Đánh giá phim

The Housemaid là bộ phim điện ảnh Hàn Quốc hay nhất mọi thời đại

The Housemaid (1960) có thể được miêu tả là rùng rợn và ngột ngạt, điên rồ và đôi lúc lố bịch, nhưng liên tục nhấn chìm người xem vào nỗi bất an bất tận trên khung nền sống động dù thiếu vắng màu sắc. Nếu đã xem bộ phim này, không có lý do gì để bạn bất đồng với Cơ quan Lưu trữ phim Hàn Quốc khi chọn nó là phim đứng đầu danh sách 100 bộ phim xuất sắc nhất mọi thời đại.

Cô hầu gái kinh hoàng

The Housemaid do đạo diễn Kim Ki Young cầm trịch kể câu chuyện về giáo viên dạy piano Kim Dong Sik (Kim Jin Kyu), vợ anh (Ju Jeung Ryu) bà Kim, một bà nội trợ, với hai đứa con nhỏ cố gắng sinh tồn trong thời buổi khó khăn. Cuộc sống của gia đình nhỏ không giàu nhưng bình yên. Nhưng rồi sự xuất hiện của kẻ thứ 3 đã phá hủy mọi thứ.

Mọi chuyện bắt đầu khi cả gia đình chuyển đến một ngôi nhà hai tầng mới xây ở ngoại ô. Nhận thấy công việc của chồng không còn đủ để chống đỡ 4 miệng ăn, bà Kim bắt đầu làm công việc may vá để kiếm thêm. Nhưng khi cả cha lẫn mẹ đều quay cuồng với cơm áo gạo tiền, việc chăm lo cho con nhỏ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Hai vợ chồng bèn nhờ bạn thân tìm cho mình một người giúp việc nữ và đó là Myung Sook (Lee Eun Sim). Trớ trêu thay, thay vì đỡ đần gia chủ, người phụ nữ quỷ quyệt sớm tống tình Dong Sik, mở đầu cho sự tan nát của gia đình họ. Khi cô ta và người vợ cùng lúc mang thai, ngôi nhà của họ trở thành một nhà tù đau khổ đọa đày.

The Housemaid: Viên ngọc sáng của điện ảnh Hàn Quốc

Mọi sự vĩ đại đều phải bắt đầu ở đâu đó. Nền điện ảnh Hàn Quốc không phải ngoại lệ. Để có được một Parasite (2019) rực rỡ của hôm nay, chúng ta phải nhìn lại năm tháng hoàng son đầu tiên của họ. Trong giai đoạn đó, viên ngọc mang tên The Housemaid ra đời rực rỡ và đầy say mê, như để báo trước khả năng làm nên những kiệt tác điện ảnh của Hàn Quốc sau này.

The Housemaid cô đọng chính kịch, hài kịch lẫn ý nghĩa xã hội

Là bộ phim trắng đen, The Housemaid không thể dựa vào màu sắc để diễn giải những sắc thái tra tấn của tình cảnh kỳ cục diễn ra trước mắt bạn. Song, những góc quay điệu nghệ kết hợp với ánh sáng sống động, bộ phim nhanh chóng biến bối cảnh chính đơn giản là ngôi nhà 2 tầng của gia đình Kim thành một địa ngục thu nhỏ.

Điều đó là yếu tố đầu tiên làm The Housemaid và đạo diễn Kim Ki Young trở nên nổi bật hơn tên tuổi cùng thời. Cách ông sử dụng máy quay để thực hiện nhiều tầng ý nghĩa, di chuyển góc nhìn thường xuyên khiến các nhân vật không thể trốn chạy, tức sẽ không có sự đau khổ diễn ra ngoài khung hình mà nó luôn được đặt vào tầm mắt người xem.

Những nhân vật trong The Housemaid luôn bị cầm tù theo cách này hay cách khác

Vào thời điểm mà những người cùng thời với Kim Ki Young chủ yếu được biết đến với những bộ phim tình cảm được quay bằng cảnh quay rộng (chủ yếu là tĩnh), The Housemaid không cần quá nhiều thời gian để cuốn khán giả vào bầu không khí cực kỳ ngột ngạt, cả về mặt hình ảnh lẫn cốt truyện.

Sự căng thẳng của bộ phim ngày càng tăng khi câu chuyện ngày càng trở nên đen tối, và như ông Kim, vượt khỏi tầm kiểm soát. Các nhân vật bị giam giữ cả thể xác lẫn tinh thần, không có nơi nào để trốn thoát, buộc phải dày vò nhau không ngừng. Thông qua những chi tiết ẩn dụ tinh thế, The Housemaid ngầm tác động đến giác quan khán giả, reo rắc nỗi bất an bất tận như thể chúng ta cũng đang chịu khổ như các nhân vật.

Bối cảnh của bộ phim chỉ lẩn quẩn trong một ngôi nhà 2 tầng

Nhưng The Housemaid thu hút đến kỳ lạ dù trải nghiệm xem phim dễ khiến chúng ta khó chịu, nhất khi Myung Sook bước vào khung hình với những toan tính quỷ quyệt của cô ta. Trên khung hình đen trắng, nơi màu sắc không thể mang đến bất kỳ đánh lạc hướng hay an ủi thị giác nào, câu chuyện trong đây được bóc tách từng lớp từng lớp một, từ tốn để lộ hết sự thật đen tối và gai góc trong và ngoài khung hình.

Kim Ki Young - Bậc thầy của điện ảnh Hàn

The Housemaid có nhiều tình tiết ẩn dụ, nhưng chúng được cân bằng khá tốt với yếu tố chính kịch drama lôi cuốn. Nếu là một người dõi theo điện ảnh Hàn, bạn sẽ nhận ra ngay tông giọng châm biếm xã hội của The Housemaid. Nói cách khác, bộ phim này là Parasite trước khi Parasite tồn tại và vượt qua ranh giới đó.

Nên mọi thứ trong đây thật ngột ngạt

Trong căn nhà 2 tầng, bên dưới sự giằng co giữa gia chủ và người giúp việc, cốt lõi vẫn là hai giai cấp xã hội cào cấu lẫn nhau nhân danh địa vị và sự giàu có. Không phải tự nhiên mà hình ảnh bậc thang xuất hiện khá nhiều trong phim – một hình ảnh mà Bong Joon Ho đã sử dụng trong kiệt tác 2019 để ám chỉ sự lên xuống của các giai cấp xã hội.

Vượt ra khỏi ranh giới này, The Housemaid thể hiện cuộc chiến giữa hai nền văn hóa truyền thống của Hàn Quốc và sự du nhập của tư tưởng phương Tây hậu chiến tranh, kéo theo đó là sự tan vỡ của giá trị và mô hình gia đình truyền thống được cô đọng qua cuộc giằng co căng não giữa hai người phụ nữ hoàn toàn khác biệt.

Phong cách hình ảnh và thiết kế âm thanh bổ sung hoàn hảo cho câu chuyện giật gân, đôi lúc trở nên cường điệu, khi thì hồi hộp, rùng rợn đến ớn lạnh. Phim thậm chí là hài hước ở một số cảnh, nhưng vẫn không quên để người xem biết phim là một vở bi kịch họ tự chuốc lấy.

The Housemaid là bộ phim có thể làm hài lòng những tâm hồn điện, với câu chuyện dày, dàn nhân vật phức tạp đa chiều cùng góc nhìn diễn giải xã hội và đạo đức đầy kịch tính. Không ngạc nhiên gì khi bộ phim được 69 nhà làm phim và tổ bầu chọn gồm 171 chuyên gia và nhà phê bình điện ảnh đánh giá cao đến vậy.