Đánh giá phim

[CẢM NHẬN] The Man From Nowhere – Khi người Hàn “hành động”

Không một nền điện ảnh nào trên thế giới có thể so sánh được với Hollywood, cả về chất lượng lẫn quy mô, đó là chân lý không cần phải chứng minh, 100 năm qua vẫn vậy, mà 100 năm nữa có thể cũng vẫn thế. Đó là một đế chế hội tụ tất cả những yếu tố cần thiết để tạo nên vị thế độc tôn trong lòng những người yêu thích môn nghệ thuật thứ bảy. Hollywood giống như một nhà hàng được gắn sao “kim cương” Michelin, mỗi món ăn đều khiến ai ai cũng muốn ít nhất một lần trong đời được thưởng thức. Song, bất cứ món sơn hào hải vị nào trên đời nếu cứ ăn mãi, ăn mãi, cũng sẽ có lúc khiến cho người ta cảm thấy thèm thuồng một bát cơm trắng với cà pháo, trứng chiên, rau muống luộc. Và Hàn Quốc là một trong những nền điện ảnh có thể giúp bạn thỏa mãn cơn thèm đó. 

Năm 2010, bom tấn Inception với sự hợp tác của siêu đạo diễn Christopher Nolan và nam tài tử Leonardo DiCaprio công phá mọi rạp chiếu trên toàn thế giới, đánh bại gần như tất cả mọi đối thủ ra mắt cùng thời điểm, chinh phục hầu hết những khán giả dù là khó tính nhất ở mọi ngóc ngách trên hành tinh. Nhưng tại xứ sở Kim Chi, vẫn có một bộ phim tạo nên được điều không tưởng, thu hút một lượng khán giả đến rạp nhiều chưa từng có, trở thành tác phẩm ăn khách nhất năm tại thị trường nội địa Hàn Quốc, vượt qua sức hút vô cùng lớn của Inception. Đó là The Man From Nowhere, bộ phim hành động đầu tay của đạo diễn Lee Jung-beom, hợp tác cùng nam tài tử Won Bin.

The Man From Nowhere khai thác đề tài không quá mới mẻ, nhưng lại là một trong những vấn nạn gây nhức nhối bậc nhất với xã hội Hàn Quốc ở thời điểm bấy giờ: Buôn bán nội tạng. Thời điểm đó, thống kê cho thấy mỗi năm xứ Hàn có khoảng gần ba vạn người cần cấy ghép nội tạng, trong khi số lượng nội tạng hợp pháp được cung cấp chỉ chưa tới một phần mười. Rất nhiều người dân Hàn Quốc chọn giải pháp bán nội tạng để giải quyết những vấn đề liên quan tới cuộc sống. Và dĩ nhiên, các tổ chức tội phạm không bao giờ bỏ qua cơ hội kiếm được những khoản tiền khổng lồ, bằng cách “móc mắt, moi tim” bất cứ ai mà chúng có cơ hội tiếp cận và ra tay, trong đó nạn nhân phần lớn là trẻ em và phụ nữ.

Có lẽ cũng chính nhờ việc khai thác chủ đề nóng như vậy mà The Man From Nowhere tạo ra được sức hút vô cùng lớn, bên cạnh sự xuất hiện của Won Bin. Tuy nhiên, điều đáng bàn nhất trong mọi bộ phim chắc chắn không phải là đề tài, mà là cách kể chuyện, và đó lại là thứ mà người Hàn Quốc xứng đáng được ngợi ca bằng hai chữ: Bậc thầy.

The Man From Nowhere mở đầu một cách trực diện, kể cho người xem hai câu chuyện hoàn toàn khác biệt nhau, một bên là cuộc chiến quen thuộc giữa cảnh sát và một tập đoàn tội phạm chuyên buôn bán nội tạng và ma túy, bên còn lại là tình bạn lạ kì của người đàn ông bí ẩn Cha Tae Sik, sống lặng lẽ cô độc trong một tiệm cầm đồ tối tăm, bị bao phủ bởi những ký ức đầy u ám. Người duy nhất mà anh “giao lưu” hàng ngày là cô bé hàng xóm Somi, 10 tuổi, con của một gái nhảy, nghiện ma túy, bất cần và vô cùng liều lĩnh. Cha Tae Sik bên ngoài thì luôn tỏ ra khó chịu, có phần cộc cằn mỗi khi Somi xuất hiện, bởi đó là một cô bé nghịch ngợm, thường xuyên gây rắc rối vì thói ăn cắp vặt và có một người mẹ chẳng giống ai. Nhưng bên trong, anh luôn dành cho cô bé sự quan tâm đặc biệt. 

