Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể lấy ý tưởng từ một câu chuyện cổ tích. Câu chuyện mà chắc rằng không người Việt Nam nào chưa từng nghe qua. Do đó bộ phim đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm ngay khi mới tung ra trailer đầu tiên. Nhưng rồi sự việc CGV quyết định không chiếu Tấm Cám (xin được gọi tắt tên bộ phim là như vậy) đã làm cho dư luận hướng đến bộ phim với một cách nhìn khác. Người ta giờ đây tìm đến bộ phim ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi những tin tức mà họ đọc được. Những vấn đề chỉ người trong cuộc mới có thể biết ai đúng ai sai.
Câu chuyện trong Tấm Cám có nhiều điểm mới lạ đúng như cái tên của nó. Nàng Tấm xinh đẹp hiền lành cùng cô em Cám hung dữ đa đoan không còn là nhân vật chính của bộ phim mang tên mình. Thay vào đó, nội dung chính tập trung vào thái tử Hiếu Long. Ngoài chuyện tình giữa thái tử và Tấm, bộ phim còn khai thác chủ đề dẹp nội loạn, chống ngoài xâm kèm theo chút hơi hướng kỳ ảo. Tuy nhiên các tình tiết mới được xây dựng chưa thật sự nổi bật. Điều đó làm những chi tiết từ cốt truyện dân gian như giỏ tép, chim vàng anh hay cây xoan đào lại trở thành phân đoạn phim đẹp và chỉn chu nhất.
Tấm Cám có những cảnh quay tuyệt đẹp từ hoàng cung. Nhưng bản thân tôi lại thích khung cảnh nhà Tấm hay nhà bà lão cuối phim hơn. Những hình ảnh thôn quê Việt Nam hiện lên thật thơ mộng. Bức tranh gần gũi thân thuộc với những giếng nước, cây cau, sàng thóc làm cho ta hoài tưởng về quá khứ, lúc nhỏ chơi trốn tìm trong vườn, đá banh trên ruộng lúa, trèo cây hái quả. Hồi ấy khi nghe chuyện cổ tích rất ghét những vai phản diện, nhưng rồi khi lớn, ta lại có nhiều suy nghĩ hơn về những nhân vật này.
Dì ghẻ và con chồng nó giống như mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Cái đời thường mà ai cũng biết ấy nhưng đa phần ta vẫn hay chê trách họ. Những dì ghẻ, mẹ chồng trở thành như vậy cũng chỉ vì quá yêu thương con cái của mình. Dì ghẻ thương Cám, mong muốn Cám có một cuộc sống thật hạnh phúc. Bà ấy không muốn Cám không phải làm việc nặng nhọc nên bắt Tấm làm hết việc nhà. Bà ấy chặt cây cau hại Tấm cũng vì Cám. Nhiều người trong chúng ta ghét dì ghẻ và cũng có những người lại cảm thông với bà ấy. Vì biết đâu chính bản thân mình cũng đang đóng vai dì ghẻ ngoài đời.
Cám có lẽ là vai diễn tốt nhất trong phim. Dù Ninh Dương Lan Ngọc không có nhiều thời gian để thể hiện, nhưng cách cô làm người xem thấy ghét mình thực sự là một thành công. Chú Hữu Châu cũng có một vai diễn rất tốt nhưng nhân vật này lại được xây dựng khá yếu. Tới khi cuối phim vẫn thấy một kiểu cách rất nhợt nhòa. Nhân vật Trần Bằng tạo được ấn tượng khá tốt. Những Thuận Nô, Trần Lực, ông Bụt gây hài hước cho phim nhưng bị sử dụng nhiều lần làm tiếng cười trở nên nhạt đi. Để rồi khi cuối phim cả rạp cười vang lên vì một tình tiết không hài. Còn Tấm của Hạ Vi, thì đó thực sự là một thất bại, nó thất bại như cuộc đời ban đầu của Tấm vậy.
