“Không thể nhận biết hình dáng của anh
Em tìm thấy anh xung quanh mình
Sự hiện diện của anh đong đầy đôi mắt em với tình yêu
Nó làm con tim em hạnh phúc
Vì anh ở khắp mọi nơi.”
Sau khi xem xong The Shape of Water – tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Guillermo del Toro, tâm trí tôi cứ bị những dòng thơ này ám ảnh mãi. Như giọng của người dẫn chuyện trong phim, khi nghĩ đến Elisa, nghĩ đến The Shape of Water, tôi lại cứ nhớ đến “bài thơ được thì thầm bởi những người đang yêu, từ hàng trăm năm về trước”. Bộ phim là câu chuyện tình yêu giữa cô lao công bị câm tên Elisa (Sally Hawkins) và chàng thủy quái bị chính phủ Mỹ giam giữ. Khi phim được công chiếu, nhiều người cho rằng phim chỉ là câu chuyện tình yêu đầy nhục dục giữa hai cá thể. Nhưng từ góc độ của một người con gái đã yêu và đang yêu, và cảm nhận phim bằng con tim chứ không phải bằng bộ óc học thuật, điều đầu tiên mà tôi thấy được là giữa Elisa và chàng người cá là tình yêu thuần khiết, tình yêu giữa những cá thể đơn độc, khiếm khuyết và hoàn thiện nhau, tình yêu vượt qua và phá vỡ cả ranh giới giữa giống loài. Không chỉ vậy, The Shape of Water còn là tác phẩm điện ảnh với những nhân vật có những mảnh đời khác nhau, tái hiện một cách chân thật xã hội Mỹ, không chỉ ở những năm 60, mà một phần của xã hội đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Những con người cô độc trong xã hội đầy định kiến
The Shape of Water, lấy bối cảnh ở Baltimore, Mỹ, trong thời kì Chiến Tranh Lạnh, là câu chuyện của những con người cô độc, khác biệt và bị xã hội kì thị.
Elisa là trẻ mồ côi và bị câm, làm lao công ở một căn cứ nghiên cứu bí mật của chính phủ Mỹ tại Baltimore. Cô chính là đại diện cho những người bị khiếm khuyết và bị xem là gánh nặng của xã hội. Cuộc sống mỗi ngày của cô cứ lặp đi lặp lại một cách nhàm chán. Hai người bạn duy nhất trong đời của cô là chị đồng nghiệp Zelda (Octavia Spencer) và ông hàng xóm Giles (Richard Jenkins).
Zelda là người da màu, bị người da trắng xem thường, thậm chí còn không được người chồng cùng màu da tôn trọng. Zelda hiển nhiên là đại diện cho cộng đồng người da màu bị phân biệt đối xử và xem thường. Nhưng Zelda luôn bảo vệ Elisa – cô gái yếu ớt và bị khiếm khuyết. Zelda còn là biểu tượng của nữ quyền bởi cô mạnh mẽ và độc lập, không bao giờ dựa dẫm vào chồng.
Giles là một họa sĩ tài năng nhưng lâm vào cảnh thất nghiệp bởi sự bành trướng của công nghệ hiện đại. Ông nuôi dưỡng một tình yêu vô vọng cho anh chàng chủ tiệm bánh đẹp trai gần nhà và bị anh chàng đó xua đuổi không thương tiếc. Giles đại diện cho cộng đồng người đồng tính – những người bị xã hội kì thị. Những người có số phận bất hạnh, sống cô đơn đến gần cuối đời vì định kiến của xã hội và luôn cảm thấy mình “sinh ra quá sớm hoặc quá trễ” với thời đại mà họ đang sống.
