Có một thực tại lạ lùng đang diễn ra với thương hiệu Hành Tinh Khỉ (Planet of the Apes). Thương hiệu đã đạt 56 năm tuổi với phần phim đầu tiên là Planet of the Apes năm 1968. Sau thời điểm ấy, thương hiệu đã đều đặn ra phim tiếp theo đến tận năm 2001. Ngoại trừ phần phim 2001 là một cột mốc đáng quên, còn lại, tính cả trilogy tiền truyện từ 2011 đến 2017, những phần phim ấy đều chất lượng.
Tuy nhiên, Hành Tinh Khỉ được xem là thương hiệu bị đánh giá thấp đến đau lòng. Song, Hành Tinh Khỉ: Vương Quốc Mới đã chứng minh sức sống kiên cường và sự hoàn hảo của thương hiệu này trong kỷ nguyên mới, thời điểm mà những gã khổng lồ thương hiệu đang gặp hàng loạt vấn đề.
1. Hành Tinh Khỉ và tiền đề táo bạo
Đã có rất nhiều thương hiệu lẫn bộ phim điện ảnh khắc họa thảm họa tận thế với loài người. Nhiều cái tên đáng chú ý phải kể đến các bộ phim thây ma như 28 Weeks Later, cuộc chiến chưa ngã ngũ giữa người máy và loài người The Terminator, mới đây nhất có A Quiet Place, nhưng Hành Tinh Khỉ vẫn là một điểm nhấn sáng giá.
Đơn thuần là vì trong các bộ phim Hành Tinh Khỉ, loài người luôn là kẻ thua cuộc. Nghe có vẻ không thuyết phục lắm, nhưng nếu bạn đã dày dặn kinh nghiệm với thể loại tận thế, đây là một quyết định táo bạo giữa hàng loạt các bộ phim hậu tận thế hay tận thế có xu hướng ưu ái con người.
Những tình tiết này không phải chỉ được thực hiện để gây sốc, mà một cái kết được xâu chuỗi vô cùng hợp lý với tình tiết và mang tính thuyết phục cao, đồng thời thường để lại một cảm giác khó tả. Dẫu biết đây là phim ảnh, nhưng chứng kiến sự sụp đổ của nền văn minh nhân loại một cách chi tiết là một cảm giác không dễ chịu chút nào.
2. World-building
“World-building” không chỉ đơn giản là xây dựng các thành phố tương lai siêu thực hay dàn dựng một hoang mạc tận thế. Khái niệm “world-building” trong thể loại khoa học viễn tưởng và fantasy là tạo ra một thế giới nhiều tầng với bề dày lịch sử, quan niệm và kết cấu xã hội một cách thuyết phục.
Đối với các bộ phim mà con người là chủ thể cho các thảm họa và suy thoái đến gần như tuyệt chủng, khán giả luôn bị ám ảnh bởi những câu hỏi tại sao, thảm họa gì đã đưa giống loài bước vào một con đường cùng như thế và làm thế nào một loài mới đã thay thế chúng ta thống trị trái đất.
Trong khi các bộ phim tận thế khác chỉ đưa ra những viễn cảnh tương lai u ám một cách qua loa, Hành Tinh Khỉ đã và đang xây dựng một thế giới như thế. Trilogy tiền truyện đóng vai trò là lớp đá nền tảng, diễn giải khởi đầu của cuộc đại sụp đổ nền văn minh loài người.
Cúm Khỉ nổi lên và diệt tuyệt loài người một cách có hệ thống như những đại dịch chúng ta từng chứng kiến trong lịch sử. Xuyên suốt 3 ba bộ phim, chúng ta được chứng kiến sự hình thành của nó trong Rise of the Planet of the Apes, sau đó là các di chứng trong hai phần phim 2014 và 2017 nuốt chửng các khía cạnh văn minh, phân hóa xã hội con người.
Ảnh hưởng từ Cúm Khỉ đến sự sụp đổ của loài người đến loài khỉ kéo dài mãi đến tận thời điểm của Hành Tinh Khỉ: Vương Quốc Mới. Bản thân bộ phim này cũng là khởi đầu của thời kỳ công xã nguyên thủy, phân hóa bộ lạc trong loài khỉ. Proximus lại là dấu hiệu cho thấy thời kỳ độc tài và xung đột tư tưởng đã đến.
Thế giới Hành Tinh Khỉ là sợi mắt xích chặt chẽ mang tính nhân quả rất thực tế, trải qua từng thời kỳ phát triển, nhưng đồng thời không làm mất đi yếu tố khoa học viễn tưởng. Đúng như tên phim, khán giả được chứng kiến lịch sử hình thành của một thế giới mới. Yếu tố này là yếu tố vô cùng quan trọng đối với câu chuyện trong chặng đường phát triển.
