Dù cho bạn có là một fan trung thành của thể loại phim kinh dị hay chỉ là một người vừa mới tiếp cận với thể loại phim này thì sự thật là chúng ta không thể cưỡng lại những thứ rùng rợn trong phim và dưới đây là một số lí do. Dù thích hay ghét thì ắt hẳn bạn có những nhận định riêng của mình về các bộ phim kinh dị.
Có thể bạn là một fan cứng và bạn cảm thấy bị lôi cuốn bởi hàng loạt những bộ phim được đón nhận nồng nhiệt đang dẫn đầu xu thế dòng phim kinh dị như The Lighthouse, Midsommar, Mandy, It Follows, The Witch. Bạn không thể tưởng tượng được việc tự nguyện tra tấn bản thân suốt 2 tiếng đồng hồ trong tình trạng căng thẳng kịch liệt. Hoặc là bạn nằm đâu đó ở giữa 2 thái cực này: He hé mắt xem phim qua kẽ tay khi đang che mặt và giật nảy người khi có các pha jumpscare và dù vậy vẫn rất yêu thích những bộ phim kinh dị. Thật ra thì không chỉ vì quan niệm cố hữu riêng của bạn về phim kinh dị mà còn có những nguyên nhân tâm sinh lý khác đằng sau việc bạn thích bị hù doạ.
Theo khoa học, con người bị thu hút bởi những gì kinh dị
Tiến sỹ tâm lý học Darryl Jones, giáo sư chuyên ngành nghiên cứu các hiện tượng siêu nhiên và kinh dị viễn tưởng, tác giả của Sleeping With the Lights On: The Unsettling Story of Horror đã phát biểu “Những điều rùng rợn đã luôn ở bên chúng ta ngay từ buổi đầu con người biết đến chữ viết”. Tiến sĩ Jones xét các đặc thù của những vở bi kịch Hy Lạp kinh điển với tất cả những sự bạo lực, hỗn loạn và máu me, chúng được xem như là những ví dụ sớm nhất về thể loại kinh dị giả tưởng.
Gần đây hơn, trước khi phim kinh dị chính thức xuất hiện, người người chen nhau trải nghiệm những trò như trượt băng Nga - tiền thân của trò tàu lượn siêu tốc hiện đại ngày nay và Bảo tàng Những điều kì dị của P.T. Barnum, nơi trưng bày những thức như xác ướp tiên cá (thực tế là xác một con khỉ được khâu với đuôi cá) được những người tham quan rất thích thú. Ở Philadelphia, bảo tàng của Thomas Dent Mütter đã thu hút nhiều đám đông đến xem bộ sưu tập những trường hợp y học hiếm gặp đầy rùng rợn trong hơn 150 năm.
Độ nổi tiếng của những trải nghiệm này phản ánh mong muốn được cảm thấy sợ hãi của con người, nhưng chỉ khi “sự rùng rợn” này được giữ an toàn trong khuôn khổ của sự giải trí. Chuyên gia tâm lý học Margee Kerr, nhà xã hội học và tác giả của cuốn Scream: Chilling Adventures in the Science of Fear, nói “Giống như những ngôi nhà ma ngày nay, khách hàng xếp hàng để thử thách bản thân và độ gan lì của họ, đồng thời thách thức lẫn nhau tiến vào show diễn quái gỡ ấy để đối mặt với những cảnh tượng đáng sợ và những điều bất thường.”
Chế độ chống trả hay bỏ chạy: Bí mật về sức hấp dẫn của phim kinh dị
Chắc chắn là ý tưởng tự nguyện tham gia vào những thứ khiến bạn sợ hãi không phải là chuyện mới, điều duy nhất thay đổi là phương tiện truyền thông được ưa thích. Ngày nay chúng ta có cơ hội được tham quan những bảo tàng những điều kỳ dị, các ngôi nhà ma ám thỉnh thoảng xuất hiện vào dịp Halloween (mặc dù câu chuyện kinh dị thực tế về đại dịch COVID-19 đã đặt dấu chấm hết cho hầu hết những cộng đồng ma quái của chúng ta). Nhưng thường thì ta thoả mãn nỗi sợ hãi của mình bằng cách xem phim kinh dị. Vào năm 2020, thể loại kinh dị nắm gần 10% tổng doanh thu thương mại phòng vé, độ nổi tiếng của thể loại kinh dị giả tưởng cũng đang có xu hướng gia tăng theo báo cáo từ Libraryjournal.com.
