Nàng tiên cá, trong số các sinh vật huyền bí trong thần thoại, là hình mẫu từ lâu đã khiến con người say mê nhất và là nguồn cảm hứng muôn thuở của điện ảnh. Phiên bản được biết đến nhiều nhất vẫn là nàng tiên cá trong câu chuyện cổ tích của nhà văn ngươi Đan Mạch Han Christian Andersen. Câu chuyện của ông nổi tiếng đến mức trong một thời gian khá dài, những đứa trẻ lớn lên cùng nó vẫn đinh ninh đây là sinh vật huyền bí được gọi tên trong các nền văn hoá. Song, thực tế là hình hài và bản tính của sinh vật này có sự khác biệt rất lớn.
Lịch chiếu The Little Mermaid và mua vé The Little Mermaid tại Moveek
Tuy nhiên, một điều không đổi là phim ảnh vẫn không ngừng sự yêu mến dành cho nàng tiên cá, và trong thời đại ngày nay, có cả chàng tiên cá nữa. Chỉ là những hình tượng lấy cảm hứng từ đó có chút khác biệt không nhẹ. Sau đây là những nàng tiên cá đã để lại ấn tượng không nhỏ trên màn ảnh.
7. Nàng tiên cá không tên – The Lighthouse (2019)
Mặc dù chỉ xuất hiện thoáng qua trong bộ phim kinh dị từng nhận được hàng tấn lời khen khi ra mắt năm 2019 The Lighthouse, nàng tiên cá không tên này là một trong những điểm nhấn của bộ phim giàu tính biểu tượng này. Không một lời thoại, nàng hiện lên như một ảo mộng của người lính gác hải đăng trẻ Winslow do Robert Pattinson thủ vai. Sau đó, cô trở thành đối tượng trong một ảo mộng điên rồ của anh chàng và tiếp tục trở thành cơn ác mộng ám ảnh anh chàng đến phút cuối.
Nàng tiên cá này được lấy cảm hứng, dù rất xa, từ thần thoại Hy Lạp. Cụ thể hơn là từ hình ảnh những Siren – những sinh vật đại diện cho sự mê hoặc, quyến rũ từ từ dẫn dụ nạn nhân với thảm cảnh.
6. Rikki, Emma và Cleo – H20: Just Add Water
Nhiều lúc là một sinh vật xinh đẹp và thánh thiện, nhiều khi lại là những con quái vật đáng sợ, thay đổi là điều mà nàng tiên cá đã trải qua nhiều thế kỷ. Đó là một điều tốt vì nếu không thế hệ mọt phim 9x đầu khó mà có tuổi thơ với H20: Just Add Water. Series ra mắt vào tháng 7 năm 2006, thời gian mà nàng tiên cá vẫn được xem là hình mẫu thánh thiện và đầy phép màu. 3 nàng tiên cá của series cũng vậy.
Sau khi nhận được khả năng biến thành tiên cá một cách bí ẩn, cả 3 dấn thân vào một cuộc phiêu lưu kỳ ảo trong khi đối mặt với những vấn đề của tuổi trường thành. Nhìn chung là teen-drama về những nàng tiên cá đang cố tìm vị thế của mình trong thế giới này ấy mà. Và câu chuyện của họ cũng cuốn hút như tạo hình tiên cá kinh điển của họ vậy.
5. Saoirse – Song of the Sea (2014)
“Mermaid”, “siren”, “dryad”, “water-nymph”…những nền văn hoá khác nhau sẽ giới thiệu chúng ta đến phiên bản tiên cá của họ và bộ phim hoạt hình đến từ sự hợp tác giữa Ireland, Bỉ, Đan Mạch, Pháp và Luxembourg Song of the Sea đem đến cho bạn phiên bản tiên cá trong thần thoại Celtic – Selkie, vô cùng dễ thương trong hình hài cô bé Saoirse.
