Bạn sẽ làm gì nếu bạn sinh ra theo cách trơ trọi nhất: mẹ mất, cha không rõ tung tích và xung quanh bạn chỉ toàn là những con người xa lạ giữa một hành tinh hoang vu? Câu trả lời có thể khác biệt tùy theo từng người, nhưng tôi tin phần lớn câu trả lời sẽ quy về 1 chữ: SỐNG.
Xuất hiện giữa một tuần đầy phim bom tấn, mà còn là bom tấn hay như Beauty and the beast với hương vị cổ tích, Power Rangers với sắc thái khoa học viễn tưởng, Khoảng cách giữa chúng ta ra mắt khán giả trong sự im lặng, không phô trương. Nhưng tôi phải nói nó là một phim hay, và đáng coi không kém những tác phẩm kia.
Cậu bé Gardner được mẹ là phi hành gia mang thai khi còn trong vũ trụ và sinh cậu ra trên Sao Hỏa. Vì bảo vệ danh tiếng công ty lẫn bảo vệ Gardner mà ban điều hành công ty East Texas nơi đưa mẹ cậu lên sao Hỏa đã quyết định bưng bít thông tin. Gardner lớn lên trên sao Hỏa với một cơ thể không chịu nổi áp lực của Trái Đất. Với trí thông minh của mình, cậu làm ngạc nhiên những nhà khoa học ưu tú đang công tác tại Sao Hỏa. Nhưng cũng như bao con người khác, cậu bắt đầu tò mò về gốc gác bản thân, bắt đầu tìm kiếm một tâm hồn đồng điệu trong vũ trụ bao la. Thế rồi một ngày kia cậu tìm thấy manh mối về cha mình, và quen Tulsa, một nữ sinh trung học. Trước quyết tâm của Gardner, công ty East Texas đã phải cho cậu quay về trái đất.
Một người xem hời hợt sẽ cho rằng đây là một bộ phim ngôn tình cổ tích khi chàng trai bỏ qua hoàn cảnh “hoàn hảo” của mình mà đi tìm những thứ “ít quan trọng” như tình yêu, cảm xúc. Nhưng tôi lại thấy đây là một đường dây câu chuyện rất hay và chính xác: Gardner có thể là bộ não tài ba nhất, và bị cách ly khỏi những yếu tố làm cậu xao lãng như những cô gái, những trò vui thú… Nhưng suy cho cùng cậu vẫn là con người. Và con người, dẫu có mạnh mẽ, tài giỏi đến đâu, thì vẫn phải trải qua đủ hoan lạc, bi thương trên đời để trở thành phiên bản đầy đủ nhất của mình.
Thế nên cậu đi, dấn thân vào một cuộc phiêu lưu liều lĩnh tính mạng để trải nghiệm tình yêu, tình thân dành cho những người xung quanh lẫn dành cho cả Mẹ Trái Đất.
Ngôi sao đảm bảo doanh thu cho phim là Gary Oldman. Nhưng cặp đôi Asa Butterfield và Britt Robertson mới là người vẽ nên câu chuyện cổ tích đầy màu sắc này. Khi xem những cảm xúc của Gardner dành cho Trái Đất, người ta mới giật mình nhận ra mình đã vô cảm quá lâu với những thứ rất đẹp đẽ mà Mẹ Thiên Nhiên dành cho ta. Khi xem những tình cảm chân thật của cậu bé dành cho Tulsa, người ta phì cười mà cũng cay đắng nhận ra con người đã quá sợ hãi cảm xúc của mình đến nỗi phải che giấu nó sau vẻ ngoài “lạnh lùng”. Còn cô bé “ma lanh” Tulsa do Britt Robertson đã tạo nên một hình mẫu nhân vật nữ mạnh mẽ bên ngoài và đa cảm bên trong, sần sùi trước những kẻ vô tâm nhưng duyên dáng bên cạnh người yêu. Hai diễn viên đã khắc họa hai tâm hồn cô đơn tìm thấy nhau trong vũ trụ, cũng như sự giao thoa/xung đột giữa hai tâm hồn này.
Và âm nhạc của phim cũng đa sắc như chính bộ phim: những cảnh phóng tên lửa kì vĩ, những phút giây hạnh phúc, nỗi đau của một linh hồn cô đơn v.v. tất cả những sắc thái đó đều được thể hiện trong từng nốt nhạc phim.
Không còn nghi ngờ gì nữa, khán giả Việt đang có tuần tuyệt vời nhất khi tất cả các phim trong rạp đều có thể thỏa mãn họ.