Đánh giá phim

Sút - "Khung thành" còn xa lắm...

1. Bóng đá - Điện ảnh: Liệu có thể kết hợp?

"Bóng đá" là môn thể thao vua trên toàn thế giới. "Điện ảnh" lại chính là loại hình nghệ thuật phổ biến nhất. trong khi quá trời phim hay về chủ đề thể thao thì lại thiếu vắng tác phẩm điện ảnh chất lượng về chủ đề "bóng đá", Nhưng Trong một bài review trước về "Sút", anh Binh Bong Bot đã có nhận xét nguyên nhân như sau:

  • Là một đạo diễn giỏi.
  • Phải yêu bóng đá, fan cuồng càng tốt.
  • Phải từng chơi bóng đá đủ lâu.
  • Phải có chuyên môn bóng đá.

Hollywood không thiếu đạo diễn giỏi, họ cũng không thiếu tiền để mời các chuyên gia bóng đá về tư vấn từ kỹ thuật cho đến chiến thuật của môn thể thao vua này. Nhưng cái họ thiếu là độ "cảm", độ "yêu" bóng đá để có thể tái dựng lại khung cảnh sôi động khí thế hừng hực lửa, phong thái của từng cầu thủ cho đến huấn luyện viên và cổ động viên.

(Tham khảo nguồn)

Ngoài ra, theo người viết, còn có một nguyên nhân nữa khiến bóng đá khó hòa nhập với điện ảnh hơn so với các môn thể thao khác. Đó là khi tái hiện lại các môn thể thao trên màn ảnh rộng, các đạo diễn thường làm tăng sự kịch tính lên bằng cách thể hiện trận đấu "theo lượt". Bóng chày chơi theo lượt, bóng bầu dục cũng theo lượt. Bóng rổ tuy không theo lượt nhưng nhịp độ 2 bên tấn công và phản công nhau liên tục với số lượng bàn thắng lớn cũng giúp các đạo diễn dễ dàng "ép" thành kiểu chơi theo lượt. Còn đấm bốc hay các môn đối kháng thì cũng rất hay gặp trường hợp nhân vật chính bị đánh bầm dập rồi quay trở lại quật khởi khi đến lượt mình tỏa sáng.

Cách phân chia theo lượt làm tăng sự kịch tính, làm con tim người xem nín thở theo diễn biến tâm lý của nhân vật và trận đấu, khiến cảm xúc bị nén chặt xuống trong những giây phút khó khăn và vỡ òa lên khi chiến thắng tới. Nói cách khác, phân chia trận đấu thành những lượt tỏa sáng của 2 bên là cách khá hay để dẫn dắt cảm xúc người xem. Nhưng...

Bóng đá không phải là như vậy.

Đúng là những pha lội ngược dòng rất thu hút, những cơn mưa bàn thắng cũng rất hấp dẫn. Nhưng sức thu hút chính trên sân cỏ không chỉ co cụm lại ở khu vực phạt đền và những pha ghi bàn mà nằm toàn bộ mặt sân. Người xem tập trung vào từng bước chạy của các cầu thủ, từ lúc triển khai bóng, tấn công, phòng thủ, tranh chấp. Diễn biến của trận đấu bao phủ khắp mặt sân và có thể thay đổi liên tục ở bất kỳ điểm nào. Có thể nói, diễn biến một trận đấu quá "động" và quá "rộng" cho bất kỳ đạo diễn nào có thể đưa ý đồ của mình vào trận đấu hay sắp xếp sự kịch tính một cách mạch lạc. Nó cũng tương tự như đưa truyện của Alan Moore lên màn ảnh vậy, gần như bất khả thi.

Liệu với "Sút", Đạo diễn Việt Max có làm được điều mà Zack Snyder từng làm với Watchmen - biến cái không thể chuyển thể lên màn ảnh rộng thành có thể? Có thể nhận thấy rằng, Đạo diễn Việt Max đã khá thông minh khi không kể về những sân đấu 11 người và kể về sân đấu "phủi", vì:

  • Ít người hơn, kiểm soát nhân vật tốt hơn.
  • Thời gian trận đấu bóng ngắn hơn, dễ tiết chế hơn.
  • Tình trạng chơi xấu rõ ràng hơn, dễ tạo kịch tính.