Với diễn xuất tài tình của Won Bin và diễn viên nhí Kim Shae Ron, tình bạn giữa Cha Tae Sik và Somi dù diễn ra trong một bối cảnh đầy bi kịch và u ám, vẫn mang lại cho người xem một cảm giác nhẹ nhàng, xúc động và chân thực. Nhưng bên cạnh đó, họ cũng sẽ lờ mờ nhận ra một trận chiến khủng khiếp chuẩn bị xảy đến khi ở một thế giới khác, đạo diễn Lee Jung-beom khắc họa chân dung những tên tội phạm bằng các phân cảnh tàn bạo đến lạnh sống lưng. Máu me và chết chóc là những thứ không thể thiếu, nhưng cái cách mà kẻ cầm đầu băng nhóm tội phạm bổ thẳng cây búa vào đỉnh đầu con tin, cái cách mà gã sát thủ Thái Lan rạch toạc cuống họng của kẻ đã trót lỡ buông lời mạt sát hắn thực sự khiến người xem phải cảm thấy rùng mình, bởi phong cách mà người Hàn Quốc sử dụng để mô tả các nhân vật phản diện trong các bộ phim của họ. Và quả thật là khi hai thế giới đối lập đó chạm mặt nhau, khán giả đã được chứng kiến một trong những trường đoạn hành động bạo liệt và gay cấn bậc nhất trong lịch sử điện ảnh Châu Á.

Như đã nói, một trong những điều tạo nên sự khác biệt của phim Hàn so với phần còn lại chính là cách mà họ khắc họa chân dung của nhân vật. Cũng với motif một mình “cân cả thế giới”, người ta thấy Liam Neeson có hẳn một bài diễn văn quảng cáo thân phận để dọa nạt những kẻ bắt cóc con gái mình, người ta sẽ thấy Chung Tử Đơn thi triển tuyệt đỉnh Kungfu ngay đầu phim trong vòng vây của một rừng cao thủ, hay những nhân vật bước ra từ trong cánh cửa tù, với CV đầy thành tích giết người không ghê tay. Cha Tae Sik thì không như thế, cảnh sát mù tịt thông tin về anh, đám tội phạm vẫn cười khẩy gọi anh là ‘thằng cầm đồ”. Nhưng từng chút từng chút một, với những phân cảnh chiến đấu có độ khó tăng dần, và lời miêu tả của một gã sát thủ: “Hắn còn chẳng buồn chớp mắt khi tao bóp cò”, chân dung của “thằng cầm đồ” dần hiện ra, một con quái vật từng dạy võ thuật cho đội đặc nhiệm Hàn Quốc, là một chuyên gia trong việc ám sát, đánh bom và tiêu diệt kẻ thù. Càng ấn tượng hơn nữa khi gã sát thủ máu lạnh đó đứng trước gương với khuôn mặt đẹp như tượng tạc, body 6 múi và đôi mắt đầy lửa hận thù. Won Bin, với một màn lột xác ngoạn mục đã rũ bỏ hoàn toàn hình ảnh của một nam thần tượng nổi tiếng trên màn ảnh nhỏ, để mang đến cho người xem một trường đoạn hành động kinh điển, có nhảy lầu, có bắn súng, có cận chiến tay đôi và cả những pha quần chiến ngập tràn máu me và chết chóc. 

Một trong những điểm khác biệt lớn nữa của phim hành động Hàn Quốc so với Hollywood hay Hồng Kông, chính là tính chân thực. Trong phim Hàn, người ta sẽ không bao giờ thấy một gã đô con mình đồng da sắt, hạ gục hàng chục người một lúc mà không đổ một giọt mồ hôi, cũng không hề có những phân cảnh võ thuật được biên đạo kỹ càng, đề cao tính thẩm mỹ. Thay vào đó là những pha cận chiến trong không gian chật hẹp, những cú thọc vào yết hầu hay những nhát dao xé toạc động mạch chủ, bỏ lại phía sau những xác chết nhuốm đầy máu tươi, mang lại cảm giác gay cấn, dữ dội và...thô thiển nhưng luôn đảm bảo được độ thỏa mãn cho những ai yêu thích các cảnh phim chiến đấu.

