Nói không ngoa, trong những phim ra đợt Tết kỳ này, Tây Du Phục yêu a.k.a Tây Du Mối Tình Ngoại Truyện 2 đóng mác Châu Tình Trì và Từ Khắc là bộ phim được mong chờ nhất. Không phụ lòng người hâm mộ, bộ phim khiến cả rạp cười rần rần với những pha hài nhảm khó đỡ xen lẫn với những cảnh tình cảm rất mùi Châu Tinh Tinh. Tuy nhiên, bộ đôi Từ Khắc – Châu Tinh Tinh vẫn chưa tìm được bước đột phá trong phim này. Không những thế, tiếng cười và tiếng lòng trong Tây Du Phục Yêu đã nhạt nhiều so với những phần trước đó.
I. Tây Du Phục Yêu – Phần nào phục được cả khán giả
Được nhào nặn bởi bàn tay của đại danh hài Châu Tinh Trì và đạo diễn nổi tiếng Từ Khắc, Tây Du Phục Yêu dĩ nhiên có một tầm vóc đáng gờm. Tây Du Phục Yêu lại là làm lại của Tây Du Đại Thoại, bộ phim có thể coi là thành công nhất của Châu Tinh Trì, nên quả nhiên rất xứng đáng sự mong chờ của người hâm mộ. Và sự mong chờ đó phần nào được đền đáp trong tập phim này.
Các chi tiết hài được cài cắm xuyên suốt trong bộ phim và được thể hiện chủ yếu qua các màn tung hứng giữa thầy trò Đường Tăng (Ngô Diệc Phàm) và Tôn Ngộ Không (Lâm Canh Tân). Những pha động khẩu, thậm chí là động tay động chân giữa 2 thầy trò đủ khiến các khán giả không khó tính cười nghiêng ngả trong rạp. Đằng sau những tiếng cười ấy là một khúc mắc lớn giữa 2 thầy trò mang cái tên của một người con gái: Đoàn tiểu thư. Những điều này ai đã xem qua phần I chắc chắn sẽ hiểu rõ. Và người con gái đó còn ám ảnh Đường Tăng rất lớn, nhất là khi có mặt Ngộ Không ở cạnh bên.
Trong phần 1, Tôn Ngộ Không do Hỏa Vân Tà Thần… ấy nhầm… diễn viên gạo cội Hoàng Bột thể hiện là một con khỉ loắt choắt vừa tinh quái vừa ác. Trong phần 2 này, Tôn Ngộ Không đột nhiên cao lên lực lưỡng và do đó có thêm phần “bá khí”. Lâm Canh Tân đã thể hiện rất thành công nhân vật Tôn Ngộ Không với cái nhíu mày ngang tàng, đôi mắt lém linh tinh quái, lúc cần đơ thì rất đơ, mà lúc cần biểu cảm thì cũng đầy đủ các sắc màu: ai oán có, bất phục có, không can tâm có,.v.v.. Biểu cảm giọng nói của Lâm Canh Tân cũng rất tốt. Trong trailer, chắc hẳn nhiều người cũng đã phải nổi da gà khi nghe đoạn thoại “Những gì ta nợ hắn, ta sớm đã trả hết. Những gì hắn nợ ta, không cần hắn phải trả. Thầy trò chúng ta từ đây ÂN ĐOẠN NGHĨA TUYỆT!”.
Cái bá khí còn lại đến từ những đoạn thuần CGI lúc Tôn Ngộ Không hiện hình. Phải công nhận CGI của bộ phim này thể hiện thần thái của Tôn Ngộ Không rất tốt, nhất là cái khí khái bất phàm của cái con khỉ đá này. Đặc biệt là trong phân cảnh đối đầu với Hồng Hài Nhi và phân cảnh khác Tôn Ngộ Không thể hiện tâm thế “gặp ma diệt ma, gặp yêu trừ yêu” hoành hành bá đạo. Tuy vậy, con khỉ đá này cũng rất lém lỉnh. Tuy luôn ấm ức Đường Tăng, thậm chí có lúc gài bẫy suýt đẩy ông thầy này vào chỗ chết, nhưng tình cảm giữa Tôn Ngộ Không và Đường Tăng vẫn rất sâu đậm. Chắc điểm yếu duy nhất của con khỉ đá phiên bản này là chưa thể hiện được… dáng vóc của 1 con khỉ thật sự như Lục Tiểu Linh Đồng.
Bên cạnh đó, 2 đệ tử còn lại của Đường Tăng cũng rất đáng xem. Không giống 1 số phim Tây Du Ký khác, Đường Tăng là Trư Bát Giới và Sa Ngộ Tĩnh cũng có phần đất diễn cho riêng mình trong bộ phim này. Không chỉ là nhân tố gây hài hay mắt xích trong trò tung hứng của Đường Tăng – Ngộ Không, Bát Giới và Ngộ Tĩnh dường như còn đóng vai trò làm tấm gương phản chiếu nội tâm của Đường Tăng và Ngộ Không. Nói cách khác, 2 gã này chính là thuyết minh cho những “thủ đoạn” của cặp thầy trò bằng mặt không bằng lòng kia. Đáng tiếc, trong trận đánh boss cuối, dù cả 2 tạo dáng rất ngon nhưng rốt cuộc chẳng đóng vai trò gì nhiều.