Trong câu chuyện nhấn mạnh nhân dạng của những đứa trẻ sinh ra giữa hai thế giới, tình thân và vượt qua những sang chấn này, cậu bé mới 10 tuổi Ben đang rất thù ghét em gái không thể nói của cậu là Saoirse vì cho rằng cô bé chịu trách nhiệm cho cái chết của mẹ mình. Rồi một ngày Ben phát hiện em gái là một Selkie – người có khả năng biến thành một phiên bản tiên cá chia sẻ nhiều đặc điểm với loài hải cẩu. Nhưng cô bé bị nữ thần Macha bắt đi, Ben quyết tâm đi giải cứu em gái.
4. Melody – The Little Mermaid II: Return to the Sea
Ngay cả những nàng công chúa Disney cũng phải lớn lên nhưng hiếm cô công chúa nào được khắc hoạ trong vai trò làm mẹ sau khi cùng hoàng tử về lâu đài của hai người. Ariel là người được ưu ái cho việc này. Nhân vật chính của The Little Mermaid II: Return to the Sea là cô con gái Melody của Ariel. Sợ hãi mối nguy từ biển cả, Ariel đã quyết định không nói cho Melody biết cô đến từ dòng dõi người cá. Những gì diễn ra tiếp theo là Melody nổi loạn và có cuộc phiêu lưu để đời.
Cô bé cùng mẹ đều là mẫu tiên cá truyền thống, mang đậm chất cổ tích Andersen. Song, Melody lại khác biệt với mẹ một chút. Y như mẹ của mình, Melody là một cô gái năng nổ và hiếu kỳ, đôi lúc bốc đồng và cứng đầu, nhưng cô bé không vững vàng như mẹ. Vì khi Ariel luôn biết nơi mình thuộc về, Melody luôn không lý giải được việc nghe tiếng gọi từ biển khơi trong khi trên cạn là thế giới cô sinh ra. Tuy vậy cả hai mẹ con đều chia sẻ một đặc điểm khiến “ông già” đau đầu, đó là mỗi khi nổi loạn là trời long biển động đậy. Nhưng chúng ta sẵn sàng thông cảm cho cả hai vì bản tính hiền lành, tốt bụng và dũng cảm. Tất nhiên là Melody rất dễ thương.
3. Nàng tiên cá vàng - Jibaro (Love Death + Robots)
Sau một thời gian phát triển, hình mẫu nàng tiên cá và Siren từ từ hòa lại làm một. Nền văn minh Hy Lạp và La Mã có thể tách bạch hai sinh vật này, nhưng hầu hết các nền văn hóa khác xem cả hai là một. Từ đó chúng ta có một sinh vật như nàng tiên các vàng khó quên trong tập Jibaro của Love Death + Robots mùa thứ 3.
Có thể coi là tập phim có phần hình ảnh ấn tượng nhất mùa phim và có thể là toàn bộ series Love Death + Robots từ trước đến nay, Jibaro gây xao động với nàng tiên cá/siren phi truyền thống với toàn thân “khảm” vàng, đá quý và những món trang sức tinh xảo. Nàng có giọng hát mê hoặc lôi kéo những “thính giả” xấu số vào huyệt mộ nước sâu và có vũ điệu bắt mắt đến mê hoặc. Về cơ bản, chi tiết này thì trung thành với những truyền thuyết và có thể là điểm chung của tất những nền văn hóa mỗi khi nói đến người cá. Một chi tiết nữa thường hiện hữu trong truyền thuyết là máu và thịt của người cá mang tính chữa lành mọi bệnh tật.
Trong Jibaro, máu của tiên cá nọ đã giúp hiệp sĩ cùng tên này chữa khỏi bệnh điếc của bản thân. Nhưng đó chẳng phải là phép màu gì khi anh ta cuối cùng cũng nghe được bản nhạc thê lương của nàng tiên cá và bị nàng kéo xuống nắm mồ dưới đáy hồ, trong một cảnh tượng không thể nào quên của loạt phim Love Death + Robots.
