Vì thường Chúa không để mắt đến chúng ta, nhưng nếu ta sợ điều gì đó, thì bao giờ Chúa cũng mang tới. – Szabó Magda
Bộ phim điện ảnh thứ 3 của đạo diễn Na Hong-jin – The Wailing đã nhận được tràng vỗ tay kéo dài 6 phút sau khi được trình chiếu tại LHP Cannes 2016. Phải mất đến 6 năm để hoàn thành bộ phim dài 156 phút này, thậm chí đoàn làm phim đã phải mua lại gần hết ngôi làng Goksung để làm bối cảnh quay chính.
The Wailing tỏa ra sức lôi cuốn ngay từ những khung hình đầu tiên, một bộ phim được làm ra để chúng ta phải xem đi xem lại nhiều lần. Câu chuyện ma quỷ trong The Wailing là một hỗn hợp chừng mực giữa kỳ bí, giật gân và một chút trinh thám nhưng lại thuyết phục theo cách thật đặc biệt. Một lần nữa Na Hong-jin tạo ra một tác phẩm khiến bạn mơ hồ lo sợ và mong mọi thứ kết thúc thật nhanh, để rồi sau đó lại băn khoăn và ghi nhớ về nó như một ám ảnh siêu hình dai dẳng. Đằng sau hành trình giành giật lại sự sống cho cô con gái Hyo-jin của cảnh sát Jong-goo; còn có những câu hỏi về nỗi sợ hãi bản năng, về niềm tin vào sự cứu rỗi; và về cả đức tin trong mỗi con người.
Bộ phim bắt đầu từ một buổi sáng u ám ướt đẫm bởi cơn mưa nặng hạt, ngôi làng nhỏ nhắn bị xáo trộn bởi hàng loạt vụ án giết người tàn nhẫn. Nguyên nhân được dự đoán là do một loại nấm độc khiến con người trở nên điên dại và giết hết mọi người xung quanh. Jong-goo – người được trao trọng trách điều tra; là một người vụng về, ham ăn, lười biếng và chậm chạp. Người dân trong làng đồn đại rằng nguyên nhân gây ra tất cả là ông già người Nhật mới chuyển đến vùng này. Qua lời kể của nhiều nhân chứng đặc biệt là của cô gái bí ẩn trong bộ đồ trắng, Jong-goo trở nên hoang mang và dần nghi ngờ ông già đó. Mọi chuyện trở nên nghiêm trọng khi Hyo-jin – con gái của Jong-goo bị ốm và có dấu hiệu bị quỷ ám. Phải đến giữa bộ phim thầy shaman Il-gwang mới xuất hiện và tiến hành nghi lễ trừ tà cho Hyo-jin, lúc này câu chuyện phức tạp giữa 4 nhân vật chính mới thực sự bắt đầu. Phần nửa đầu tiên của The Wailing diễn ra bằng lối kể chuyện chậm rãi xen kẽ với những tình tiết có tính gợi mở cho một tấn bi kịch kéo dài suốt 82 phút còn lại. Rất nhiều nhân vật không được đặt tên xuất hiện, cùng với những xác chết vô danh. Cảnh vật ở làng Goksung lúc nào cũng mang trong mình một nỗi buồn phảng phất, thiên nhiên và con người ở đây luôn cùng xuất hiện trong mỗi khung hình. Nhưng hãy đừng bị sự yên bình đó đánh lừa. Giống như độc dược hay một loại virus nguy hiểm, nỗi sợ hãi cũng đang âm thầm bủa vây và lan rộng.
