The Jungle Book phiên bản năm1967 là bộ phim cuối cùng mà ông W.Disney tham gia thực hiện. Nó là một di sản của đế chế hoạt hình vẽ tay, phim kể về chú bé Mogwli bị bỏ lại trong rừng sâu khi còn nhỏ, được một con báo đen tha về cho bầy sói nuôi dưỡng, và cũng trong khu rừng đó - có một con cọp độc ác Shere Khan muốn ăn thịt chú bé. Cuối cùng, nhờ sự đồng lòng của bạn bè và sự thông minh vốn có, Mogwli đánh bại được Shere Khan và trở về với buôn làng loài ngườ, chấm hết. Một câu chuyện đơn giản, dễ thương theo mô tuýp Disney.
Thế tại sao họ lại tốn tiền làm lại một bộ phim từ 50 năm trước như thế ? bạn có thể thắc mắc.
The Jungle book 1967 là một phầm của tuổi thơ tôi, và khi lấy một nội dung cũ để làm mới nó, bạn phải có một lý do thỏa đáng, và lý do đó chính là "công nghệ", Đạo diễn Jon Favreau trả lời.
Năm 2009, Avatar đã tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới khi tạo ra cả một thế giới viễn tưởng với công nghệ CGI. Chỉ cần có đủ trí tưởng tượng và tiền, mọi thứ có thể xuất hiện trên màn ảnh. Điều này hoàn toàn đúng với The Jungle Book, bạn sẽ bị choáng ngợp trước thế giới trước màn ảnh mà các nhà làm phim mang lại.
Công nghệ hình ảnh là lý do họ remake lại bộ phim và có lẽ cũng là điểm mạnh nhất của phim. Ôi trời ơi, đây là bộ phim một người - Mogwli là con người duy nhất ở giữa khu rừng toàn động vật biết nói chuyện. Có nghĩa là cậu diễn viên nhỏ tuổi Neel Sethi phải diễn với màn hình xanh, nói chuyện, khóc, cười cùng màn hình xanh. Nhưng người xem lại không hề cảm thấy sự cô đơn của nhân vật chính, vì các nhân vật CGI làm quá thật. Quá quá quá thật!
Bạn coi Zootopia năm nay của Disney chưa? Bạn có từng trầm trồ với tạo hình các nhân vật nhân hóa trong phim chưa? Nếu có thì hãy chuẩn bị tinh thần bởi sự phấn khích sẽ gấp 3 lần với The Jungle Book 2016. Các con thú tỉ mỉ tới từng chi tiết lông, cọng râu báo rung rinh trước cơn gió nhẹ, từng múi cơ của con hổ chuyển động nhịp nhàng theo từng bước chân, bóng của con chim ruồi bay ngang mặt nước hay ngấn thịt của con trăn đang bò. Tất cả mọi thứ đều quá thật.
Để các bạn không hiểu lầm thì đây không phải là phim animated, đây là live-action. Họ thực sự tạo được một khu rừng mà ở đó động vật biết nói chuyện, hỉ nộ ái ố như loài người chúng ta. Từng con thú có tính cách riêng và cũng thể hiện tính cách đó theo những cách rất riêng, rất "người".
Cụ thể hơn, tôi sẽ nói về nhân vật tôi thích nhất - cọp Shere Khan (Idris Elba). Một nhân vật phản diện rất đã, có lẽ là đã nhất từ đầu năm tới thời điểm này. Độc ác, mạnh mẽ, mưu mẹo, và dứt khoát - ông hoàng của rừng rậm, kẻ mọi người phải khiếp sợ nhưng vẫn có lý do thỏa đáng cho sự độc ác của mình - vì hắn sinh ra là cọp, ai cũng có bầy, còn hắn thì không. Đây cũng là ý tưởng chủ đạo xuyên suốt bộ phim.
Nếu tôi nói tiếp, sẽ spoil mất nội dung. Nên tôi sẽ nói một chi tiết khác, mà tôi cho là ý tưởng lớn của bộ phim, đó là "luật của khu rừng". Ai cũng tuân theo, ngay cả chúa tể Shere Khan, điều này làm cho khu rừng của The Jungle Book gần gũi và nhân văn hơn bao giờ hết.
Nếu phiên bản 1976 mang tới cho người xem cảm giác rề rề, chậm chạp thì nhịp phim 2016 dồn dập và cuốn hút. Câu chuyện được kể gãy gọn, hợp lý, có những khúc đứng tim và những khúc vui tươi, nhẹ nhàng. Đây là phim dành cho thiếu nhi, nhưng không phải phim hài, nên sẽ không có các tràng cười không dứt, thay vào đó là độ căng thẳng nhất định giữa các phân cảnh. Cũng có những khúc trầm, nhưng độ lắng đọng chưa cao.
Đừng coi lồng tiếng nếu như bạn không dắt theo con nít chưa sõi chữ. Bởi phần lồng tiếng không hay lắm so với bản gốc. Định dạng phim xem hay nhất có thể xem là 4DX.
Phim hay và có giá trị xem lại.