Jurassic World đã có màn trở lại gần đây vào năm 2015, trở thành bom tấn phòng vé. Phim có sự tham gia của Chris Pratt trong vai chuyên gia khủng long Owen Grady, Bryce Dallas Howard vai Claire – quản lý điều hành của Công viên Khủng long. Những con khủng long trong phim quả rất tuyệt, nếu so với khủng long robot xuất hiện trong phim năm 1993.
Phim Jurassic World đạt doanh thu ấn tượng $1.67 tỷ trên toàn cầu, trở thành phần phim có doanh thu cao nhất mang thương hiệu Công viên Khủng long. Bởi thế mà cũng không ngạc nhiên gì khi phần phim thứ 2 Jurassic World: The Fallen Kingdom được công bố sẽ ra mắt vào tháng 6 năm 2018. Đạo diễn và đồng kịch bản của Jurassic World Colin Trevorrow lần này đảm nhận vị trí sản xuất và viết kịch bản, còn ghế đạo diễn chính sẽ thuộc về J. A. Bayona, người chỉ đạo cho A Monster Calls trong năm 2016. Pratt, Howard và cả Jeff Goldblum trong vai Tiến sĩ Ian Malcolm cũng sẽ trở lại.
Sau Fallen Kingdom sẽ là phần phim Jurassic World thứ 3 được ra mắt vào năm 2021. Đây sẽ là phần phim thứ 6 về Công viên Khủng long. Nhưng mà, không phải thương hiệu này nên “tuyệt chủng” giống bầy khủng long hay sao? Trước Spielberg, các phim khủng long đều “chuối” không thể tả, cho đến khi vị đạo diễn mang T-Rex “đi xâm chiếm” màn ảnh thế giới, khiến người ta rùng mình với những phân cảnh con khủng long bạo chúa lùng sục 2 đứa trẻ, vốn đang ẩn náu ngay dưới mũi nó.
Cạn sức sáng tạo
Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, thương hiệu đã dần cạn sức sáng tạo qua mỗi phần phim ra mắt, đến độ Jurassic World 2015 cũng chỉ đơn thuần sử dụng lại những tình tiết cũ, thêm vào được vài loại khủng long khác. Cốt truyện không có gì lạ: Con người mang khủng long vào một sở thú, và bọn khủng long bắt đầu “nổi loạn”. Nhân vật Claire của Howard thì bằng một cách “nhiệm màu” nào đó lỡ lạc mất đứa cháu trong công viên, mối quan hệ giữa cô và Owen được thể hiện quá rõ, chẳng cần thoại làm gì.
CGI ấn tượng, nhưng cốt truyện quá nhàm chán.
Xây dựng hình ảnh khủng long "một màu"
Trong thực tế thì thương hiệu Công viên Khủng long rất có hại đến hình ảnh loài khủng long. Chúng là một phần tuyệt vời của lịch sử tự nhiên, khám phá loài vật này rất thú vị, cả trong nghiên cứu và trong truyện giả tưởng. Thế nhưng, các bộ phim về Công viên Khủng Long đưa ra góc nhìn rất một chiều về loài vật này. T-Rex được xây dựng như một con vật hung dữ, hết. Không đưa thêm bất cứ chi tiết nào khác về loài vật này.
Thêm đó là việc tạo ra Indominus Rex, một loài khủng long trong phòng thí nghiệm, sở hữu DNA của T-Rex, Velociraptor, Cuttlefish cũng như Carnotaurus, Giganotosaurus, Majungasaurus và Rugops. Kết quả là chúng ta có một con khủng long tay dài, móng vuốt có thể đi bốn chân hay hai chân đều được và các khả năng khác. Trong khi chi tiết này cho thấy sự can thiệp của con người vào gen, điều đó hoàn toàn chẳng cần thiết. Trong thực tế, nhiều loài khủng long khác thú vị hơn tồn tại trong lịch sử có thể được đưa ra cho công chúng chiêm ngưỡng.
Kiến thức lỗi thời
Thêm một chi tiết thuộc về lịch sử nữa không được đưa vào Jurassic World, vốn được các nhà khoa học rất tin tưởng, ví dụ như nhiều loài khủng long có lông vũ chẳng hạn. Các loài chim ngày nay được cho là tiến hóa từ chúng. Nếu khai thác thêm chi tiết này, phim sẽ trở nên rất mới mẻ, nhưng có vẻ như Jurassic World vẫn thích đi theo hướng đi như 3 phần phim đầu, mà quên mất rằng kiến thức về các loài vật tiền sử đã thay đổi rất nhiều kể từ những năm 90. Trong thương hiệu Jurassic Park, đặc biệt là 2 phần phim sắp tới, phim cần phải có sự thay đổi, đưa khủng long ra nhiều góc nhìn hơn.
Thế nhưng, cốt truyện tóm tắt của Fallen Kingdom có vẻ như cũng chẳng thú vị gì hơn Jurassic World. Đám khủng long tự do đi trên hòn đảo Isla Nublar, Claire tìm đến một công ty bảo vệ khủng long, phát hiện ra một núi lửa sắp phun trào. Owen xuất hiện để giúp sức, cùng Claire giải cứu những con khủng long khỏi hòn đảo.
Vấn đề chính hiện nằm trong nhận định rằng thương hiệu Jurassic Park là thứ kiếm ra tiền. Với Jurassic World 2015 thì có thể là vậy, Trevorrow quyết định đi bước an toàn, hi vọng rằng những ai đã xem bản 1993, giờ đã có con có cháu, sẽ dẫn chúng đi xem phần mới nhất.
Giờ thì có vẻ có hiệu quả, nhưng giải pháp đó có hiệu quả mãi không? Trailer của Fallen Kingdom thật nhàm chán, chẳng có gì đáng chờ đợi cả. Có thể hoàn toàn không phải vậy, nhưng trailer đáng ra phải đưa vào những điểm sáng nhất của bộ phim nhằm thu hút khán giả. Táo bạo, phiêu lưu và đặc biệt là “chất”, khả năng cao sẽ không hiện diện trong phần phim tiếp theo. Spielberg đã tạo ra một thương hiệu kinh điển, nhưng thế giới khủng long đã có thời của nó. Việc “đào” lại chỉ khiến bộ phim càng lúc càng lún sâu vào vũng bùn “một màu” mà thôi.
Nguồn: Screen Rant