Thậm chí ngay cả nhân vật phản diện của phim – Strickland (Michael Shannon) – một người đàn ông bệ vệ, nghiêm khắc, luôn tỏ ra khó chịu và mang theo dùi cui bên người, ở một khía cạnh nào đó, cũng là một con người cô độc. Strickland cô độc ngay chính trong tâm hồn của hắn bởi hắn không hề dành khoảng trống nào cho tình yêu, tất cả những gì hắn cần là quyền lực, vật chất và tình dục. Hắn không bao giờ thấy thỏa mãn mặc dù đã có vợ đẹp, con xinh. Thứ mà hắn muốn là một chiếc xe hơi đời mới và rời khỏi Baltimore, đến một nơi sầm uất hơn, xa hoa hơn để sống.
Nhưng chàng thủy quái (Doug Jones) mới là nhân vật cô độc nhất trong phim. Strickland mang sinh vật mà hắn gọi là “rác rưởi” này về từ một con sông ở vùng Nam Mỹ, và ở đó anh được người dân tôn thờ như một vị thần. Cho dù có là thần hay quái vật, thì cuộc đời của anh từ trước đến nay vẫn luôn cô độc, giống như lời mà Giles nói khi giải cứu anh về nhà từ phòng thí nghiệm. Chàng thủy quái chưa bao giờ biết đến ngôn ngữ ký hiệu, âm nhạc, sự thương cảm và tình yêu cho đến khi anh gặp Elisa.
Tình yêu thuần khiết phá vỡ ranh giới của giống loài
Cảm xúc mà Elisa dành cho anh thủy quái ban đầu là sự thương cảm, sau đó nó lớn dần lên thành tình yêu. Cô yêu anh không phải bởi vì anh là thủy quái, mà bởi anh thấy được con người thật của cô. Anh thấy cô là một người phụ nữ bình thường chứ không phải là một người khiếm khuyết. Anh cũng giống như cô, đều là những cá thể đơn độc và không hoàn hảo giữa cuộc đời này.
Nhiều người cho rằng đây là một tình yêu đầy nhục dục, nhưng có mối tình nào trên đời này lại không liên quan tới tình dục đâu chứ? Tình dục là thứ giúp tình yêu giữa Elisa và thủy quái thăng hoa. Bởi lẽ họ không thể giao tiếp với nhau bằng lời nói, họ chỉ có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, bằng ánh mắt, bằng hành động, và tình dục chính là một trong những công cụ để họ thể hiện tình yêu của mình.
Tình dục chưa bao giờ là lý do đầu tiên mà Elisa yêu thủy quái. Elisa khiếm khuyết, nhưng cô vẫn là một người phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác. Cô cũng có nhu cầu sinh lý của riêng mình, nhưng cái nhu cầu đó xuất phát từ khát khao yêu và được yêu chứ không phải chỉ đơn giản thõa mãn bản thân. Elisa đã cô đơn quá lâu, nhưng cô vẫn có lòng tự trọng và biết đâu là giới hạn, điển hình là lúc cô chạy trốn khỏi Strickland khi bị hắn dụ dỗ. Elisa ngưng việc thỏa mãn nhu cầu sinh lý của bản thân mỗi buổi sáng khi cô đem lòng yêu anh thủy quái (cảnh phim cô ngồi trước bồn tắm và mỉm cười). Bởi lúc đó, cô biết rõ mình yêu ai và chỉ muốn gắn kết cơ thể mình với người đó.
Tình dục thực chất là yếu tố biểu tượng mà del Toro thêm vào để chứng tỏ rằng, tình yêu giữa Elisa và chàng thủy quái đã hoàn toàn phá vỡ ranh giới giữa giống loài.