Tấm hay khóc và chỉ biết khóc. Cô khóc vì cuộc sống quá khổ, quá khó khăn với chính mình. Tấm không lựa chọn để sống cùng người dì ghẻ độc ác và cô em ngang ngạnh. Cô sinh ra đã mất mẹ, cha cũng rời bỏ cô mà đi. Số phận của Tấm nó như nhiều con người đáng thương trong xã hội. Và với một câu chuyện cổ tích, những người như Tấm sẽ luôn nhận được hạnh phúc. Cô được ông Bụt giúp đỡ, gặp được thái tử rồi sau đó trở thành thái tử phi. Cô sống hạnh phúc bên cạnh người mình yêu và hết mình vì anh ấy. Ngay cả khi cô chết đi cũng luôn ở bên để bảo vệ chàng trai của mình.
Còn thái tử, người mà Tấm đem lòng yêu thương hết mình. Anh ấy cũng yêu Tấm trong một thứ tình cảm được xây dựng có phần hời hợt. Hai người nhìn nhau và có cảm tình, rồi sự đời đưa họ trở thành vợ chồng. Nhưng cả sau đó, cách thể hiện tình cảm của họ cũng chẳng tạo chút điểm nhấn gì. Một phần vì Hạ Vi giống như một bình hoa di động, còn Isaac thì quá đẹp trai và anh luôn tạo cảm giác mình thật đẹp trai bất cứ lúc nào. Tuy vậy cũng phải khen ngợi cho anh ấy vì đã thể hiện khá tròn vai nhân vật của mình. Ít nhất nó làm cho tôi không cảm thấy thất vọng quá nhiều về bộ phim.
Điều đáng chê trách nhất của Tấm Cám đó chính là kịch bản. Việc ôm đồm quá nhiều thứ khiến khâu biên kịch trở nên vô cùng khó khăn. Nhìn rộng ra thì Ngô Thanh Vân đã xử lí rất hay các chi tiết mới. Nhưng cô lại quên rằng chỉ đưa ra cách giải quyết thì không thể thành công được. Rất nhiều câu thoại, đoạn thoại trong Tấm Cám tỏ ra rất kém. Chưa kể cách giải quyết kết phim khiến người xem cảm thấy khó chịu. Không phải vì quá tệ mà nó quá sức tưởng tưởng. Có vẻ Ngô Thanh Vân đã quá tham khi đưa ra cách xử lý này. Thà rằng Tấm Cám được giải quyết theo cách của một bộ phim cổ trang thông thường sẽ lại hay hơn.
Dù Tấm Cám có thành công về mặt doanh thu hay không thì với bản thân tôi nó cũng đã là thành công. Chị Vân có thể không tạo ra một bộ phim hay nhưng chị đã làm được một bộ phim đáng để xem. Có lẽ bây giờ Tấm Cám bị nhiều người chê trách nhưng sau này khoảng mấy chục năm sau. Ai biết được rằng người ta lại nhớ tới nó như một dấu mốc của điện ảnh Việt. Nếu không có lần đầu thì sao có lần thứ hai, thứ ba hay sau này. Nếu không có ai dám đứng lên thì sao có người tiếp tục. Và nếu không cố gắng thì cũng sẽ chẳng thành công.
Tôi nhớ thời tôi là một đứa trẻ, rong ruổi với đám bạn, ngập tràn trong những món đồ chơi và không thể thiếu đi những câu chuyện cổ tích. Những câu chuyện được ông bà cha mẹ kể cho nghe. Ở đó có một thế giới ngày xửa ngày xửa đầy nhân văn. Những bài học về làm người, các bài giảng về đạo đức. Người tốt ắt sẽ được hạnh phúc, kẻ xấu rồi sẽ bị trừng trị. Chúng ăn sâu vào tâm trí tôi, gắn liền với một thời tuổi nhỏ.