Phân biệt chủng tộc (racist) là vấn đề nhức nhối xưa nay và đến giờ vẫn còn gây nhiều bức xúc trong xã hội Mỹ. Một trong những lý do khiến phân biệt chủng tộc ở Mỹ rất khó bị xóa sổ đấy là do giáo dục và sự tuyên truyền của các công cụ truyền thông, khiến vấn đề này có gốc rễ in sâu vào tiềm thức của chính những người da trắng ở đất nước này.
Việc “nhồi sọ” phân biệt chủng tộc này diễn ra dưới nhiều hình thức như phản diện luôn là người da màu, chính diện luôn là người da trắng, nhân vật chính luôn là người da trắng, nhân vật phụ luôn là người da màu… thậm chí còn đi đến mức thay các nhân vật người da màu, da vàng… bằng người da trắng.
Việc này được gọi là whitewash – tẩy trắng trong phim ảnh, vốn đã diễn ra từ lâu (ví dụ như khi nam diễn viên da trắng Mickey Rooney hóa trang thành da vàng để đóng vai Yunioshi trong phim Breakfast at Tiffany’s năm 1961), đến khoảng thời gian gần đây thì càng lúc càng bị phản đối cực kỳ mạnh mẽ.
Không cần biết lý do là gì, nếu một bộ phim đưa người da trắng vào vai một người không-phải-da-trắng thì sẽ bị cáo buộc tẩy trắng. Đơn cử như các phim The Lone Ranger (Johnny Depp vào vai một người da đỏ), Ghost in the Shell (Scarlett Johansson vào vai nhân vật chính người Nhật), Gods of Egypt (các vị thần chính của Ai Cập do dàn diễn viên người da trắng thủ vai)…
Nhiều chiến dịch chống lại việc tẩy trắng đã được tiến hành trên các mạng xã hội như Twitter, Facebook, và lan sang cả các giải thưởng như Oscar với chiến dịch #OscarsSoWhite, tẩy chay giải thưởng của Viện Hàn Lâm, khi người ta thấy các đạo diễn, diễn viên da trắng áp đảo đạo diễn, diễn viên da màu, chứ chưa cần xét đến phim hay dở ra sao.
Hàng triệu lượt chia sẻ, hashtag cho thấy sự đồng lòng phản đối việc tẩy trắng phim ảnh trong khán giả. Tuy nhiên, điều này có vẻ như không được áp dụng cho chiều ngược lại là nhuộm đen. Đây được gọi là tiêu chuẩn kép và đồng thời cũng là một kiểu ngụy biện. Tẩy trắng thì kiên quyết phản đối chẳng cần xét đến lý do gì trước, nhưng nhuộm đen thì người ta sẽ biện minh “Hãy nhìn vào khả năng diễn xuất, thay vì nhìn vào màu da.”
Nếu tẩy trắng phim là hình thức thay nhân vật không phải da trắng bằng một nhân vật, diễn viên da trắng, thì nhuộm đen là việc thay một nhân vật không-phải-da-màu thành một nhân vật da màu.
Tuy nhiên, có vẻ như trái ngược với phản ứng mạnh từ khán giả khi việc tẩy trắng diễn ra, thì việc nhuộm đen nhận được phản ứng không gay gắt bằng, như khi Halle Berry đóng vai Catwoman, vốn là một nhân vật da trắng; hoặc nhân vật Heimdall da trắng trong truyện tranh Marvel, đổi lại do nam diễn viên da màu Idris Elba thủ vai khi được chuyển thể thành phim Thor.
Nếu đổi ngược đây là trường hợp như trong Doctor Strange, thì phim sẽ bị chỉ trích tơi tả khi giao cho Tilda Swinton – một nữ diễn viên người da trắng vào vai nhân vật Thượng Cổ Tôn Giả - vốn là người Tây Tạng. (Cũng may là phim hay và phong thái của Tilda Swinton rất phù hợp. Tưởng tượng nếu phim flop thì sẽ thế nào nhỉ? Liệu có bị “nhai đi nhai lại” vì đã tẩy trắng như trường hợp của Ghost in the Shell không?) Người ta phản đối việc tẩy trắng vì đó đơn giản tẩy trắng, những lý do khác như đi ngược lại nguyên tác sẽ là lý do phụ theo sau. Nhưng nếu phản đối việc nhuộm đen, họ sẽ tập trung vào khả năng diễn xuất, vào tính chính xác của nguyên tác, thay vì quá tập trung vào việc nhuộm đen vì sợ bị chụp mũ là phân biệt chủng tộc.
Micheal B. Jordan lúc đóng vai Johnny Storm (một nhân vật da trắng, tóc vàng, mắt xanh) trong Fantastic Four 2015, trước làn sóng phản đối vì đi ngược lại nguyên tác còn có cơ hội được lên tiếng một cách thỏa đáng. Anh nói, “Đôi khi bạn phải là người đứng lên và nói rằng, ‘Tôi sẽ là người chịu đựng tất cả sự ghét bỏ này.’” Và “Người ta sẽ luôn nhìn nhau dựa trên sắc tộc, nhưng có lẽ trong tương lai, chúng ta sẽ không còn nói về vấn đề này nhiều nữa.” Khi việc tẩy trắng diễn ra, thường thì không có lời giải thích nào thỏa đáng đối với những người phản đối.
Quyết định đổi nhân vật không phải da màu thành da màu có vẻ như đang càng lúc càng xuất hiện nhiều hơn, gần đây nhất là nhân vật Javert – vốn là người Pháp da trắng trong Les Misérables, được giao cho nam diễn viên da màu David Oyelowo thủ vai trong TV series làm lại sắp tới, Buffy the Vampire Slayer bản remake sẽ do một diễn viên da màu đóng vai chính, đâu đó phong phanh tin đồn (chưa xác thực) rằng Disney đang định làm phiên bản live action Nàng Tiên Cá với các diễn viên da màu…
Muốn nói đến sự công bằng, thì hãy hành xử cho công bằng. Nếu muốn phản đối việc tẩy trắng, thì đừng ủng hộ việc nhuộm đen nhân vật so với nguyên tác, bởi làm thế cũng chỉ là một kiểu ngụy biện, đạo đức giả và phân biệt mà thôi.