Là bộ phim đầu tiên về đề tài hành động, nhưng Lee Jung-beom đã cho thấy vì sao ông có thể thuyết phục được một trong những diễn viên kén kịch bản bậc nhất Đại Hàn Dân Quốc, người mà đến tận bây giờ, sau 8 năm, vẫn chưa tìm được một lý do để trở lại màn ảnh rộng. Với The Man From Nowhere, bên cạnh cách kể chuyện hấp dẫn cùng tập lời thoại được biên tập xuất sắc, vị đạo diễn khi đó mới 38 tuổi đã mang đến cho khán giả những cảnh quay sáng tạo và chân thực bậc nhất, đó là phân cảnh Cha Tae Sik lao ra khỏi cánh cửa sổ, với camera chạy theo ở phía sau, là cách anh dùng khẩu súng lục để đục một lỗ trên tấm kính chống đạn, và trên hết, là màn đấu dao sinh tử với gã sát thủ người Thái được đặc tả bằng tốc độ chóng mặt với chiếc máy quay chỉ cách vài centi. The Man From Nowhere được chấm 7.9 điểm trên IMDB, tức nó nằm trong số 4 hoặc 5 bộ phim hành động xuất sắc nhất mọi thời đại theo bình chọn của khán giả. Một thành tựu quá lớn với Lee Jung-beom nếu biết rằng đây mới chỉ là bộ phim thứ hai trong sự nghiệp đạo diễn của ông, nhưng là một thành quả hoàn toàn xứng đáng.

Người ta đã nói rất nhiều đến cái cách mà nền điện ảnh Hàn Quốc “thay da đổi thịt”. Chỉ trong vòng chưa tới hai thập kỉ, từ một đất nước chỉ được biết đến với những kịch bản truyền hình cũ rích, câu nước mắt của những bà nội trở và các cô bé tuổi teen, Hàn Quốc dần bắt kịp và vượt qua những cường quốc điện ảnh của Châu Á như Nhật Bản hay Trung Quốc. Từ một đất nước gần như 100% phim chiếu rạp là phim Mỹ, họ tạo ra những tác phẩm đủ sức đánh bại Hollywood tại quê nhà. Phim Hàn luôn có cái chất riêng không lẫn với bất kì nền điện ảnh nào khác, song thật khó để tìm ra một câu trả lời chung chung cho câu hỏi: Điện ảnh Hàn hấp dẫn ở điểm gì? Dường như ở mỗi một thể loại khác nhau, người Hàn luôn biết cách khai thác những chi tiết đơn giản nhất, đời thường nhất và gần gũi nhất với văn hóa của họ, chinh phục người xem bằng những câu chuyện tưởng chừng như đã cũ, nhưng được kẻ lại dưới những góc nhìn hoàn toàn khác biệt, gai góc, thô bạo và đôi khi còn có phần dơ bẩn, nhưng lại đánh trúng vào tâm lý người xem, luôn đòi hỏi mọi thứ phải chân thực, dù là ở trên phim. Người Hàn không cần diễn viên của họ phải có một ngoại hình hoàn mỹ, nhưng diễn xuất phải tuyệt đối hoàn hảo. Họ không cần nhiều chất liệu mới mẻ, song mỗi kịch bản viết ra đều khiến Hollywood muốn làm lại cũng phải đau đầu. Họ đầu tư có chừng mực vào công nghệ, kỹ xảo, song vẫn tạo ra được những cú hình kinh điển, giàu tính nghệ thuật. Đó là cái hay của người Hàn, rất khó để học tập hay bắt chước được.

 

Nếu như Shiri được coi là bộ phim đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc với kinh phí lớn chưa từng có, Old Boy mang về cho điện ảnh xứ Kim Chi chỗ đứng và là niềm tự hào tại các liên hoan phim danh tiếng, Quái Vật Sông Hàn tạo nên những dấu mốc vĩ đại, thì The Man From Nowhere cũng là bộ phim đưa thể loại hành động của Hàn Quốc vượt xa khỏi mọi ranh giới trước đây. Nó giúp các nhà làm phim xứ Hàn không chỉ khẳng định được vị thế, mà còn mang đến cho người xem một sự lựa chọn hoàn toàn khác biệt so với phim của Mỹ, Hồng Kông hay Trung Quốc. Không màu mè, không phô trường, nhưng lại có thừa sự hấp dẫn trong cái gam màu u uất, ngột ngạt và cáu bẩn.

Thành viên: Ken MU