Thời trang, đặc biệt là thời trang trong phim, đã luôn đóng vai trò quan trọng nhất định, góp phần tạo nên thành công của chính bộ phim đó. Nội dung, tất nhiên là trái tim của một bộ phim hay, nhưng nếu được điểm tô bằng thời trang tinh tế phù hợp với góc quay, nhân vật, sẽ càng làm trải nghiệm điện ảnh của khán giả thêm thăng hoa.
Sau khi kịch bản được hoàn thành, thì các quá trình khác bắt đầu được khởi động, trong đó có phần tạo dựng trang phục cho phim.
Kịch bản quan trọng bởi nó miêu tả nhân vật, tính cách, hành động, không khí, tông phim… Nhà thiết kế trang phục cho phim sẽ nghiên cứu, bàn luận với đạo diễn và bắt đầu có những ý tưởng, phác thảo… đầu tiên về trang phục, màu sắc và chất liệu mà mình sẽ sử dụng. Tất cả các yếu tố này đều phải phù hợp với nội dung, bối cảnh, nhân vật, tông phim, không khí phim… để tạo nên sự hài hòa.
Nếu nhìn vào cách ăn mặc và chất liệu trang phục mà nhân vật đó sử dụng, bạn sẽ đoán được phần nào cá tính của nhân vật được thể hiện trong phim. Hãy thử nhìn vào poster của dàn nhân vật trong Ocean’s Eight – một trong những phim có thời trang “sang chảnh” nhất trong khoảng thời gian gần đây, bạn sẽ thấy được trang phục đi liền với tính cách nhân vật đó như thế nào.
Quần áo được làm ra không chỉ để “khoe”, để đẹp, mà còn có ý nghĩa nhất định góp phần tạo nên hình ảnh nhân vật và không khí phim phù hợp. Gần đây, càng lúc càng xuất hiện nhiều bộ phim Việt thực sự có phần trang phục đẹp, chỉn chu, đồng thời góp phần thể hiện nhân vật như Song Lang, Cô Ba Sài Gòn, Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, Người Bất Tử…
Theo anh Jose Mari Basilio Pamintuan (Joji), nhà thiết kế sản xuất, đôi khi kiêm luôn thiết kế trang phục, từng tham gia nhiều dự án điện ảnh như Thiên Mệnh Anh Hùng, Cô Dâu Đại Chiến, Để Mai Tính… thì “màu sắc góp phần tạo ra không khí của một cảnh quay trong phim. Hạnh phúc, đau khổ, đam mê… là những yếu tố bị ảnh hưởng bởi mức độ của màu sắc.”
Song Lang có tông phim trầm nên trang phục trong phim cũng có màu sắc nhẹ nhàng, không sử dụng quá nhiều màu chói trừ trường hợp bất khả kháng như khi Phụng phải diễn cải lương trên sân khấu.
Bối cảnh của phim cũng là một trong những yếu tố quyết định trang phục như thế nào. Điều này một lần nữa chứng tỏ tầm quan trọng của kịch bản. Nếu phim dựa trên các yếu tố lịch sử, đòi hỏi phải theo sát dòng thời gian thì không thể nào biến tấu được nhiều.
Chẳng hạn như Mùi Đu Đủ Xanh, lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 50 nên trang phục của phim cũng phải thể hiện được chính xác dòng thời gian ấy.
Hoặc như bộ phim Người Bất Tử, có nhân vật chính là người không thể chết, sống qua nhiều thập niên khác nhau, và mỗi thời kỳ được thể hiện thông qua trang phục mà nhân vật mặc lên người.
The Great Gatsby đặt câu chuyện giữa thập niên 20 ở Mỹ, tầng lớp thượng lưu ưa mặc vest và mốt thời trang hiện đại nhất lúc bấy giờ là các kiểu váy ngắn, làm tóc theo phong cách flapper.
Còn lại các phim giả tưởng, kỳ ảo, các nhà thiết kế phục trang có thể thoải mái hơn trong việc thể hiện trí tưởng tượng của mình. Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể là bộ phim “được phép” biến tấu phần trang phục sao cho sáng tạo nhưng vẫn phải giữ được tinh thần Việt Nam. Sở dĩ sử dụng từ “được phép” là vì khi trailer đầu tiên của phim được ra mắt, nhiều khán giả đã cho rằng trang phục của phim không sát với lịch sử và quên mất rằng Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể là phim cổ tích, có yếu tố kỳ ảo.
Trên đây chỉ là một số yếu tố cơ bản liên quan đến thời trang trong phim, để độc giả hiểu được rằng quần áo lên hình không chỉ để đẹp, mà còn góp phần kể câu chuyện mà các nhà làm phim muốn kể.
Nếu bạn quan tâm về thời trang, đặc biệt là thời trang trong phim, mời các bạn cùng tham dự workshop Fashion in Film do Học viện thời trang Việt Nam VFA và Đại học Hutech tổ chức vào thứ 7, ngày 15.11.18. Thông tin về sự kiện xem tại đây.