Rồi khi biến thành Patricia, ta thấy đó là sự bình thản, rất quý phái theo đúng lối phụ nữ hoàng tộc, bước đi khẽ khàng ăn nói nhẹ nhàng. Khuôn mặt luôn cười theo kiểu hơi nhếch mép (đúng kiểu người phụ nữ của công chúng), khoé mắt ngời sáng nhưng khi cười ánh lên sự “thảo mai” giả tạo cùng cơ hàm khép lại có chủ ý thể hiện sự nữ tính.
Khi là Dennis, đó là ánh mắt đầy nội lực, là những cái nhíu mày tỏ ý khó chịu, là những tiếng thở dài đấu tranh giữa tính ưa sạch sẽ và sự galant lịch thiệp. Dennis còn có những khoảnh khắc cực kì thú vị khi giả làm Barry trước mặt bác sĩ Fletcher, và với riêng tôi, đó là những khoảnh khắc diễn thiên tài. Khi mà có lẽ, không cần bác sĩ Fletcher “bóc phốt”, ta cũng thấy được những tiểu tiết cho thấy đó là Dennis, và phút giây Dennis trở về thành Dennis, rõ ràng như thế nào qua diễn xuất của James. Tôi nghĩ James đã được rèn luyện và tiếp thu cực tốt những dấu hiệu về ngôn ngữ cơ thể (body language) – đặc biệt là cơ mặt của môn tâm lý học tội phạm. Trong đó bao gồm việc cơ miệng cử động thiếu tự nhiên khi bị nói đúng tim đen, đồng tử mắt đảo nhẹ sang bên phải phía trên khi phải nghĩ ra chuyện để nói dối, miệng cười gượng gạo và đảo mặt qua bên phải khi cảm thấy không thoải mái. Khó hơn nữa, đó là khi anh để đồng tử của mình giãn ra, báo hiệu việc cảm thấy hoàn toàn tự tin và cần thiết để không giấu diếm mình là Dennis. Đó là diễn xuất cực khó – vì đồng tử hoạt động theo bản năng vô thức. Thêm vào nữa là sự điều tiết mạch máu trên cơ mặt, hoàn toàn không dễ để thể hiện sự giận dữ ẩn chứa cho nhân vật Dennis bằng cách James làm: nổi phồng những dây máu ở thái dương hoặc dưới cổ, nhưng mặt vẫn kiềm chế như đang bình tĩnh lắm vậy. Chính vì những lẽ đó, ở đây, tôi gọi James – cơ mặt của James thì đúng hơn – Là cơ mặt của thiên tài.
Bên cạnh James, cô bé Taylor-Joy cũng thể hiện sự xuất sắc không hề kém cạnh. Lần đầu tôi biết đến cô bé trong một bộ film kinh dị “The Witch”. Cô bé khi ấy làm tôi bất ngờ bởi những hoảng loạn tâm lý dù nhỏ nhất của nhân vật chính cũng được khắc hoạ đầy ám ảnh. Lần này, diễn xuất của Taylor còn được nâng tầm hơn nữa. Đóng vai một cô bé có tuổi thơ bị lạm dụng tình dục, và còn bị đến tận bây giờ, đôi mắt Cassie không thể vô hồn hơn nữa khi nói chuyện cùng với 2 người bạn đồng hành, hoặc khi nằm trên giường suy nghĩ. Hai con ngươi luôn ở xa nhau báo hiệu sự mất tập trung, sự đánh mất mình và lạc lõng. Tuy nhiên, khi lâm vào tình huống sinh tồn, hai mắt của Taylor lại có cái nhìn xoáy đầy cương nghị, thể hiện sự thông minh của cô bé khi cố gắng đọc và giải mã đối thủ. Taylor-Joy cũng bộc lộ những tố chất tài năng khi switch qua lại giữa trạng thái cảm xúc “bình tĩnh” và “hoảng loạn”, giữa “xúc động đồng cảm” và “hồi hộp căng thẳng đến căm phẫn” vô cùng tốt bằng khuôn miệng và lông mày đồng nhất cảm xúc. Miệng mở môi run sẽ đi cùng lông mày nhướn và cơ mặt giãn, miệng ngậm chặt sẽ đi cùng với mắt nheo, mày nhíu và quai hàm cứng lại…. Phối hợp cùng James, diễn xuất của cặp đôi này đẩy sự hấp dẫn của bộ phim lên một tầm khó cảm nhận hơn, đó chính là điều tôi đã đề cập: tinh tế từ tiểu tiết trong diễn xuất.
Cần công nhận một cách khách quan, sự kéo dài của những cảnh đối thoại, những góc máy quay chậm, tĩnh để tập trung vào diễn xuất của nhân vật làm thời lượng dành cho hành động gần như không đáng kể, cũng làm cho mạch phim dài lê thê một chút, buồn ngủ một chút. Với những ai đang quen với John Wick 2, Resident Evil – Final Chapter hay xXx, thì đây quả là một bộ phim…nhàm chán. Còn với tôi, với những người ưa thích những thông điệp chìm, ưa thích sự đấu tranh tâm lý hơn là sự đối kháng vũ lực, ưa thích thế giới nội tâm bí ẩn và đầy nguy hiểm của con người, thì đây quả là một bộ phim đáng xem và đáng để lưu tâm những tình tiết nhỏ nhất như vậy.
Bên cạnh sự ngưỡng mộ và cảm thấy thú vị về diễn xuất của diễn viên chính, bộ phim cũng có một twist khá hay: để bỏ ngỏ câu trả lời của Cassie khi được hỏi có về với người bảo hộ hay không (chính là người chú, cũng là người lạm dụng tình dục em), và để Kevin sống (có vẻ như nhân cách Barry đã chết, chỉ còn lại Dennis, Patricia, Hedwig và The Beast) để hướng tới một kết thúc mở, một câu chuyện tiếp diễn theo tưởng tượng riêng của mỗi người (hoặc đơn giản hơn là 1 phần 2). Tôi càng chắc điều này hơn nữa, khi cuối film là sự xuất hiện của gương mặt vàng Bruce Will, cùng một sự nhắc nhở về gã điên Mr-Glass trong Unbreakable, một bộ phim ăn khách khác có cùng tác giả với Split: M.Night Shyamalan. Rất có thể, một franchise theo kiểu “siêu nhân tâm lý” sẽ ra đời, và những nhân vật sẽ có cơ hội để link lại với nhau, tạo nên một thế giới mà tôi nghĩ là khá thú vị, của những kẻ “dị biệt” về tâm thần.
Những giá trị khác về cuộc sống, về tình người, về đạo đức và sự cảm thông được gài gắm rất hợp lý và khéo léo trong film, phần nào khoả lấp được một số điều phi lý có thể sẽ bị gán mác “xàm xí”. Tuy nhiên, tôi sẽ để dành phần này cho các bạn, những người xem, có được sự đánh giá công bằng hơn.
Theo đánh giá của người viết, và dựa trên sự quan sát, phân tích về cơ mặt tuyệt vời của James McAvoy, bộ phim đạt 7.5/10. Sẽ là 8.5/10 với fan của tâm lý học nói riêng.
Tôi là FuriousFish.
Bonus: theo ước tính của tôi, phim có bị cắt nên một số phân cảnh cuối có vẻ hơi gấp gáp, nhất là tình tiết vệt máu trên miệng Barry, dự tính bị cắt khoảng hơn 5 phút.