Nhắc đến sự thành công của điện ảnh Châu Á thì chắc chắn không thể không nhắc đến cái tên Thành Long, nam diễn viên hành động nổi tiếng này chính là biểu tượng văn hóa của Trung Quốc, đồng thời cũng là niềm tự hào của nền điện ảnh Châu Á. Nhưng có lẽ ít tai biết được để có thành quả ngày hôm nay thì Thành Long cũng đã đổ biết bao nhiêu máu và nước mắt.
Thành Long sinh năm 1954 tại Núi Thái Bình, Hồng Kông với tên khai sinh là Trần Cảng Sinh. Cha mẹ ông là những người di cư do cuộc Nội chiến Trung Quốc. Cũng vì vậy mà gia đình ông rất nghèo, nhưng cha mẹ quyết không để cho đứa con trai cũng ít học giống mình nên dù có phải làm việc gì thì cũng phải chu cấp cho con đi học. Trái với sự kỳ vọng của bố mẹ, Thành Long là một đứa trẻ ham chơi, lười học, thậm chí năm đầu tiên ông phải ở lại lớp. Những tưởng ông sẽ chẳng làm nên trò trống gì với cái bản tính bướng bỉnh đó, nhưng cuộc đời của ông đã rẽ sang một hướng khác khi Thành Long được gửi tới học tại Học viện Hý kịch Trung Quốc tại Hồng Kông, ngôi trường của sư phụ Vu Chiêm Nguyên. Ở đây, Thành Long đã phải trải qua quá trình huấn luyện khắt khe trong thời gian dài, đặc biệt là huấn luyện về võ thuật và nhào lộn. Ông đã gia nhập vào nhóm gồm những học sinh xuất sắc nhất của trường được chọn để đi đóng phim, và lấy nghệ danh là Nguyên Lâu.
Bộ phim đánh dấu bước chân đầu tiên của ông trên con đường nghệ thuật chính là Đại Tiểu Hoàng Thiên Bá, sau đó ông tiếp tục được nhận những vai diễn nhỏ khác. Cho đến năm 1971, sau khi xuất hiện trong một vai phụ của một bộ phim khác của Hồ Kim Thuyên, Hiệp Nữ, Thành Long bắt đầu sự nghiệp đóng phim với các vai diễn nhân vật trưởng thành trong ngành công nghiệp điện ảnh. Lúc này tuy vẫn chỉ đóng vai phụ nhưng dần dần ông đã được tiếp cận với những tác phẩm lớn như Tinh Võ Môn, Long Tranh Hổ Đấu …
Sau thất bại thương mại trong nỗ lực đầu tư ban đầu vào bộ phim và những rắc rối khi tìm vai đóng cảnh hành động, Thành Long đoàn tụ với cha mẹ tại Canberra vào năm 1976, nơi mà ông đã từng làm công nhân xây dựng. Và chính nhờ một người bạn tên Jack chỉ dạy mà ông có cái biệt danh là “Jack nhỏ” và từ đây cái tên Jackie Chan đã ra đời.
Trở lại với nghiệp diễn nhưng ông cũng không đạt đượt mấy thành công sau kế hoạch biến ông thành một Lý Tiểu Long mới với bộ phim Tân Tinh Võ Môn của La Duy. Dù thất bại nhưng ông vẫn không bỏ cuộc mà vẫn tiếp tục theo đuổi nghề diễn. Sang đến thập niên 1980, Thành Long ra mắt một loạt phim Long Huynh Hổ Đệ, Kế hoạch A, Phi Long Mãnh Tướng, Câu Chuyện Cảnh Sát... Tất cả đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Không dừng lại ở Hồng Kông hay Trung Quốc, tiếp tục nỗ lực để mang điện ảnh Trung Quốc vươn tầm thế giới, Thành Long nhen nhóm mục tiêu Hollywood vào thập niên 1990, nhưng thoạt đầu từ chối những đề nghị đóng vai phản diện trong các bộ phim Hollywood để tránh tiền lệ cho các vai diễn sau này. Đến năm 1995, ông cũng đã tạo được thành công trong việc tạo lập bước đi đầu tiên trong thị trường Bắc Mỹ với việc phát hành bộ phim Náo Loạn Phố Bronx trên toàn cầu, thu hút được những người hâm mộ tại Hoa Kỳ. Nối tiếp sau đó là thành công của Trả Lại Sự Yên Tĩnh Cho Bronx, Câu Chuyện Cảnh Sát 3 vào năm 1996 tại Hoa Kỳ dưới tên Supercop (Siêu Cớm), thu được khoản lợi nhuận là $16.270.600.
Để đạt thành công ngày hôm nay thì người anh hùng này cũng đã trải qua nhiều thất bại, đánh đổi bằng chính máu thịt của bản thân mình. Năm 1978, Thành Long bị đá vào mắt, xương lông mày tổn thương nặng khi đóng Túy Quyền. Lúc tham gia Xà Hình Điêu Thủ, cánh tay ông bị kiếm lia qua, máu chảy đầm đìa. Năm1980, khi ghi hình Sư Đệ Xuất Mã, Thành Long bị va đập vỡ sống mũi, bị chém mạnh vào phần cổ họng, nguy hiểm tới tính mạng. Đến năm 1985, khi đóng Câu Chuyện Cảnh Sát, Thành Long bị chấn thương nặng ở cột sống và xương chậu. Năm 1997, trên phim trường Một Người Tốt (Mr. Nice Guy), Thành Long bị thương ở mũi. Ông còn bị rơi từ cao xuống, tổn thương xương cổ. Thương tích nhiều là thế nhưng ông vẫn không chùn bước mà không ngừng học hỏi, thử thách bản thân với những đỉnh cao mới
Đến ngày hôm nay, Thành Long đã trở thành cái tên nổi tiếng nhất trong giới giải trí Châu Á, trở thành biểu tượng văn hóa của Trung Quốc, được ghi danh trên Đại lộ Danh vọng và đặc biệt tháng 11/ 2016, ông đã được nhận giải thưởng Oscar - Thành tự trọn đời - một sự vinh danh cho những cống hiến của ông trên con đường nghệ thuật. Đây là danh hiệu Oscar đầu tiên của Thành Long trong sự nghiệp và cũng đặt dấu mốc nghệ sĩ Trung Hoa duy nhất đến nay nhận giải Oscar.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực diễn xuất, Thành Long còn là một ca sĩ nổi tiếng. Kể từ năm 1984 đến nay, Thành Long đã phát hành tổng cộng 20 album. Ông thường đảm nhiệm luôn việc trình bày bài hát chủ đề của bộ phim có ông tham gia diễn xuất. Bên cạnh đó, ông còn tham gia các chương trình truyền hình và hoạt động từ thiện.
Dù trong vai trò nào thì Thành Long cũng hoàn thành rất tốt và những cống hiến, hy sinh của ông trên con đường nghệ thuật vẫn mãi được khán giả nhớ đến và công nhận.
Thành viên: Phạm Trang