2. "Sút" - Kịch bản phim Việt?

Như đã nói, việc chọn bóng đá "phủi" và bóng đá 7 người là khá thông minh khi giúp Đạo diễn Việt Max kiểm soát yếu tố bóng đá nhưng vẫn có thể tạo được sự hấp dẫn. Đáng tiếc, lựa chọn thông minh chưa bao giờ có thể bảo đảm cho các bước tiếp theo sẽ thực hiện tốt.

Khởi đầu phim là một đoạn intro khá hấp dẫn và đẹp, phải nhắc lại là đẹp theo kiểu rất bụi bẳm, vừa thể hiện sự chăm chút chỉn chu vừa thể hiện phong cách nhuốm màu hiphop đường phố của Đạo diễn Việt Max. Nhưng đoạn tiếp theo thì lại khá cụt hứng vì 2 lý do sau đây:

+ Lời dẫn truyện của Lam (Nhung Kate) phù hợp với thể loại phim tình cảm hơn là đối với một bộ phim thể thao thế này. Đây cũng là nhân vật yếu nhất phim khi không nắm giữ được vai trò gì chính yếu cả.

+ Đoạn giới thiệu về lịch sử bóng đá Việt Nam qua các bước thăng trầm. Cảnh này là một đoạn chữ phông đen khá dài kể về nốt thăng của bóng đá Việt từ những năm 1896, rồi đến khi vào nốt trầm - những thất bại liên tục vừa qua - thì mới chịu đưa một vài cảnh tài liệu ngắn vào. Có thể Đạo diễn Việt Max muốn nhấn mạnh đế nỗi buồn thất bại, nhưng cách làm này vừa gây mất cân xứng về nội dung/hình ảnh vừa không thể diễn tả được tại sao người ta lại cuồng nhiệt với bóng đá và buồn bã với những thất bại của đội tuyển quốc gia đến thế?

Thủ pháp kết hợp dẫn chuyện và sử dụng hình ảnh tài liệu để mở đầu phim không phải là mới. Nhưng kết cấu của mở đầu phim không tốt, công với việc Nhung Kate mở lời dẫn truyện rất yếu, đã không thể khơi gợi được sự hào hứng mãnh liệt của khán giá đối với bóng đá – yếu tố chính của bộ phim.

Tiếp theo là một loạt các câu chuyện xoay quanh Quốc Cường (Hà Hiền) và bóng đá. Bộ phim "Sút" đi đúng cái khung của bao nhiêu bộ phim thể thao khác, khi bắt đầu từ việc 'gục ngã trước cổng Thiên Đường" của đội bóng Gà Trống ở đầu phim, rồi đến mâu thuẫn tâm lý gia đình và xã hội, sự trở lại của huyền thoại vực dậy một đội bóng thua sút và bế tắc để trở thành nhà vô địch. Diễn biến, đương nhiên, sẽ có các biến cố cao trào để Quốc Cường và những người bạn vượt qua trên con đường hồi sinh đôi "Gà Trống".

Cái khung là thế, nhưng nội dung thì sao? Phải nói là cách dẫn dắt tình huống của Đạo diễn Việt Max trong bộ phim này khá... non tay. Cả phim chỉ có 2 tình huống nút thắt lớn, và cả 2 đều được khởi đầu khá phi lý. Đầu tiên là việc Khoa (Gin Tuấn Kiệt) được một gia đình ở Mỹ nhận nuôi khiến Quốc Cường đi cá độ lấy tiền nuôi em, rồi mắc nợ bị giang hồ đuổi đánh khiến Khoa chạy va vào ô-tô chết?! Và sau đó là đội Gà Trống đi đá độ với đội lạ ngay trước trận đấu chung kết để rốt cuộc Phong (Huyme) bị chấn thương?!  Thật ra, cùng một kết quả đó, Đạo diễn Việt Max chỉ cần thay đổi đi 1 chút là hợp lý hơn nhiều. Chưa kể cái chết của Khoa thật ra không hoàn toàn cần thiết, mà chỉ làm cho nội dung phim thêm nặng nề.

