Snowdrop của nhà đài JTBC có lẽ là bộ phim lùm xùm nhất dịp cuối năm 2021 này. Tác phẩm gây chú ý ngay từ khâu tuyển chọn diễn viên nhờ dàn cast đỉnh cao gồm Jung Hae In và Jisoo trong vai chính, Yoon Se Ah, Kim Hye Yoon, Yoo In Na... xuất hiện với vai phụ. Snowdrop do đạo diễn Jo Hyun Tak của bộ phim ăn khách SKY Castle chỉ đạo, lấy bối cảnh năm 1987 khi phong trào dân chủ của Hàn Quốc diễn ra.
Jung Hae In hóa thân thành Su Ho - sinh viên trao đổi từ Đức đột nhiên lao vào ký túc xá nữ với thân hình đầy máu. Jisoo là Young Ro - cô gái đã giấu Su Ho và chăm sóc ngay cả khi đang đối mặt với nguy hiểm dưới sự giám sát chặt chẽ. Ở thời điểm chính trị biến động, cả hai cùng tạo ra một chuyện tình đẹp day dứt lòng người. Với kịch bản thú vị và diễn viên tiềm năng, Snowdrop vẫn bị tẩy chay và lý do tại sao?
1. Nội dung phim bị đánh giá xuyên tạc lịch sử
Bộ phim lấy bối cảnh trong thời kỳ bất ổn chính trị ở Hàn Quốc vào những năm 1980 khi người dân đấu tranh chống lại chế độ độc tài của cựu tổng thống Chun Doo Wwan vì dân chủ. Người xem phản đối Snowdrop xây dựng nam chính Su Ho (Jung Hae In) là một gián điệp. bởi trong quá khứ, những người biểu tình bị cáo buộc là gián điệp của Triều Tiên và sau đó bị bỏ tù, tra tấn và giết chết. Ít nhất 200 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã bị giết.
Nhiều người xem đã phẫn nộ khi cho rằng chương trình có một điệp viên Triều Tiên "có khả năng tham gia hoặc thậm chí liên quan đến phong trào ủng hộ dân chủ của Hàn Quốc". Sau 2 tập đầu lên sóng, đã có hơn 300.000 khán giả yêu cầu đài JTBC ngừng công chiếu Snowdrop. Đồng thời, tính đến ngày 24.12, đơn kiến nghị Nhà Xanh đóng cửa JTBC cũng nhận được hơn 30.000 chữ ký.
2. Sử dụng bài hát có ý nghĩa lịch sử sai bối cảnh
Không dừng lại ở đó, người xem cũng phát hiện ra vấn đề với việc sử dụng một bài hát "có ý nghĩa lịch sử" Pine Pine Green Pine được phát trong cuộc rượt đuổi giữa một điệp viên Triều Tiên và thành viên Cơ quan Kế hoạch An ninh Quốc gia. Được biết đây là bài hát được sử dụng trong phong trào học sinh trong cuộc vận động dân chủ hóa với ý nghĩa nhằm nhấn mạnh sự đau khổ và chiến thắng của những người thực hiện phong trào dân chủ hóa. Do đó, việc ê-kíp Snowdrop sử dụng bài hát này làm nhạc nền cho nhân vật gián điệp là hành vi không thể chấp nhận được.
3. Diễn xuất chưa được tốt của Jisoo
Trước khi đóng Snowdrop, Jisoo đã xuất hiện trong vai trò cameo của một số phim truyền hình nhưng không quá ấn tượng. Đến Snowdrop, "chị cả" BlackPink mới được lên đóng chính với nhân vật Young Ro. Nếu như fan quốc tế phấn khích với điều này thì người Hàn Quốc lại không đồng tình. Một số khán giả chỉ trích nặng nề cách phát âm cũng như ngữ điệu của Jisoo trong phim.
Trên mạng xã hội, nhiều người cho biết họ không hiểu những gì cô đang nói và cần phải đọc phụ đề để nắm được nội dung phim. Cách Jisoo đọc thoại vụng về ngắt quãng, khiến người xem tự hỏi liệu YG Entertainment có "mua vai" cho người đẹp sinh năm 1995 hay không. Ngoài ra, biểu cảm Jisoo bị cho là quá cường điệu và có phần gượng gạo.
Phía đạo diễn Jo Hyun Tak lại lên tiếng bên vực đại sứ toàn cầu của Dior, cho biết: “Ngay khi tôi xem buổi thử vai của Jisoo, tôi đã biết đây chính là Young Ro. Vì vậy vai diễn được quyết định ngay trong nháy mắt”. Việc đóng cặp cùng ngôi sao thực lực Jung Hae In cũng phần nào gây ra áp lực lớn cho Jisoo.
Những ồn ào kể trên khiến Snowdrop gặp phải rất nhiều thử thách. Không chỉ đơn kiến nghị gửi lên Nhà Xanh, các nhãn hàng như Nội thất Heungil, Trang phục Ganisong, Làng Ssarijae, Hans Electronics... còn đồng loạt rút lui khỏi dự án vì bị chỉ trích quá dữ dội. Diễn viên phụ Yoo In Na cũng không tránh khỏi cơn bão tiêu cực khi cư dân mạng đòi hủy vai cô trong chương trình UHD History Special - Museum Is Alive.
Đến nay Snowdrop đã phát sóng được đến tập 7 và nhà đài JTBC thậm chí còn lên tiếng dọa kiện ngược những người tung tin đồn không chính xác làm ảnh hưởng đến đoàn phim.
Ảnh: Soompi