Nỗi sợ hãi trong The Wailing được diễn tả dưới nhiều sắc thái khác nhau. Ban đầu, Jong-goo chỉ cảm thấy ngỡ ngàng và đôi lúc giật mình khi khám phá hiện trường mỗi vụ án. Nhưng qua lời kể của người đồng nghiệp và của cô gái bí ẩn, anh dần cảm thấy một nỗi sợ mơ hồ nhen nhóm trong lòng, cảm giác đó như khi một đứa trẻ được người lớn kể cho nghe những sự tích dân gian kỳ lạ vậy. Sau khi chứng kiến một người bị nhiễm nấm độc chết và thấy những biểu hiện đáng ngờ của cô con gái thì sự mơ hồ đó chuyển thành nỗi hoang mang thật sự. Không chỉ là những lời hù dọa hay câu chuyện đồn thổi nữa, con quái vật mà Jong-goo nghi ngờ đang đánh dấu sự tồn tại của mình qua những dấu hiệu rõ ràng. Và khi ra về sau những phát hiện bí mật trong ngôi nhà của người đàn ông Nhật Bản là lúc anh cảm thấy thực sự hoảng sợ. Nỗi sợ hãi khủng khiếp ấy nhanh chóng biến thành sự tức giận, nhưng cuối cùng thì ác quỷ vẫn là kẻ chiến thắng. Khi trước mặt anh là Hyo-jin đau đớn quằn quại, Jong-goo lại một lần nữa để cái cảm giác sợ mất đi người thân lấn át. Rốt cuộc thì con người ta thường trở nên mù quáng khi đối mặt với quỷ dữ nhưng lại đòi hỏi Chúa hiện thân khi nhờ cậy ngài.
Khi một nhân vật trong phim sắp chết, họ đều rơi vào trạng thái kinh sợ tột cùng. Là ánh mắt thẫn thờ của viên cảnh sát đi cùng Jong-goo, là khuôn mặt đẫm máu của người thợ săn, và là tiếng thét gọi tên Hyo-jin của chính Jong-goo. Ma quỷ thường đùa cợt với những nạn nhân của mình, việc bắt giữ linh hồn cũng giống như khi đi câu cá: người đi câu phải chờ đợi kiên nhẫn cho con cá tự sợ hãi mà mắc vào móc câu dù cho chính họ cũng không hề biết trước rằng mình sẽ bắt được gì. Giống như trong Kinh Thánh: khi những người vô tội sống trong đau khổ, họ thường tự hỏi tại sao. Và khi họ không thể tìm thấy lời giải thích thỏa đáng, họ thường quay lại cầu xin với Chúa. Đức Chúa trời, nếu có thật, sẽ đưa ra lời giải thích về những nỗi đau ấy. Trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân làm cho Hyo-jin bị ốm, người cha đã gặp Chúa.
Có thể xem xét The Wailing dưới góc độ thần học với những luận cứ gắn chặt với đức tin. Nhưng điều gần gũi với tất cả khán giả hơn cả là việc Jong-goo phải thường xuyên đưa ra các lựa chọn khó khăn trong cuộc sống. Khi quyết định một điều gì đó, anh thường cảm thấy day dứt và tự hỏi mình rằng liệu lựa chọn đó có đúng hay không. Hơn thế, những khó khăn nảy sinh sau này càng làm Jong-goo bị choáng ngợp, bởi trong anh đang ngập tràn sự hoài nghi và cảm giác tiếc nuối rằng đã không tin một người khác.
Nếu tiếp tục đợi hết 3 tiếng gà gáy thì bé Hyo-jin có được giải thoát hay không? Đó là một câu hỏi thật khó để trả lời chính xác. “Tôi không tin những gì không nhìn thấy” và “Bạn sẽ thấy những gì bạn tin” là hai câu trả lời có giá trị tương đương dù chúng giải thích vấn đề theo những cách khác nhau. Nói cách khác khi tin tưởng vào một điều, đó là vì chúng ta muốn bản thân tin vào điều đó. Và ngược lại, chúng ta không tin bởi vì chúng ta không muốn điều đó trở thành sự thật. Có một điều chắc chắn rằng các lựa chọn khác nhau sẽ dẫn đến hậu quả khác nhau. Thật khó để nói rằng một lựa chọn là chính xác hay tốt hơn các lựa chọn khác. Jong-goo đưa ra quyết định và duy trì niềm tin của mình là những điều tốt nhất anh có thể làm cho con gái. Tuy nhiên, con người yếu đuối của Jong-goo luôn quay trở lại quá khứ và tự hỏi: “Nếu mình chọn khác đi thì sao?”
