Tin điện ảnh

The Man from U.N.C.L.E: Bom tấn hay bom xịt?

Sau thành công vang dội của Kingsman thì The Man from U.N.C.L.E như một làn gió mới thổi vào thể loại phim hành động hài vốn đang khan hiếm.

Bộ phim lấy bối cảnh về thập niên 60, 70 nói về hai cường quốc Nga (Liên bang Xô Viết cũ) và Mỹ phải cùng nhau hợp tác chống lại tàn dư của phát xít đang làm giàu uranium để chế tạo bom nguyên tử. Đề tài này không phải mới nhưng cách mà đạo diễn Guy Ritchie đã thể hiện tốt như hai bộ phim trước đó của ông là Sherlock Holmes và Sherlock Holmes: Game of Shadow đều khiến người xem phải gật gù tán thưởng. Hai nhân vật chính của phim là điệp viên CIA của Mỹ: Napoleon Solo (Henry Cavill) và điệp viên KGB của Nga: Illya Kuryakin (Armie Hammer) đều thể hiện rất tốt cái thần của một bộ phim vừa đủ độ hành động và hài hước. Thú thật là phim này có một kiểu PR rất oái oăm khi  phim hài là chủ đạo nhưng được quảng cáo như thể một phim hành động, thế nên đối tượng ra rạp có khi lại rất bỡ ngỡ khi xem 15 phút đầu phim. Đề tài chiến tranh lạnh đã bị các nhà làm phim đào rất sâu rồi cho nên nhiều người hẳn tưởng đây là một phim hành động, thế nhưng không, The Man from U.N.C.L.E là một bộ phim hài chính hiệu với nội dung lùng bùng như hàng tá các bộ phim khác là đi hợp tác giữa hai kẻ thù truyền kiếp để cùng tiêu diệt một kẻ xấu hơn.

Bình cũ, Rượu mới

Tháo bỏ hiềm khích của hai cường quốc để cùng nhau hợp tác thì đạo diễn phải rất tinh quái trong việc thể hiện cái tôi của hai nhân vật chính xuyên suốt bộ phim. Nếu như người Nga nghiêm túc, cứng rắn trong mắt khán giả bao nhiêu thì khán giả cũng phải thấy được một người Mỹ láu cá, lươn lẹo bấy nhiêu. Hai chàng trai lúc nào cũng ganh đua, cố gắng thể hiện rõ được bản lĩnh của họ luôn là điểm gây hài hước chính của phim. Thế nên dù cốt truyện chính vô cùng nghiêm túc như bao bộ phim hành động Mỹ khác thì cũng không khiến khán giả cảm thấy "ngộp". Suốt mạch phim, khán giả sẽ phải phì cười khi hai anh chàng này lúc nào cũng giữ được vẻ tưng tửng. Ví dụ như cảnh hai anh chàng ngồi say mê thảo luận xem nên làm gì với tên bác sĩ tù binh thì hắn đã cháy khét lẹt trên ghế điện mất rồi!

Nội dung phim khá đơn giản, dễ đoán, có khi chẳng cần phải xem hết nửa phim thì với những ai hay ra rạp đã có thể đoán được kết thúc của phim rồi. Nhưng việc thể hiện các gián điệp qua một lăng kính hài hước là điểm mạnh nhất của phim cho nên chúng ta không thể so sánh những phim như thế này với Mission Impossible cùng thời điểm ra mắt. Diễn xuất của Henry Cavill đã được kiểm chứng qua bộ phim Man of Steel có nhỉnh hơn một chút nếu so với dàn diễn viên còn lại. Trong phim, anh lúc nào cũng giữ vẻ chải chuốt, hào nhoáng của người Mỹ nhưng cũng không kém phần tinh ranh. Diễn xuất của Armie Hammer tuy không tốt bằng nhưng cũng rất đậm chất của một người Nga kiểu "thanh niên nghiêm túc năm 2015". Dàn diễn viên phụ khác có thể nói là chỉ làm nền cho màn bromance của hai diễn viên chính cho nên chắc sẽ không thể đọng được gì nhiều vào đầu khán giả. Có lẽ một phần diễn xuất của hai diễn viên trở nên mượt mà như vậy là nhờ bộ phim không hề sử dụng nhiều CGI. Cảnh ở viện nghiên cứu ngầm là được các nhà làm phim xây dựng thật sự và họ còn làm hẳn một quả bom để diễn viên có thể diễn xuất thật nhất có thể. Có thể nhờ thế mà diễn xuất của các nhân vật trong phim đều được thể hiện rất có duyên và không bị gượng ép. Với tín đồ của dòng phim hành động, hài hước kiểu như Kingsman, chắc chắn đây là một bộ phim bạn không nên bỏ qua.

Hình, lọt mắt. Âm, lọt tai.

Có một nội dung mạch lạc và kịch bản tốt chưa bao giờ là đủ. Những hình ảnh trong phim không có gì đặc biệt, không có góc quay nào quá khó cũng như ánh sáng chỉ thể hiện vừa đủ chất của một bộ phim điệp viên. Bù vào đó, bộ phim sử dụng nhiều cảnh quay cắt màn hình ra làm đôi, làm ba, làm bốn để diễn tả, nhờ thế những cảnh chuyển đoạn rất ấn tượng và hợp lý. Rõ ràng đạo diễn Guy Ritchie hiểu nên cắt một bộ phim ở lúc nào để có thể gây tiếng cười cho khán giả. Âm thanh trong phim cũng khá ổn với âm nhạc như thể lấy ra từ một bộ phim kinh dị Ý. Có lẽ với một đạo diễn ở tuổi 46 như Guy Ritchie thì ông cũng không cần phải quá thể hiện bản thân nên chưa thể khiến chúng ta thưởng thức một tác phẩm trọn vẹn. Kể cả trong Sherlock Holmes, ông cũng không bao giờ quá nghiêm trọng một vấn đề mà luôn giảm nhẹ nó để khán giả tận hưởng bộ phim một cách nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Bản thân đạo diễn Guy khi phỏng vấn cũng khẳng định làm một bộ phim hài thú vị khó hơn làm một bộ phim hành động rất nhiều. Ông thừa nhận mình là người thích những thứ cân bằng giữa hài hước và hành động.

Kết

The Man from U.N.C.L.E là một bộ phim khá, nhưng chỉ có doanh thu chỉ đạt 12 triệu đô la trong tuần đầu khi chiếu ở Mỹ. Bản thân người viết nghĩ Warner Bros đã quảng bá hình ảnh bộ phim chưa đúng với cái thần của nó nên đã đánh mất một lượng lớn khán giả. Có thể nói bộ phim giống như một hương vị mới mà bạn không nên bỏ qua trong dịp hè này.

The Man from U.N.C.L.E khởi chiếu từ ngày 14.8, xem lịch chiếu tại đây