Vậy trong các phần phim đầu tiên của thập niên trước thì sao? Thế giới tương lai đầy khỉ đột biến được mô tả sống động như những bộ phim viễn tưởng khác, nhưng người xem nhìn thấy bản chất xã hội trong cuộc chiến giữa người và khỉ. Đằng sau những yếu tố du hành thời không là cuộc đấu tranh để được sống giữa hai giống loài và hàng loạt các bất ổn xã hội, chính trị, lý tưởng và sự thực dụng.
3. Thống nhất và mở rộng
Có rất ít các thương hiệu điện ảnh có thể giữ sự kết nối giữa các phần phim của mình liên tục như vậy mà không vô tình phá vỡ chính các quy tắc phim đặt ra hoặc pha loãng những giá trị cốt lõi. Tồi tệ hơn là nhai đi nhai lại một chi tiết không đem đến điều gì mới lạ như Terminator.
Hành Tinh Khỉ lại không giới hạn chính nó trong vòng lặp như thế. Những phần phim được thực hiện với hệ tư tưởng và nhân vật thống nhất, sau đó là mạnh dạn mở rộng dựa trên những gì đã được đặt ra.
Trilogy tiền truyện là bắt đầu và kết thúc hành trình của Caesar, nhưng điều đó không có nghĩa là thủ lĩnh vĩ đại đã hoàn toàn biến mất. Hành Tinh Khỉ: Vương Quốc Mới và các phần sau đó sẽ bàn về di sản của Caesar và cách chúng định hình tương lai cho loài khỉ.
Các phần phim ra đời trong khoảng 1968 đến 2001 là một chặng đường dài hơi khai thác nhiều nhánh. Không chỉ có những trận chiến đẫm máu, các phần phim còn khai thác những mâu thuẫn xã hội nội bộ trong vương quốc khỉ bên cạnh xung đột với loài người tinh khôn.
Dù là tiền truyện hay phần phim gốc, các phần phim đã chứng minh chúng có thể vượt qua khái niệm người chống lại khỉ và ngược lại khi khai thác các chủ đề liên quan như thế giới rộng lớn và trách nhiệm của loài thống trị, khái niệm đạo đức, chiến tranh, sinh tồn, đến chủ nghĩa hiện sinh, và cuối cùng là tấn bi kịch của loài khỉ khi kẻ bị áp bức không tránh khỏi việc trở thành chính kẻ áp bức mà họ đã lật đổ, tạo nên một chuỗi phim phức tạp về ý nghĩa và đẹp về hình ảnh.
4. Không dựa vào một nhân vật biểu tượng duy nhất
Một số thương hiệu mất đi nhân vật chủ chốt thì bị chững lại hoàn toàn như MCU đang chật vật bước sang trang mới. Vấn đề lớn nhất mà MCU đối mặt là cái bóng của nhân vật được yêu thích quá lớn trong khi phim thì lặp lại một công thức chung. MCU là một thương hiệu lấy nhân vật làm trung tâm. Nhưng Hành Tinh Khỉ thì ngược lại. Nó là thương hiệu nhấn mạnh yếu tố thế giới.
Thiết lập một thế giới mới với bề dày lịch sử, phức tạp về xã hội buộc thương hiệu phải luôn phải tiến về phía trước. Các bộ phim trong thương hiệu bắt buộc phải liên tục phải tìm những nhân vật chính mới để phù hợp với các bước phát triển của thế giới Hành Tinh Khỉ. Nên các câu chuyện dễ vượt qua sức ảnh hưởng của một nhân vật dù họ được yêu thích đến đâu.
Đã có nhiều nhân vật ấn tượng xuất hiện trong các phần phim của thương hiệu đánh dấu một cột mốc phát triển của hành tinh khỉ. Planet of the Apes (1968) và Beneath the Planet of the Apes (1970) khắc họa cuộc vật lộn giữa người và khỉ để trở lại vị thế thống trị đã dẫn đến sự diệt vong của hành tinh. Trong hai phần phim này, nhân vật chính là phi hành gia George Taylor.
Hành Tinh Khỉ: Vương Quốc Mới lại chứng kiến hành trình của Noa – một tinh tinh trẻ sống trong thời đại di sản của Caesar được hiểu và thực hiện như thế nào. Có thể thấy, đúng là Ceasar phủ bóng lên phần phim hiện tại, nhưng về lâu dài, thương hiệu không cần dựa dẫm vào sự xuất hiện vật lý của Caesar để bước tiếp một khi thành công thắt chặt lý tưởng của anh ta đã được vào mạch phim.
Những phần phim hiện tại đã kế thừa lý tưởng và tiếp tục tìm những con đường mới dựa trên đó như những phần phim trước đã làm. Nhờ vào đó, Hành Tinh Khỉ trở thành thương hiệu hiếm hoi không bao giờ cảm thấy bị cạn kiệt ý tưởng hay phải dựa dẫm vào sự hoài niệm và các vai cameo dày đặc.