Vậy phim kinh dị đã sử dụng bùa chú gì khiến cho khán giả mê mẩn đến vậy? Một phần của chúng liên quan đến ngành tâm lí học. Chúng ta đều đã nghe nói đến “chiến-hay-chạy” của não bộ, trong chế độ này, hệ thống thần kinh giao cảm phản hồi lại một mối đe doạ được xác định. Tiến sĩ Kerr miêu tả chế độ này là cách cơ thể chúng ta phản ứng với nỗi sợ. Xem một bộ phim kinh dị có thể kích thích phản ứng này vì tốc độ bạn nhận thức một mối đe doạ nhanh hơn tốc độ bạn phân biệt rõ tính thật giả của mối đe doạ đó. Đó là lý do các trò đùa kinh dị dễ dọa người đến vậy.
Phản ứng không tự nguyện này có một tác động lớn lên cơ thể của bạn khiến bạn tiết ra adrenaline. Theo tiến sĩ Kerr, hiệu ứng mà sự gia tăng adrenaline này gây ra gia tăng quá trình hô hấp và nhịp tim kèm theo chảy mồ hôi. Ông Steven Schlozman, trợ lý giáo sư ngành tâm thần học tại Đại học Y dược Harvard và đồng quản lý của Trung tâm Clay cho một Tâm trí Trẻ Khoẻ nói rằng những thay đổi thể chất này gia tăng nguồn cung oxy cho não và cơ bắp của chúng ta (Độ uy tín của ông về kiến thức não bộ vừa tăng lên với tiểu thuyết mới nhất của ông là The Zombie Autopsies).
Từ góc nhìn sinh tồn, những hiệu ứng này cải thiện khả năng giao tiếp và nhận thức, trao cho bạn một cú hích về mặt tinh thần cần thiết để giúp bạn tìm lối thoát khỏi một tình huống đáng sợ. Kerr cũng nói rằng chế độ chiến-hay-chạy cũng có thể dẫn đến sự tiết ra “một số lượng lớn các hoá chất” như là chất dẫn truyền thần kinh hay hormones, làm tăng cường sự trao đổi chất của chúng ta, nhằm để có thể chạy cho nhanh đó!
Một ví dụ của những hoá chất này là endorphins, thuốc giảm đau mà cơ thể sản xuất tự nhiên, cảm giác phê pha mà nó mang lại đã từng được so sánh với morphine. Kerr giải thích “Những hoá chất endorphins này chặn cảm giác đau đớn, nên ngay cả khi ta bị thương, chúng ta cũng sẽ không cảm thấy đau quá kịch liệt”. Sự sản xuất hoá chất này có thể được kích hoạt thông qua việc tập thể dục, stress về mặt tinh thần, đau đớn, các cơn cực khoái, hay thậm chí bằng việc ăn thức ăn cay nóng hay sô cô la và xem một bộ phim cực kỳ đáng sợ cũng có thể kích hoạt hiệu ứng tương tự.
Một hoá chất khác mà Tiến sĩ Schlozman nói rằng bạn có thể trải nghiệm khi lâm vào các tình huống đáng sợ chính là Dopamine. Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh giúp chuyển giao thông tin giữa các bộ phận khác nhau của cơ thể và trong quá trình đó, mang theo một cảm giác thoải mái tương tự như cảm giác mà edorphins mang lại. Một nghiên cứu xuất bản vào Tháng 6 năm 2018 trong Tạp chí Nature Communication cho rằng tiếp xúc với Dopamine trong thời gian dài có thể làm giảm phản ứng toàn diện của chúng ta đối với nỗi sợ.
Tất cả nằm trong óc tưởng tượng của mỗi người: Não bộ của bạn khi xem phim kinh dị
Vậy nếu đó là những gì diễn ra trong cơ thể chúng ta khi chúng ta sợ hãi, chúng ta suy nghĩ gì trong đầu vào những lúc như vậy? Theo Schlozman, não bộ của bạn có rất nhiều thứ cần xử lí trong một tình huống khẩn cấp. “Chúng ta bắt đầu tiếp cận mối nguy hiểm” ông nói. “Mình đã từng nhìn thấy thứ gì như thế này trước đây chưa? Chuyện gì đã xảy ra nếu mình đã từng thấy thứ như vậy rồi? Mình có nổi hứng vì điều này có vẻ quen thuộc hay mới lạ không? Những người xung quanh mình đang phản ứng với điều này như thế nào?”