Cuối bộ phim, cả Il-wang và người phụ nữ bí ẩn đều yêu cầu Jong-goo phải tin mình và không được nghe lời của người kia. Viên cảnh sát cuối cùng cũng đưa ra lựa chọn của mình, một quyết định khó khăn. Vị cha sứ trẻ tuổi cũng run rẩy đưa ra câu trả lời trong thử thách mà người đàn ông Nhật Bản đưa ra cho anh. Hậu quả mà cả hai phải nhận lấy liệu có gợi ý rằng ai thực sự là ác quỷ hay không? Có lẽ là không và điều đó cũng không còn quan trọng nữa. Việc khó có thể dự đoán chính xác hậu quả từ những lựa chọn của mình, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục không ngừng – có lẽ là nỗi kinh hoàng lớn nhất trong cuộc sống mà bộ phim The Wailing muốn miêu tả.
[SPOILER]
Na Hong-jin hơn ai hết hiểu rằng làm một bộ phim về niềm tin hay cao hơn nữa là đức tin rất khó. Niềm tin tuy là một chủ để phổ biến và có thể được kể trong bất kỳ một nền văn hóa nào, nhưng trong The Wailing có một câu truyện trừ tà phức tạp với sự đan xen của nhiều tôn giáo. Vậy nên trong phim xuất hiện rất nhiều chi tiết ẩn dụ về các điển tích của Công giáo, Shaman giáo và thậm chí là tín ngưỡng dân gian Hàn Quốc. Tuy nhiên kết thúc vẫn chỉ có một, sau đây là một số gợi ý về cốt truyện đã thực sự diễn ra như thế nào:
Cô gái bí ẩn là tượng trưng cho Chúa trời, sự thuần khiết và cái tốt
- Cảnh ném đá gợi ý đến câu chuyện về người đàn bà ngoại tình trong Kinh thánh Tân ước John 8:7 “Ai trong các ngươi là người không có tội, hãy lấy đá ném vào chị ấy trước đi”
- Những lần cô gái này xuất hiện bên cạnh người đàn ông Nhật Bản và thầy Shaman đều là những lúc hai người này rơi vào tình trạng yếu ớt và kiệt sức.
- Những đồ dùng mà cô gái có được từ những nạn nhân thực tế là để bảo vệ họ, đây có thể là một phần trong những phép thuật.
- Cô gái có thể chạm vào Jong-goo còn ông lão Nhật Bản và Il-wang thì không.
Ông già người Nhật Bản
- Vốn là một pháp sư, bị linh hồn của một con quỷ chiếm giữ. Chính vì thế nên lúc bị rơi xuống núi hay làm xong nghi lễ ông ta trở nên yếu đuối và khóc. Jong-goo đã phạm tội là nghi ngờ và giết hại con người bình thường của pháp sư này. Bằng chứng là khi Jong-goo cùng nhóm người đến ngôi nhà thì ông lão phải chạy trốn.
- Một điều thú vị là ở cảnh câu cá đầu tiên của bộ phim, ông ta móc một con giun bằng 2 lưỡi câu. Điều này ám chỉ việc Hyo-jin bị hại bởi hai người: ông già người Nhật và thầy shaman Il-wang.
Thầy Shaman: một kẻ lừa đảo và có thông đồng với linh hồn quỷ dữ
- Cách bố trí nghi lễ của Shaman và ông già Nhật Bản có nhiều nét tương đồng dễ nhận ra.
- Il-wang mặc chiếc khố trắng giống với chiếc khố của ông già người Nhật Bản.
- Il-wang luôn lái xe bên trái, điều này chỉ đúng ở Nhật Bản. Hàn Quốc lái xe bên phải.
- 2 nghi lễ của Il-wang và ông lão Nhật Bản tuy diễn ra cùng lúc nhưng không liên quan đến nhau. Il-wang thực sự nhắm vào Hyo-jin, bằng chứng là cô bé tỏ ra đau đớn tương ứng với từng lần gõ búa của anh. Ông lão Nhật Bản làm lễ để yểm bùa vào xác chết của Park Choon-bae.
- Nghi lễ thực ra không có nhiều tác dụng. Bằng chứng là ở hiện trường nhà của Park Choon-bae cũng đã có một nghi lễ tương tự nhưng tất cả đều chết. Cô gái bị nhiễm độc trong quán rượu cũng từng đến nhờ cậy Il-wang cứu giúp.
- Il-wang cũng có một chiếc máy ảnh giống hệt ông già người Nhật bản và một hộp gỗ đựng đầy ảnh của các nạn nhân.