3. “Sút” và các nhân vật:

Về Quốc Cường, nhân vật này được giới thiệu khá thú vị. Cường là một cầu thủ đá bóng "phủi", lấy tiền cá độ làm kế sinh nhai, tính tình nóng nảy cứng rắn, nhưng luôn bảo bọc cho em trai mình. Sau biến cố Khoa chết, Cường dằn vặt một thời gian rồi quay về đội Gà Trống làm huấn luyện viên. Đáng lẽ đây sẽ là một nhân vật rất hay. Khán giả sẽ chờ xem đây là kiểu nhân vật bộc trực mạnh mẽ nhưng cuốn hút, hay một kiểu huấn luyện viên quái kiệt với những "chiêu thức" kỳ lạ giúp đội bóng chiến thắng? Hay một sự sáng tạo nào khác nữa? Đúng ra, phong cách huấn luyện của Quốc Cường sẽ phản ánh lối chơi và phong cách của đội Gà Trống.

Trong một bộ phim thể thao, các đạo diễn luôn nhấn mạnh vào điểm mạnh, điểm yếu và các vấn đề tâm lý của các thành viên trong đội. Qua đó, nhân vật chính – người lãnh đạo trong hoặc ngoài sân - có thể thể hiện vai trò của mình qua việc thử thách uốn nắn các cầu thủ/đồng đội, phát hiện tài năng tiềm ẩn, và quan trọng nhất là gắn kết những cái đầu bất trị ấy thành một đội. “Sút” đã thực hiện một động tác khá quen thuộc ở Việt Nam: đi tắt đón đầu. Các thành viên tỏ ra bất trị trong 1 thời gian ngắn, rồi bất ngờ tất cả răm rắp phục tùng Quốc Cường như ta chưa từng đối mặt nhau?! Không có một bước đệm nào thể hiện các chuyển biến tâm lý cầu thủ.

Thực ra, việc Quốc Cường lúng túng trong lần đầu chỉ đạo Gà Trống khiến cho đám nhóc thua thảm bại 6-0 trước đội Sóng Thần có thể đã là 1 tưởng hay. Điều đó có thể cho thấy Quốc Cường là 1 cầu thủ tốt, nhưng chưa phải là 1 huấn luyện viên giỏi. Cũng như tất cả các cầu thủ của mình, anh buộc phải học hỏi để có thể ngồi vào chiếc ghế nóng và đoàn kết hơn với các thành viên đội bóng. Xử lý như thế này, không chỉ giúp thể hiện rõ vai trò của các thành viên đội Gà Trống mà còn có thể giúp nâng cao vai trò của ông bầu đội bóng và Lam – 2 nhân vật chủ chốt nhưng vô cùng nhạt nhòa.

Nhưng kịch bản cũng đã không cho Quốc Cường thể hiện được một vai trò huấn luyện viên cho ra hồn. Đây là một vị trí huấn luyện viên không có đấu pháp, không biết khích lệ giải tỏa tâm lý cầu thủ, không đưa ra dược bài học đáng giá, không biết kết nối các thành viên,rốt cuộc vứt cả vị trí huấn luyện viên để nhảy vào sân đá. C.Ronaldo đóng vai huấn luyện viên có khi còn hay hơn thế này (mà quên mất, Ronaldo cũng là kịch sĩ huyền thoại rồi). Việc Quốc Cường vào sân đá thể hiện sự thất bại của chính nhân vật này, và cả chính bộ phim, trong việc xây dựng đội bóng Gà Trống thành một tập thể vững mạnh.

Về mặt chuyên môn, thì có lẽ Đạo diễn Việt Max không nắm rõ nhiều nên cách xử lý không khác gì truyện tranh cho thiếu nhi. Về đấu pháp, chỉ thể hiện được mỗi một lần kêu gọi tất cả về thủ kiểu xe buýt. Về kiếm ra tài năng, thì có dùng được thủ môn dự bị Củ Tỏi chạy cánh nhưng được 1 lần rồi thôi. Về khích lệ hay uốn nắn cầu thủ? Quốc Cường chỉ tập trung vào mỗi Phong mà gần như quên hết những thành viên còn lại. Tê hơn, Quốc Cường còn chẳng làm được gì để gắn kết đội bóng, ngoài vài 3 bài tập tương trưng cho có. Những bài tập này toàn về thể lực, chẳng có cả tập di chuyển hay rèn giũa các thành viên. Ngoài ra, tất cả những gì Quốc Cường làm là nói mấy câu giáo điều và gào thét bực bội.