Ở đây là nơi mà mọi thứ bắt đầu thể hiện sự khác biệt giữa một mối nguy thật sự và một cái ta nhận biết trong vô thức. Khi xem phim, từ sâu trong tâm thức, bạn vẫn nhận ra đó chỉ là một bộ phim và do đó mặc dù bạn nhận biết rằng về mặt khách quan bạn đang ở trong một tình huống đáng sợ, bạn vẫn tận hưởng cảm giác sung sướng mà endorphins và lượng oxy sung túc được bơm lên não bạn mang lại mà không cần bận tâm về một mối đe doạ thật sự nào.
“Nếu bạn là một người thích phim kinh dị thì bạn hãy ngồi vào ghế đệm và tận hưởng nỗi sợ theo cách mà bạn tận hưởng tàu lượn siêu tốc”. Schlozman nói “Nếu mối nguy là thật thì bạn sẽ làm điều tương tự nhưng bạn sẽ không trong hầu hết trường hợp tận hưởng trải nghiệm đó.” Ngay cả khi chúng ta biết mối nguy không phải là thật thì chúng ta vẫn có thể tìm được niềm vui khi thử thách bản thân liệu ta có thể giải quyết mối nguy đó chăng.
Ngoài ra còn có một sự kích thích đặc thù khác đến từ việc xem những thứ làm bạn sợ hãi. Jones nói “Dù thật sự là phim kinh dị nhắc chúng ta nhớ về bản thân mỗi người, nhưng những lời nhắc ấy được gửi đến theo một hình thức đầy tinh tế và trí tuệ”. “Chúng hỏi ta những câu hỏi nghiêm túc, ví dụ như chức năng xã hội của sự bạo lực, sự kinh tởm của sự bất công trong kinh tế và xã hội, trạng thái linh hồn của bạn, vị trí của bạn trong vũ trụ, vấn đề về sự tồn tại của ác quỷ trong một thế giới đáng lẽ ra được quản trị bởi một thế lực thần thánh và liệu đã quá trễ để cứu Trái Đất? Chúng ta rồi sẽ phải đối mặt những câu hỏi nghiêm túc ấy và chúng sẽ trở nên quen thuộc với bất kì người đọc truyện hay xem phim kinh dị nào.”
Nhiều người chúng ta cũng tận hưởng phim kinh dị như một cách bình luận về xã hội. Nhiều thứ chúng ta thấy trong phim kinh dị thường là một tấm gương về thế giới quan và về chính bản thân chúng ta, chúng cho phép ta khám phá những chủ đề rộng lớn hơn thông qua những màng lọc mà xã hội chấp nhận về những thứ ma quái lộng hành trong buổi đêm.
Hãy thử xem Dawn of the Dead như một sự phê phán “chủ nghĩa tiêu thụ hoang phí” theo cách mà Schlozman đặt tên cho nó, It Follows như một câu chuyện cảnh tỉnh về mối nguy hiểm của tình dục không an toàn và The Babadook nói về sự kiềm nén nỗi khổ đau cực đoan. Một khi bạn nhận ra rằng hầu như tất cả các bộ phim kinh dị (không nói về những tên sát nhân từ ngoài không gian) luôn có gì đó đề cập đến xã hội, xem phim kinh dị trở thành một cách vui thú (và thậm chí đáng sợ hơn) để diệt trừ con quỷ bên trong chúng ta hoặc đối mặt với những bóng ma xã hội.
Kerr cho rằng phim kinh dị là một phương pháp để đem lại sự kích thích cho bản thân. Tiếp cận một trải nghiệm mới đáng sợ với một thái độ đầy tò mò, khám phá và thử thách bản thân có thể là một cách tuyệt vời để quản lý stress và cải thiện khả năng giải quyết vấn đề.
Hướng dẫn "newbie" đến với Thế giới của phim kinh dị
Nếu tất cả những điều này nghe có vẻ thú vị đối với bạn nhưng bạn vẫn chưa chắc chắn làm sao để tiếp cận thể loại phim này. Đừng sợ vì chúng tôi đã thu thập những mánh của cao thủ để bạn có thể tận hưởng những trải nghiệm đáng sợ ấy thật đủ đầy theo cách của mình.
Hỏi “Vì sao?” - Schlozman đề nghị rằng người xem phim kinh dị thông minh là những người tự tạo ra những câu đố từ trải nghiệm khi xem phim. “Hãy hỏi chính mình, tại sao bộ phim lại đáng sợ? Tại sao không? Những thủ thuật gì mà người viết kịch bản và đạo diễn đã đưa vào bộ phim? Và quan trọng nhất, chủ đề của bộ phim là gì? Bộ phim nói gì về văn hoá của chúng ta?”
