Bên cạnh Stephen King, người đàn ông đã quá nổi tiếng với các tiểu thuyết kinh dị hấp dẫn được chuyển thể thành phim, có lẽ sẽ hơi thiếu công bằng nếu không nhắc đến Shirley Jackson – bà hoàng truyện kinh dị. Các tác phẩm của Shirley Jackson có đóng góp lớn trong thể loại này nhưng vẫn luôn bị đánh giá thấp. Không chỉ đơn thuần là kinh dị và hù dọa khán giả, tác phẩm của Shirley Jackson còn mang thông điệp xã hội, tâm lý… làm người đọc vừa rùng mình, vừa phải suy nghĩ.
Sau khi The Haunting of Hill House nhận nhiều lời khen ngợi khi được chuyển thể thành TV series trên Netflix, các câu chuyện của Shirley Jackson một lần nữa được chú ý và người ta tự hỏi, cuốn sách nào tiếp theo của bà sẽ được lên phim.
Dưới đây là những câu chuyện của Shirley Jackson xứng đáng được chuyển thể thành phim.
1. Cuộc đời của Shirley Jackson
Với hàng loạt truyện ngắn/tiểu thuyết đen tối đậm sắc màu lạ thường, người ta tự hỏi tác giả của nó là ai và điều gì đã khiến bà có khả năng viết nên những câu chuyện như thế. Người phụ nữ đứng sau các câu chuyện này là Shirley Jackson – mất lúc mới 48 tuổi do đau tim.
Những gì mà chúng ta được biết về bà thường là mắc chứng nghiện rượu, nghiện thuốc, có cuộc hôn nhân tan nát với người chồng bội bạc và họ cho rằng cuộc sống của bà dường như chính là nguồn cảm hứng chính để bà viết nên những câu chuyện kinh dị về chứng hoang tưởng và các hành vi dị thường của các nhân vật.
Khoảng thời gian thập niên 40-50 là lúc người ta mong đợi một người phụ nữ như bà vùi đầu vào bếp núc, hơn là lo cho sự nghiệp bằng việc viết và xuất bản hàng loạt câu chuyện gây tranh cãi. Bà nuôi 6 con mèo đen ở nhà, tin vào ma thuật và thường cho mình là một phù thủy, sử dụng hình nhân để ám hại kẻ thù. Trong tuyển tập truyện ngắn The Real Me, bà viết về bản thân “sống trong một nơi tối tăm với một hồn ma lởn vởn trên gác xép, nơi mà chúng tôi chưa bao giờ bước chân vào… điều đầu tiên mà tôi làm khi chuyển đến đó sống là vẽ bùa bằng bút sáp đen lên tất cả các cửa sổ và cửa chính để xua đuổi quỷ dữ.”
Nếu sử dụng những chất liệu này để tạo nên một bộ phim kinh dị lấy cảm hứng từ cuộc đời của Shirley Jackson thì có lẽ sẽ hấp dẫn hơn là làm một phim tiểu sử.
2. The Lottery
Một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của Shirley Jackson, The Lottery đã gây ra rất nhiều tranh cãi khi ra mắt vào năm 1948, khi quan điểm xã hội còn rất cứng nhắc và một câu chuyện gây sốc như The Lottery dễ dàng khiến người ta cảm thấy ghê tởm, sẵn sàng gửi hàng tá lá thư phàn nàn đến tờ The New Yorker - nơi xuất bản câu chuyện.
The Lottery xoay quanh một thị trấn nhỏ với truyền thống dị thường. Mỗi năm họ chọn ra một người trong một gia đình bằng cách bốc thăm, người đó sẽ nhận “nhiệm vụ cầu xin cho mùa màng được tươi tốt”. Người được chọn xem như được đánh dấu. Những tưởng người được đánh dấu sẽ được ban thưởng bằng cách nào đó bởi dù sao tên truyện cũng là The Lottery (tạm dịch: Trúng Số), nhưng độc giả có lẽ thấy điều gì đó bất thường khi người được chọn bắt đầu khóc lóc và van xin. Cuối truyện, chúng ta được chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp khi toàn bộ dân làng, kể cả con của người phụ nữ ấy, ném đá cô ta cho đến chết.