Một nhân vật khác cũng cần nói tới là Phong, tiền đạo chính của đội. Huyme đã diễn vai này rất tốt, thể hiện tự nhiên và tiến bộ hơn nhiều so với vai diễn trong phim “Siêu Trộm” trước đó. Đáng tiếc, vai diễn này loại thuộc dạng… một màu. Từ đầu đến cuối, Phong chỉ thể hiện vui vẻ, cố gắng, tin tưởng vào Quốc Cường, và nhăn nhó với đối phương. Những thành viên khác trong đội bóng cũng 1 vài giây phút thú vị, nhưng không đáng kể. Ở bên kia chiến tuyến, Hoàng Phi (Tùng Min) thể hiện vai phản diện khá đạt với kiểu đểu đểu của những gã đá lấn sâu mình vũng bùn của đá phủi, cá độ và gian lận. May mắn cho vai này là đạo diễn có cho thêm một ít tâm tư ngoài việc sinh sự với Quốc Cường, khi mồm thì nói không cần lên chuyên nghiệp những vẫn lo lắng khi nhìn lại ông bầu đội mình nói chuyện với nhân vật tuyển người cho các đội bóng hạng chuyên. Nhưng nếu Đạo diễn Việt Max cho thêm chút “mùi” nữa, khi thể hiện Tùng Min cũng yêu bóng đá như ai, và đã mệt mỏi với con đường đá bóng “giang hồ” thì nhân vật này có thể sẽ còn hay hơn nữa.

4. "Sút" - Có gì trên sân?

Đội bóng có thể có ngôi sao, nhưng đội bóng không phải chỉ là của một người. Thường để tránh tình trạng chỉ tập trung về một nhân vật, trong các phim thể thao khác, các đạo diễn thường phân chia vai trò cho các tuyến nhân vật. Việc đó trong bóng đá cũng tương tự, khi các cầu thủ đều có vai trò của mình. Nhưng Đạo diễn Việt Max đã làm ngược lại, khi biến đội Gà Trống thành đội bóng gần như chỉ của 1 người: Quốc Cường. Điều này khiến bộ phim bị hỏng ở 1 điểm rất quan trọng: sự kết nối của các cầu thủ. Có thể nói, các cảnh đá bóng trong phim đúng là kiểu... mình thích thì mình đá thôi. Không có cảnh nào thể hiện rõ chiến thuật (trừ cái trò co cụm phòng thủ), phương án triển khai tấn công (đừng kể vụ chạy cánh vào đây), hay các pha tranh chấp.

Kiểu quay cắt cảnh đổi góc liên tục cũng khiến cho những pha tấn công trở nên nát vụn. Trên phim, có rất nhiều cảnh rất khó xác định các nhân vật đang ở vị trí nào trên sân, diễn biến trận đấu đang xảy ra như thế nào. Khán giả chỉ thấy các cầu thủ đi bóng, cướp bóng, quần thảo nhau mà chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Dường như Đạo diễn Việt Max quên mất những cú chạy nước rút truy đuổi nhau sát bờ biên, những pha bật tường liên tục, hay những tình huống tấn công bóng dội ra dội vào quần nát bấy vùng cấm địa,.v.v.. hấp dẫn như thế nào?! Kết quả là những cảnh đá bóng trong phim như mấy cảnh quay phim... quảng cáo. Trong đó, chỉ có ngôi sao là nổi bật, còn cả đội bóng chỉ là 1 mớ rời rạc và rối bòng bong. Chưa kể, việc thiếu các pha quay dài và chỉ toàn tập trung và những khung hình ngắn khiến cho hiệu quả của việc điều khiển nhịp điệu phim giảm đi rất nhiều.