Câu chuyện cổ tích dành cho người lớn
The Shape of Water đẹp tựa câu chuyện cổ tích, giống như một phiên bản khác của Người Đẹp và Quái Vật, nhưng là cổ tích dành cho người lớn. Tuy nhiên, The Shape of Water lại không có người đẹp mà chỉ có một cô lao công không có giọng nói, chàng thủy quái trong phim cũng không biến thành hoàng tử điển trai. Elisa không có ngoại hình lung linh, không có giọng nói, nhưng cô có trái tim thuần khiết và tràn đầy yêu thương, luôn khát khao yêu và được yêu. Giống như Elisa, chàng thủy quái cũng không có giọng nói và lại càng không xinh đẹp, nhưng anh có khả năng chữa lành vết thương cho người khác. Nếu như trong tác phẩm Người Đẹp và Quái Vật của Disney, Belle là người hoàn thiện Quái Thú, giúp anh ta trở lại làm hoàng tử tuấn tú, thì trong The Shape of Water, cả Elisa và chàng thủy quái cùng hoàn thiện nhau. Del Toro không xây dựng kịch bản theo hướng giống Người Đẹp và Quái Vật. Thứ mà ông muốn mang đến cho khán giả là tình yêu giữa những người không hoàn hảo, thấu hiểu qua hành động, ánh mắt mà không cần bất cứ lời nói nào, không cố thay đổi để làm hài lòng đối phương mà biết chấp nhận những khiếm khuyết và cùng hoàn thiện nhau.
Bên cạnh đó, del Toro còn gián tiếp thể hiện tình yêu chân thành, chấp nhận hy sinh mọi thứ mà Elisa dành cho chàng thủy quái qua ngôn ngữ của Kinh Thánh. Ở đoạn đầu phim, sau khi chiếu những cảnh phim về cuộc sống thường nhật của Elisa vào mỗi sáng, máy quay kéo xuống khung cảnh của rạp chiếu phim ở bên dưới căn hộ cũ kĩ. Khi đó, màn hình của rạp đang chiếu The Story of Ruth – bộ phim của đạo diễn Henry Koster chuyển thể từ Sách Ruth – một quyển sách về Kinh Thánh. Bộ phim này được chiếu đến vài lần trong phim, và rõ ràng del Toro cố ý làm vậy bởi nó chứa đựng biểu tượng rất sâu sắc. Trường đoạn nổi tiếng nhất của Sách Ruth phải kể đến chính là khi Ruth – một phụ nữ người Moab, kết hôn với một người Do Thái và sau khi chồng qua đời, bà chấp nhận cuộc sống và niềm tin của người Do Thái, nài xin mẹ chồng Naomi để cùng đến Do Thái sống.
“Do not ask me to abandon or forsake you! For wherever you go I will go, wherever you lodge I will lodge, your people shall be my people, and your God my God.” (Xin mẹ đừng bắt con bỏ mẹ mà ở lại, vì mẹ đi đâu thì con cũng đi theo đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con, và Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con).
Không phải ngẫu nhiên mà del Toro lại đưa The Story of Ruth vào trong The Shape of Water. Bởi những lời mà Ruth nói với Naomi thường được đọc trong các lễ cưới. Những lời nói đó thể hiện sự tận tâm và hy sinh của một người khi yêu, chấp nhận mọi thứ của người mình yêu, và cho dù người đó có ra đi thì tình yêu đó vẫn còn nguyên vẹn.
Là một câu chuyện cổ tích, dĩ nhiên là The Shape of Water cũng có cái kết hạnh phúc. Nhưng để có được cái kết hạnh phúc đó, các nhân vật đều phải trải qua nhiều cay đắng. Và nó không chỉ là cái kết của hai người sống hạnh phúc mãi mãi về sau, mà nó còn là cái kết thể hiện niềm tin và hy vọng, rằng sức mạnh của tình yêu thực sự có thể phá vỡ ranh giới mà chính con người xây dựng lên và ngăn cách với những người khác biệt với họ. The Shape of Water nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi con người khi được sinh ra đều đẹp và thuần khiết như bản chất của nước, thậm chí là những người khiếm khuyết. Mối tình giữa một cô gái bị câm và anh thủy quái nghe có vẻ lạ lùng và không tưởng, nhưng qua ngôn ngữ điện ảnh của del Toro, tình yêu này lại thuần khiết và đẹp một cách lạ lùng.