Mâu thuẫn xã hội, hủ tục và tâm lý bầy đàn mà Shirley Jackson đưa vào The Lottery có thể áp dụng vào cuộc sống trong bất cứ thời đại nào. Và chẳng cần một thực thể vô hình mới có thể khiến người ta khiếp sợ, sự tàn nhẫn của con người cũng đủ khiến độc giả lạnh gáy.
3. The Daemon Lover
The Daemon Lover được đặt theo tên một bản ballad của Scotland, xoay quanh một người đàn ông bí ẩn tên James Harris, sau khoảng thời gian dài mất tích, anh ta tìm về với người tình và thuyết phục cô đi cùng mình, bỏ lại người chồng và đứa con. Thay đổi một chút trong cốt truyện, Shirley Jackson biến bài hát thành câu chuyện về một nhân vật không tên, thức dậy vào một buổi sáng, chuẩn bị cưới người đàn ông tên Jamie Harris, nhưng chờ mãi mà không thấy hôn phu của mình đâu, cô quyết định đi tìm. Thế nhưng, đi đến đâu, người ta cũng quay lưng với cô và cô bắt đầu rơi vào khủng hoảng, cố gắng tự động viên mình bằng ảo tưởng rằng mọi chuyện vẫn ổn.
Không chỉ là câu chuyện khơi gợi sự tò mò và cảm giác lo lắng, The Daemon Lover còn có một tầng lớp ý nghĩa khác, xoay quanh những khó khăn mà người phụ nữ phải đối mặt khi vượt qua sự đàm tiếu của xã hội nhằm chọn cuộc sống độc thân, không chồng, tự gầy dựng sự nghiệp và làm những điều mình muốn. Thêm một câu chuyện khác không dùng thực thể siêu nhiên để hù dọa, mà sử dụng tâm lý và cảm giác lo lắng của nhân vật để “buộc chân” độc giả.
4. We Have Always Live in the Castle
We Have Always Lived in The Castle và The Haunting of Hill House là 2 trong số ít các tác phẩm của Shirley Jackson có sử dụng yếu tố siêu nhiên, ma thuật, thực thể vô hình... Song song với The Haunting of Hill House, đây được coi là tuyệt phẩm của Shirley Jackson, xoay quanh gia đình Blackwood với nhân vật chính là Merricat, người chị Constance và người chú Julian, sống trong một thị trấn nhỏ nhưng tách biệt với người dân xung quanh. Trong nhiều năm, ma thuật của Merricat có vẻ như đã bảo vệ gia đình Blackwood, cho đến khi Charles – bà con họ hàng xa của Blackwood xuất hiện và dự định chiếm lấy gia sản của gia đình. Những bí ẩn phía sau bắt đầu được tiết lộ.
Một nhóm người bị cô lập thường là chủ đề chính trong các truyện và tiểu thuyết của Jackson như The Haunting of Hill House, The Sundial và We Have Always Lived in The Castle… Các nhân vật sống trong một nơi biệt lập, tách biệt cả về thể xác, tinh thần và cả lý tưởng với xã hội chung ngoài kia, cho dù là vô tình hay cố ý.
We Have Always Lived in the Castle đã từng được chuyển thể thành phim cùng tên với sự tham gia của Taissa Farmiga (The Nun), Alexandra Daddario (Baywatch, True Detective), Crispin Glover (Alice in Wonderland), và Sebastian Stan (Captain America: Winter Soldier). Phim nhận được phản hồi tích cực tại Liên hoan phim LA nhưng chưa được chú ý nhiều lắm.
Đây là cuốn tiểu thuyết thể hiện rất rõ phong cách dị thường và kỳ lạ của Shirley Jackson khi sự điên khùng của Constance – chị của Merricat được cô xem như bình thường và vẫn yêu thương chị mình hết mực. Được kể lại dưới góc nhìn của nhân vật Merricat, một nhân vật không đáng tin chút nào, truyện làm độc giả tò mò mặc dù cái kết của truyện là một cái kết đẹp. Liệu có thật sự là các nhân vật đoàn tụ và sống hạnh phúc trong biệt lập hay không?
Các tiểu thuyết của Stephen King liên tục được chuyển thể, làm lại… vậy còn các truyện và tiểu thuyết hấp dẫn của Shirley Jackson thì sao?