2. Ponyo – Ponyo (2008)
Nếu không gộp Ponyo, cô tiên cá (vàng) của Ghibli vào danh sách này thì thật là thiếu sót to lớn. Mặc dù là dự án lấy cảm hứng từ The Little Mermaid (1989) của nhà chuột, Ghibli vẫn làm Ponyo và nhân vật chính cùng tên trở nên khó quên và đặc biệt.
Dựa vào chuyến phiêu lưu của cô tiên cá có gốc là một chú cá vàng mang tên Ponyo, người được cậu bé con người Sosuke giải cứu khi bị dạt vào bờ trong một lọ thuỷ tinh, Ponyo mang đến cho thể loại hoạt hình một điểm nhấn đáng nhớ thông qua một câu chuyện đậm tính ly kỳ và cảm động, với những nét vẽ nâng niu thị giác, cùng những cảnh quay vô cùng dễ thương. Và tất nhiên, mang Ponyo đến với màn ảnh nữa. Cô bé cá vàng này sẽ khiến bất cứ mọt phim nào yêu thích ngay với tính cách đáng yêu của mình.
Ponyo cũng là thể hiện sợi dây kết nối giữa cô và truyền thuyết người cá ở Nhật, nơi sinh vật này là điềm báo của bão dữ, động đất và sóng thần. Trong Ponyo, Ponyo cũng vô tình tạo một cơn triều cường khi đi tìm Sosuke.
1. Ariel – The Little Mermaid (1989)
Ponyo được yêu thích toàn cầu khi bộ phim Ponyo trở thành một điểm sáng của dòng phim hoạt hình, nhưng chưa có nàng tiên cá nào trong lịch sử phim ảnh có thể bì được về độ kinh điển với Ariel, cô tiên cá nhỏ được Disney sáng tạo dựa trên truyện cổ tích của Andersen.
Ariel thật ra có ý chí mạnh mẽ, nổi loạn và ngây thơ vì cô vẫn còn trẻ. Ariel thoát khỏi sự kiểm soát của cha không phải chỉ để đuổi theo Hoàng tử Eric, mà còn để thoả ước nguyện được đi đây đi đó, thoát khỏi sự an toàn của bản thân. Câu chuyện cổ tích Disney nhấn mạnh hành trình trưởng thành của Ariel, khi mong ước đó đem lại cho cô thử thách không nhỏ, cũng như sự đánh đổi. Và chúng ta yêu mến Ariel vì điều đó. Tất nhiên, việc Ariel tham gia chống lại thế lực phản diện cuối phim là một điểm khiến cô nổi bật giữa dàn công chúa lúc bấy giờ, và tình tiết cho thấy nàng tiên cá nhỏ vốn rất dũng cảm. Cộng thêm chuyện tình khá là tiến bộ giữa cô và Eric, Ariel là hình mẫu không thể kinh điển hơn của Disney.
Cho nên, những quyết định gần đây của Disney xung quanh bộ phim live-action The Little Mermaid (2023) là những quyết định rất táo bạo và mạo hiểm. Công tâm mà nói, màu da hay kiểu tóc của diễn viên chính Halle Bailey không ảnh hưởng gì đến cốt truyện đã được vạch ra cả và khi Disney muốn ăn tiền trên tính hoài niệm thì dù Ariel có mái tóc vàng óng với nước da trắng cũng khiến người hâm mộ lớn lên với bộ phim năm 1989 giận dữ mà thôi.
Người viết hiểu rõ sự phản đối dành cho phần phim mới, nhưng trong cơn giận dữ về những thay đổi này, khán giả luôn là người thua cuộc. Vì khi có được làn sóng tò mò về một Ariel mới và “hate-watching”, việc kéo người ta đến rạp không còn khó nữa. Khó mà thay đổi được Disney khi con chuột có một phần phim ăn lời dựa trên những chiến dịch quảng bá mờ ám và một lực lượng fan dễ kích động
Lịch chiếu The Little Mermaid và mua vé The Little Mermaid tại Moveek
Xem ra chỉ có thời gian mới trả lời được chất lượng của The Little Mermaid đến đâu. The Little Mermaid khởi chiếu toàn quốc ngày 26.05.2023.