Ngoài phần hài nhảm, phim của Châu gia gia còn phần tình. Phần tình là nỗi khắc khoải của Đường Huyền Trang với Đoàn tiểu thư. Trong lòng của Đường Tăng, cũng như chính Châu gia gia, là một nỗi thống khổ trọn đời vì “yêu thương trọn đời” mà chẳng thể tương phùng. Đường Tăng vì thế mới có thể buông bỏ chấp niệm, bước lên hành trình ngàn vạn dặm trừ yêu diệt ma, phổ độ chúng sinh, thỉnh Phật Tây Phương. “Yêu thương trọn đời” cũng là bài hát truyền đời từ Đại Thoại Tây Du và là điểm mấu chốt cho cái ‘’twist” cốt yếu trong tập phim này.
Nếu Châu Tinh Tinh góp cái hài và cái tình, thì Từ Khắc góp phần đưa bộ phim lên một nấc thang mới trong cái sự hoành tráng. Hình ảnh trong phim được xử lý công phu, từ hang ổ của bầy nhền nhện “Bàn Tơ Động”, hay cảnh thành quách trong “U Tì Quốc”. Đặc biệt, cảnh hoàng cung pha sắc màu Trung-Ấn được hoàn thiện rất công phu và chi tiết. Cảnh đại chiến giữa Tôn Ngộ Không và các yêu quái trong phim cũng thập phần hoành tráng. Nói không ngoa, phần đại chiến trong phim chính là điểm nhấn mạnh mẽ giúp nâng tầm của bộ phim rất nhiều.
II. Cười nhạt cho qua
Tuy bộ phim mang lại tiếng cười cho đông đảo khán giả, nhưng e rằng tất cả chỉ là tiếng cười nhạt mà thôi. Các phân cảnh gây hài được cài cắm rất nhiều trong phim, nhưng dưới bàn tay đạo diễn Từ Khắc thì những cảnh đó vẫn tạo cảm giác chưa tới. Phân cảnh đầu phim được cố gắng tạo tiếng cười qua những hành động trật quẻ nhưng lại thành ra rất là khiên cưỡng. Những phân cảnh hài sau đó có phần khá hơn nhưng vẫn không có điểm nào đắt giá. Nói cách khác, gần như không có câu thoại hay tình huống hài nào “bất hủ” khiến người ta không thể quên. Cùng lắm chỉ có đoạn “Quản lý rủi ro” là đáng nhớ.
Góp phần khiến bộ phim nhạt thêm chính là nhờ vai diễn Đường Tăng của Ngô Diệc Phàm. Đáng lẽ vai Đường Tăng sẽ phải rất hay khi là cặp đôi hoàn cảnh người tung kẻ hứng với Tôn Ngô Không. Tuy nhiên, Ngô Diệc Phàm chỉ thể hiện được đúng 1 bộ mặt đơ đơ 1 biểu cảm trong cả bộ phim. Dù giận dữ, bất ngờ, đau khổ,.v.v.. thì Ngô Diệc Phàm cũng chỉ thể hiện được mỗi một kiểu nhăn mày nhăn mặt. Bên cạnh đó, kịch bản phim có phần tham lam khi vừa muốn thể hiện Đường Tăng hài hước lại vừa muốn vai diễn này sâu sắc nhưng xử lý lại chưa tới. Do đó, vai diễn Đường Tăng tuy là nhân vật chính mà còn nhạt hơn toàn bộ đám đệ tử.
Một điểm yếu khác nữa bộ phim đến từ phần kỹ xảo. Không hiểu sao mà bộ phim này quá lạm dụng kỹ xảo chứ không dùng hóa trang như phần 1. Có thể thấy, hơi 1 tí là Ngộ Không lại “khoe” bộ mặt khỉ CGI. Không những thế, tuy phần Bàn Tơ Đông thể hiện khá tốt nhưng các “trùm” sau thì quá lộ là hàng giả. Vấn đề đến từ việc xử lý bề mặt chất liệu (texture) của nhân vật không tốt. Không những thế, việc sử dụng màu sắc hơi lòe loẹt gần với màu cơ bản càng khiến cảnh trong phim trông giống như cảnh trong game online của Trung Quốc.
Nói cho công bằng, đây không phỉa chỉ là điểm yếu của Tây Du Phục Yêu mà còn là của các phim thể loại thần thoại, đặc biệt là phim thần thoại châu Á ưa đa dạng màu sắc. Trong các phim tới, Từ Khắc và Châu Tinh Trì nên tìm cách vượt qua hoặc “liệu cơm gắp mắm”, hạn chế bớt lại hoặc dùng thủ thuật để đỡ giả, chứ đừng xấu khoe tốt che như hiện tại.
III. Kết luận
Là phần 2 trong series làm lại từ bộ Đại Thoại Tây Du, Tây Du Phục Yêu được đầu tư nhiều hơn nhưng lại có dấu hiệu hụt hơi so với phần 1 là Mối Tình Ngoại Truyện. Điều này có thể gây nguy hiểm cho sự nghiệp sản xuất phim của Châu Tinh Trì khi kha khá người hâm mộ đã hết kiên nhẫn với anh sau bộ phim này và Mỹ Nhân Ngư trước đó. Nói vậy không có nghĩa là Tây Du Phục Yêu không hay. Nó vẫn có đầy đủ các yếu tố để bạn thưởng thức ngoài rạp, nếu bạn không khó tính lắm. Bỏ qua sao được một bộ phim thần thoại vừa có hài vừa có hành động hoành tráng cơ chứ?!