Một điểm mà Đạo diễn Việt Max quên khai thác, đó chính là yếu tố kỹ thuật. Ở phần đầu phim, có một số cảnh kỹ thuật bóng đá đường phố khá đẹp mắt, nhưng là chưa đủ. Trên sân bóng, cũng có vài cảnh sử dụng kỹ thuật đáng kể như lúc Quốc Cường qua người, vài cú tâng bóng, đánh gót, hay mấy trò tiểu xảo của đội Sóng Thần. Nhưng thế thôi cũng chưa đủ. Người xem cần những kỹ thuật mang hiệu ứng hình ảnh cao hơn, như những cú sút xa đại bác 20-30m, hay đường bóng uốn lượn ảo diệu khiến thủ môn thúc thủ, hay vài chiêu “múa” chân khiến người xem lẫn đối phương đều phải hoa mắt. Một vài kỹ thuật đó có thể chỉ mang tính đẹp mắt nhưng không hiểu dụng trên sân bóng, nhưng đó là sân bóng ngoài đời. Nhưng đó là ngoài đời, còn đây là phim, Đạo diễn Việt Max nên tính đến điều đó. Mà nói về kỹ thuật thật sự, thì thủ môn của đội Gà Trống không có cảnh nào chủ động lăn xả tranh cướp bóng trong vùng cấm địa cả mà toàn bay nhảy trong khung thành?

Một điểm yếu nữa của Đạo diễn Việt Max là không khai thác được tâm lý cầu thủ trên sân. Không có pha nào thể hiện được sự mệt mỏi, những cú thở dốc, những nét mặt lo lắng, hay những ánh mắt ánh lên sự quyết tâm, hay một cú hít thở đầy tự tin. Ngay cả những pha đá phạt đền, Đạo diễn Việt Max cũng gần như không khai thác được tâm lý căng thẳng, những toan tính, sự đấu trí hay chiêu trò lừa nhau - như một cái khuých tai của thủ môn chẳng hạn - trong loạt đấu súng căng thẳng. À, hình như có mỗi Hoàng Phi là được thể hiện một chút tâm ý trước khi sút bóng, khi lo lắng nhìn lên ban huấn luyện. Thiếu vắng những điểm này, bộ phim vừa làm những cầu thủ chơi một cách vô hồn, vừa không thể thể hiện sự trưởng thành và quyết tâm lớn dần lên của từng cầu thủ trong những trận đấu. Đặc biệt là với một đội đi lên từ tro tàn như Gà Trống, thì đây là điều vô cùng cần thiết.

5. "Sút" - Có gì đáng xem?

Xét về mặt bằng phim Việt nói chung, Sút vẫn có những điều đáng để lưu tâm. Đầu tiên là về mặt quay phim và âm nhạc. Phải nói rằng bộ phim quay rất đẹp và chỉn chu. Cảnh các em bé chơi bóng trong khu chung cư làm rất tốt, có thể coi là cảnh ấn tượng nhất trong phim. Phần ánh sáng, màu sắc trong phim làm rất đẹp, không phải kiểu đẹp lung linh mà ngược lại rất bụi bặm, đường phố. Có thể bởi vì đó chính là con người của Đạo diễn Việt Max chăng? Phần âm nhạc cũng rất tốt, thậm chí còn tốt hơn cả một số bộ phim âm nhạc gần đây. Lời thoại trong phim cũng tự nhiên hơn rất nhiều so với những phim Việt khác, mặc dù vẫn còn nhiều chỗ gượng gạo.

Về phần diễn xuất, như đã nói trước đó, thì trừ vai ông bố và cô con gái chủ đội bóng khá mờ nhạt ra thì tất cả tương đối tròn vai. Huyme có diễn xuất tốt hơn nhiều so với vai diễn "Siêu Trộm" trước đó. Tương tự, Hà Hiền thể hiện tâm lý của nhân vật tương đối ổn, cảnh có gì thì diễn nấy. Tùng Min trong vai Hoàng Phi cũng thể hiện được cái chất đểu giả của nhân vật, cái đểu giả bẩm sinh và lớn lên trong những trận đấu phủi. Nói chung, ngoài khoản đá bóng bô nhếch ra, phim cũng tương đối xem được.