Bắt đầu chậm rãi - Kerr nói rằng bạn không cần phải gấp khi xem phim kinh dị. “Thử bắt đầu với những bộ kinh dị hài hước nhãn PG-13, những bộ mà có một sự cân bằng tương đối giữa trò đùa ngớ ngẩn và sự kinh dị, và tìm những nội dung khác với thực tế một chút. Tiếp cận chúng với một thái độ tò mò, khám phá và thử thách bản thân.”
Tìm kiếm theo nội dung - Theo Jones, việc tận hưởng môt bộ phim kinh dị nhiều hay ít phụ thuộc phần lớn vào nội dung của bộ phim: “Có nhiều thể loại phim kinh dị khác nhau, như là những bộ phim ma thập niên trước sẽ đem lại trải nghiệm tốt nhất khi xem một mình, tốt nhất là vào đêm muộn.” Trong khi đó, việc xem phim kinh dị đôi lúc tốt nhất là nên xem cùng nhiều người để đem lại hiệu quả tốt nhất. Nỗi sợ cũng có tính lan truyền nhất định. Không thì những bạn đồng hành sẽ cho bạn dũng khí, nếu bạn cảm thấy quá sợ.
Biết xem gì đây: Lựa chọn của chuyên gia
Bạn muốn nhúng chân vào vùng nước tăm tối của phim kinh dị và phim truyền hình nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu? Sau đây là một số bộ phim chúng tôi đề xuất. Nếu bạn hứng thú với những bộ kinh điển, Schlozman gợi ý bộ Night of the Living Dead (1968), bộ đầu tiên của thể loại xác sống (zombie), ông mô tả bộ phim là chính xác là một tuyệt tác. Cùng với đó là Blair Witch Project (1999) một bộ phim độc lập kinh phí thấp về vài sinh viên đại học thực hiện nhiệm vụ lưu lại tài liệu về huyền thoại một phù thuỷ, một bộ phim mà vẫn còn hù Schlozman hú hồn.
Giữa những bộ phim ra mắt gần đây, ông gợi ý bộ It Follows (2014), trong phim một thiếu nữ bị săn đuổi bởi một thực thể siêu nhiên lây truyền qua đường tình dục. Cuối cùng là The Babadook (2014), trong phim một nhân vật quỷ quyệt trong quyển truyện trẻ con bước vào thế giới thật và ám ảnh người mẹ và con của cô ta. Hai bộ phim này nằm trong một danh mục của riêng chúng vì cả hai có lý do của riêng mình.
Bạn có phải là kiểu đánh mất khái niệm về thời gian khi say sưa xem Netflix? Trong trường hợp đó, Jones nói rằng Stranger Things (2016) là một khởi đầu không tệ cho người mới, một seri phim lấy bối cảnh vào những năm 80 nói về một nhóm các thiếu niên chiến đấu với một thế giới siêu nhiên đe doạ xâm chiếm hành tinh của chúng và là một bộ phim rõ ràng được chăm chút rất cẩn thận với cả tình yêu và kĩ năng trong diễn xuất và cả kịch bản.
Một seri Netflix nổi tiếng khác là The Haunting of Hill House (2019) kể về một gia đình bị ám bởi người chủ cũ của ngôi nhà, bộ phim được nhiệt liệt đón nhận vào thời điểm bắt đầu trình chiếu, và được tiếp nối bởi một seri phim thứ hai mang tên The Haunting of Bly Manor. Nếu hai kịch bản trên nghe có vẻ quen quen thì đó là bởi vì 2 bộ phim này dựa trên hai cuốn tiểu thuyết nhất định phải đọc của dòng truyện kinh dị kinh điển là The Haunting of Hill House của Shirley Jackson và The Turn of the Screw của Henry James.
Sắp tới đây tại phòng vé Việt sẽ có sự xuất hiện của Điện Thoại Đen (The Black Phone), một bộ phim kinh dị đầy tiềm năng khi khai thác chủ đề giật gân với thông điệp "đừng bao giờ nói chuyện với người lạ". Bộ phim ghi nhận được nhiều đánh giá tích cực khi được 100% cà chua tươi rói trên Rotten Tomatoes từ giới phê bình. Liệu đây sẽ là một dự án kinh dị thành công khi rạp Việt hiện đang khá thiếu thốn những thước phim kinh dị ấn tượng? Phim có suất chiếu sớm từ 22.06, hãy cùng ra rạp ngay nhé!
Điện Thoại Đen (The Black Phone) chính thức khởi chiếu vào 24.06.2022.